Có 1 ông nào đó đã nói đại loại rằng thì là “Tàn lửa mà được xuất bản ở VN sớm mấy năm thì chắc giờ Keigo không có chỗ đứng luôn” – đại loại vậy. Tôi thì không cho là như thế, tôi nghĩ Keigo vẫn sẽ có chỗ đứng thôi, vì đến tôi vẫn còn có chỗ đứng nữa là ….Nhưng mà đọc xong cuốn này phải công nhận là mấy ông người Nhật giỏi khắc họa và miêu tả tâm lý thật!
Trong Tàn lửa, ta có thể thấy được không khí ngột ngạt, nguy hiểm luôn đe dọa, rình rập dù không có nhiều tình huống thay đổi đột ngột gây căng thẳng – sự căng thẳng, nguy hiểm cứ dần dần trườn đến, phủ lên những thành viên trong gia đình của thẩm phán Isao.
Bên cạnh đó là cuộc sống thường nhật của 1 gia đình “tứ đại đồng đường” – nơi mà chỉ bằng những đoạn mô tả không quá dài cũng đủ để vẽ nên bức tranh tâm lý của từng thành viên trong gia đình đó – những bức bối, mâu thuẫn trong mối quan hệ mẹ chồng con dâu, chị chồng với em dâu, mẹ với con, vợ với chồng..v..v..cũng như bức tranh về cơ cấu 1 gia đình Nhật, với nếp nghĩ và những nét văn hóa ứng xử của người Nhật. Ngoài phạm vi gia đình ra thì còn là mối quan hệ giữa những người hàng xóm, giữa những bà mẹ có con nhỏ như nhau, giữa người thẩm phán và nghi phạm từng được vị thẩm phán đó tuyên vô tội, và còn ti tỉ những mối quan hệ râu ria khác nữa. Và dù trên phạm vi nào, bình diện nào thì việc miêu tả tâm lý của Shizukui Shusuke cũng đều vô cùng tỉ mỉ, sắc sảo và chân thật, khiến cho độc giả dù đến từ 1 quốc gia khác, 1 nền văn hóa khác cũng có thể thấu hiểu để mà cảm thấy hoang mang, lo sợ. Từ những tâm lý do tác động của các mối quan hệ đến những suy nghĩ tự thân của nhân vật, từ những tâm tư cố định đến sự biến chuyển từ từ của tâm lý – tất cả đều vô cùng uyển chuyển và hợp lý, rất đáng khâm phục tác giả về khả năng này của ông! (thực ra tôi muốn nói thêm về những chi tiết khiến tôi khâm phục khả năng khắc họa tâm lý của tác giả, nhưng sợ sẽ spoil mất – với lại dù sao cũng là cảm nhận cá nhân nên nếu nói nhiều quá sợ các bạn ko cùng cảm nhận lại nghĩ mình seeding).
Vì tôi đánh giá cao truyện này ở yếu tố tâm lý, nên yếu tố trinh thám tôi không quá quan trọng, và cũng thấy không quá lắt léo, phức tạp, khó đoán. Tất nhiên, vẫn có những đoạn lập luận lật kèo nho nhỏ có thể khiến độc giả lung lay quan điểm, và quan trọng là khỏi lăn tăn xem liệu có đúng mình đang đọc 1 tiểu thuyết trinh thám hay không? Tuy nhiên thì đoạn kết làm hơi nhanh khiến cho cá nhân tôi chưa thực sự cảm thấy thỏa mãn, và đó có lẽ là điểm trừ duy nhất của Tàn lửa đối với tôi.
Kết luận lại thì đây là 1 tiểu thuyết tâm lý tội phạm, tâm lý xã hội xuất sắc và đủ để khiến độc giả háo hức, mong chờ rằng những tác phẩm khác của tác giả sớm được đưa về Việt Nam – dù cho có đủ để cướp hết chỗ đứng của Keigo hay không.
Review của độc giả Nguyễn Thành Tiến – Nhã Nam reading club
Bạn có thể tìm mua sách tại:
TÊN SÁCH | NHÃ NAM | TIKI | FAHASA |
TÀN LỬA | https://bit.ly/tanluaFHS |
Leave a Reply