Rate: 5+/5 ⭐
🍀”Lặng yên dưới vực sâu” là một bản nhạc trầm buồn kể về cuộc đời của những người con núi rừng, mang âm hưởng gió trời Tây Bắc, phảng phất mùi nương ngô và gợi lên những câu hỏi đau đáu về những cuộc đời bị đánh cắp.
🍀 Cuộc đời của nhân vật Súa đã bị đánh cắp vào cái ngày anh chàng Phống đến bắt cô về làm vợ, đặt một dấu chấm hết cho những năm tháng hạnh phúc của cô. Bởi từ lúc đó, cô cũng sẽ phải nói lời từ bỏ với tình yêu mộc mạc và chân thành của anh chàng Vừ. Hạnh phúc vỡ tan như bọt biển, lặng lẽ trôi về phía đại đương.
🍀 Cứ thế, ngay từ những trang đầu tiên, “Lặng yên dưới vực sâu” đã đưa mình lội lên vùng rẻo cao của đất nước, nơi mình sẽ tận mắt chứng kiến cuộc đời của những con người nơi đây, cứ như thể mình đang ở đó. Đã lâu lắm rồi mình mới yêu thích một tác phẩm xúc động, đậm chất núi rừng và văn phong Việt gần gũi đến như vậy.
🍀 Bên cạnh đó, sẽ là thiếu sót nếu bỏ qua cái “nghệ” của tác giả khi miêu tả phong cảnh núi rừng đất Việt, đẹp, rất đẹp, vô cùng đẹp, đến độ người đọc cảm nhận được mùi nắng của nương ngô, cái lạnh buốt da những ngày đêm đông và cả cái sâu hút ngùn ngụt của vực sâu. Chỉ bằng sự đa cảm và những ngôn từ mộc mạc, nhà văn Đỗ Bích Thúy đã tái hiện trước mắt người đọc một miền rẻo cao của đất nước hiện ra, đẹp đẽ và nên thơ, nhưng lấp lánh nỗi buồn.
🍀 Hơn nữa, tiểu thuyết “Lặng yên dưới vực sâu” của nhà văn Đỗ Bích Thúy có nhiều câu văn và đoạn văn chạm đến cảm xúc trong lòng mình, một cách mộc mạc và chân thật vô cùng.
Cảnh mình thấy thương nhất truyện là khi mẹ mới mất, Súa ngày nào cũng sắp thêm một bát một đũa, xới mèn mén (cơm) vào bát rồi mới ăn. Hai cha con nhớ vợ nhớ mẹ, cứ vậy mà ăn. Cho đến một ngày, cha bảo Súa:
– Súa à, ăn đi, đừng gắp cho mẹ nữa. Ăn đi, không thì ốm mất.
Súa im lặng, ngồi một lúc, lại gắp từ bát mẹ vào bát bố.
– Bố ăn đi, không ăn thì ốm mất.
Đọc đến đó, mình bất giác không kìm được cảm xúc nữa. Vì sao những câu văn mộc mạc mà có thể tràn đầy ý nghĩa như thế?
🍀 Đối với mình, thành công của cuốn sách “Lặng yên dưới vực sâu” được chấp bút bởi nhà văn Đỗ Bích Thúy chính là nằm ở tuyến nhân vật rất “thật”. Họ “thật” vì muôn vàn giằng xé nội tâm, vì cái suy nghĩ rất người. Năm nhân vật chính: cô gái Súa, anh chàng Vừ, anh chàng Phống, cô gái Xí, cô em dâu Chía, mỗi người một nhân cách, nhưng dù họ như thế nào, ta chỉ có thể thương thêm, thương đến quặn lòng.
Khi trang cuối khép lại,
Nước mắt mình đã rơi rất nhiều.
Vì mình thương, mình xót, mình đau lòng cho tất cả các nhân vật.
🍀 Nghệ thuật vị nhân sinh.
Sau khi khép cuốn sách này, mình đã hiểu trọn vẹn điều này.
Mình thật sự rất rất giới thiệu các bạn cuốn sách văn học Việt Nam này! Vỏn vẹn 200 trang, 7 lần bật khóc, nhiều ngày sau khi hoàn thành, trái tim mình vẫn rất đau.
Một cuốn sách, đối với mình, trọn vẹn, gói gọn nhiều gia vị đậm đà: tình yêu, gia đình, thiên nhiên, số phận con người và lẽ sống, làm nên một áng văn thơ mà buồn.
🍀 Chia sẻ thêm: Đọc xong cuốn sách này, mình nhớ về những ngày đến Hà Giang. Đứng trên miền rẻo cao đất nước, nghe tiếng gió hát ca bên tai, nhìn thấy lũ trẻ đùa vui, cảm sự hữu hạn của kiếp người đối diện với sự vô hạn của đất trời, đó là một khoảnh khắc ý nghĩa vô cùng.
Và ý nghĩa vô cùng, đó chính là đôi dòng cuối cùng mình muốn viết cho cuốn sách “Lặng yên dưới vực sâu” của tác giả Đỗ Bích Thúy.
Leave a Reply