ĐẶNG LY
Cách đây 50 năm, vận tải hàng hóa chẳng hề được chú ý tới; hoạt động kho vận cũng còn quá xa xôi.
Mà quả thực, so với những ngành như công nghệ, thì vận tải hàng hóa có vẻ kém quyến rũ thật. Bởi lúc ấy người ta chỉ tập trung vào vận chuyển mà bỏ qua khía cạnh dịch vụ của nó.
Nhưng nói gì thì nói, tới giờ thì hoạt động vận chuyển này lại thành quá phổ biến, thậm chí là thiết thân, nếu không có các shipper chạy đầy đường, không hiểu việc bán hàng sẽ thế nào; mà nếu một ngày trong văn phòng không có ai được shipper gọi xuống nhận hàng, hẳn đấy là một ngày bất thường?
Vì vậy mà tôi đặc biệt giới thiệu cuốn sách này, dù có vẻ như chỉ là cuốn sách về một doanh nghiệp kho vận trong một ngành không mấy hấp dẫn này.
Nhưng vượt xa việc chỉ là một cuốn sách đơn thuần về lịch sử hình thành và phát triển của doanh nghiệp, đây là một biên niên ký về ngành chuyển phát trên toàn cầu, được sáng tỏ bằng hoạt động thực chiến của DHL từ những ngày đầu tiên.
Đó là những sự kiện đáng kể như vụ bố ráp văn phòng Hồng Kông, hay (với tôi) là việc mở văn phòng tại Việt Nam.
Đến năm 1989, Việt Nam là nước lớn cuối cùng ở Đông Nam Á chưa có dịch vụ DHL.
Phía DHL cũng nhận định rất chuẩn xác rằng “Việt Nam đang mở cửa một cách chậm chạp, và môi trường phía nam tự do hơn phía bắc. Nhưng đây vẫn là một nước cộng sản với tư tưởng chỉ huy và kiểm soát.”
Và họ đã tiếp cận trực tiếp với cơ quan bưu chính của Việt Nam, “DHL liên hệ, và một đoàn đại biểu được mời đến Singapore để dự tiệc rượu, ăn tối và tiếp đón trọng thị.” (Chà, những nhân vật được dự tiệc rượu này hẳn là rất oách!)
Và sau đó thì “logo của DHL đã được gắn bên trong tòa nhà kiến trúc kiểu Pháp thanh nhã là Bưu điện Trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, đó quả là một khoảnh khắc đầy cảm xúc!”
Thêm nữa, cuốn sách đặc biệt thú vị với tôi còn bởi nó đã phản ánh đúng câu nói, “Tổ chức không thể vượt xa hơn người đứng đầu của nó.” DHL lớn mạnh bền bỉ trong một thị trường quốc tế đầy cạnh trạnh là có lý.
Những người sáng lập DHL không chỉ mạnh mẽ trong hành động, đột phá về tư tưởng mà còn uyên bác và đầy viễn kiến; như Larry Hillblom, một trong ba người thành lập DHL, được coi là có “tâm hồn tự do”, ngay từ những ngày đầu thành lập, khi vướng phải những rào cản của chính phủ, ông đã phát ngôn (được cho là bất thường khi đó) rằng, chính phủ nên khuyến khích thay vì giới hạn/kiểm soát các hoạt động thương mại.
Po Chung là người sâu sắc, uyên thâm, ông được coi là nhà hiền triết của DHL International, dấu ấn của ông trong cuốn sách này thật rõ rệt (và chính thế làm tôi thấy thích thú khi đọc nó).
Tôi hoàn toàn đồng ý với ông rằng cuốn sách không viết về những người sáng lập hay lịch sử doanh nghiệp, mà vạch ra một khung tham chiếu với các ý tưởng, triết lý, văn hóa và những mốc thời gian đặt nền móng cho thời kỳ đổi mới sáng tạo không ngừng.
Và hơn cả, đó là một câu chuyện kể, một lịch sử về sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu khi dịch chuyển từ nền kinh tế sản xuất sang nền kinh tế dịch vụ, và mở ra kỷ nguyên toàn cầu hóa sau này.
Leave a Reply