Tôi có một kỷ niệm tuyệt vời với nhà văn Nguyên Ngọc. Năm 2010 với tư cách cộng tác viên tôi tham gia một chuyến điền dã đến Champasak nam Lào do Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tổ chức, mà trong đoàn Nguyên Ngọc là khách mời danh dự. Chuyến điền dã mùa xuân kéo dài một tuần, chúng tôi từ Hà Nội đi cửa khẩu Hương Khê Hà Tĩnh, qua Lak Sao, tới Champasak, dừng chân ở Pakse thăm di tích và tọa đàm, rồi về Việt Nam qua cửa khẩu Kontum.
Nhà văn Nguyên Ngọc năm ấy 78 tuổi, và buổi đầu tiên chúng tôi đi một mạch từ Hương Khê lúc 6 giờ sáng đến Pakse lúc 10 giờ đêm, và ăn bữa tối trên một đảo nhỏ nằm giữa sông Mê Kông lúc 11 giờ. Tôi kinh ngạc thấy ông không mệt mỏi gì, ăn uống cười nói như không. Những ngày sau, chúng tôi đi di tích, tọa đàm, uống rượu nhảy nhót đến đêm, ông tham gia hết không bỏ sót cuộc nào, bước chân thoăn thoắt, khuôn mặt lúc nào cũng như có sẵn một nụ cười, máy ảnh lăm lăm trên tay.
Không hiểu sao ông lại có được một sức khỏe như thế một tinh thần như thế trong vóc dáng nhỏ bé nhường kia, vóc dáng mà Nguyễn Huy Thiệp gọi là Nhất thốn Ngọc Kỳ Khôi (nhất thốn – một đốt ngón tay) trong cuốn Bên rìa nước chưa xuất bản.
Thật không ngờ nhiều năm sau, tôi có may mắn được biên tập cuốn sách Dọc đường của nhà văn Nguyên Ngọc, cuốn sách kỷ niệm tuổi 90 của ông. Đọc về đường đời của ông, mới hiểu chuyến đi Lào chỉ là cuộc đi quá mức nhẹ nhàng so với một đời lang bạt đã từng.
*
Cuốn sách này gồm hai phần cơ bản, một là những bài viết liên quan đến các hoạt động văn hóa văn chương của Nguyên Ngọc, hai là những đoạn trích từ cuốn hồi ký của đời ông. Tập sách dày dặn này, dẫu có sự tản mạn, vẫn làm nổi bật chân dung một con người rất động: mải miết xê dịch trong không gian địa lý và ráo riết dấn thân với những hoạt động văn hóa ở tầm nhìn xa rộng.
Trước hết nói chuyện xê dịch. Các nhà văn thời chống Pháp chống Mỹ ai mà chẳng đi, nhưng đến mức như Nguyên Ngọc chắc cũng là hạng nặng. Nguyên Ngọc tự thừa nhận trong mình có máu lang bạt, và dường như nó có căn cốt từ trong gia đình. Đọc phần hồi ký của Nguyên Ngọc, mới thấy cái tinh thần “đi chứ” không gì cản nổi của ông.
“Gọi là đi thực tế, được biểu dương hẳn hoi ở cơ quan đấy, kỳ thực là những cuộc du ngoạn triền miên, gặp nơi nào thích thì dừng năm bảy bữa, cái gì hay thì viết mấy trang. Lên Quảng Uyên – Thông Huề bên kia đèo Mã Phục, làm quen với hai cô giáo, một Hàng Bông, một Hàng Trống Hà Nội, chơ vơ giữa một đám học trò toàn người Dao đỏ, người Nùng, người Quý Châu, người H’mông. Các cô bảo ở lại chơi, thì ở! Và viết cái truyện ngắn ‘Dũng cảm’. Lang bạt qua Bắc Cạn, Bạch Thông, Đèo Giàng, gặp mấy anh bưu điện kỳ lạ và viết ‘Rẻo cao’. Lại vào Hà Quảng, ghé nhà anh thanh niên mù gần Bế Triều, Nước Hai, và viết ‘Pồn’… Một bữa, ở thị xã Cao Bằng, rét như cắt, đi ăn món coóng-phù khuya về, nóng bỏng môi, vừa thổi vừa ăn, thì gặp tỉnh đội trưởng Mỹ Sơn cũng đi đâu đấy về rất khuya, vẻ rất tất tả.
– Này, bên Đồng Văn vừa nổi phỉ đấy, chúng nó chiếm mẹ hết cả huyện rồi. Lệnh Quân khu phải đánh hai mũi, một từ thị xã Hà Giang lên, một từ Cao Bằng sang. Sáng mai bọn này xuất binh. Có đi không?
– Đi chứ!”
Còn đây là lời hứa “đi ngắn, về sớm” với vợ của con người lang bạt này. Sau vụ Đề dẫn 1979, được bạn rủ rê, Nguyên Ngọc muốn vào miền Nam lần theo những con người vô danh anh hùng trên truyến “Đường mòn Hồ Chí Minh trên Biển Đông” với những chiếc tàu ngụy trang gọi là “tàu không số”.
“Tôi biết, tìm ‘họ’, chẳng có thể đi theo những con đường chính thống. Chẳng có hồ sơ chính thức của bất cứ cơ quan nhà nước nào ghi chép tên tuổi họ, nhắc đến họ. Họ bao giờ cũng ở bên rìa của lịch sử chính thống. Và một cuộc đi tìm như vậy chỉ có thể là một cuộc lang thang, rất bất định. Cũng rất có thể là một cuộc đi sẽ dẫn anh đến xa dần, đến lạc hẳn những dự tính ban đầu. Một cuộc phiêu lưu thật sự.
Tôi lên đường như vậy.
Vợ tôi bảo:
– Anh cứ đi đi. Công việc ở nhà, em lo được.
Cô ấy sợ tôi căng thẳng và buồn, muốn tôi được khuây khỏa. Thật tội nghiệp cho những người vợ quá tốt của những anh chàng nhà văn đang lúng túng và bất tài như tôi!
– Anh sẽ cố gắng đi ngắn, về sớm. – Tôi hứa bừa.
Lời hẹn ‘về sớm’ ấy hóa ra vợ tôi phải chờ mất gần ba năm.” !!!
Dấu chân của ông đặt lên khắp các tỉnh miền núi phía Bắc, rồi Trường Sơn, chiến trường khu 5, U Minh, Cà Mau và những hòn đảo hoang sơ xa lắc… Nhưng chuyện đi nhiều sống nhiều quan sát nhiều và suy tư nhiều hẳn đã giúp Nguyên Ngọc nhìn ra được nhiều điều trước thời đại.
“Tôi bắt đầu lờ mờ nhận ra mọi sự chẳng phải chỉ tuyền một điệu anh hùng ca. Lờ mờ nhận ra sự phức tạp của cuộc đời và con người… Đẻ ra cái truyện vừa ‘Mạch nước ngầm’. Một chút thử thăm dò vào những mạch ngầm quanh co trong con người. Truyện in ra, bị đánh một trận tơi bời.”
Và cũng có lẽ đi quá nhiều, ông cảm thấy cuộc sống lớn lao hơn quá mức những điều mình có thể viết, với những mảng cuộc sống không theo logic quen thuộc, những lịch sử không viết hoa, hoặc rất đau đớn hoặc rất lành mạnh, nhưng đều bất ngờ. Ông cũng ghi chép cặm cụi sau những chuyến đi, nhưng không hài lòng với những con chữ bé mọn bất lực trước những gì mình thấy. Có lẽ vì thế Nguyên Ngọc đã sớm dừng viết ở vai trò một nhà văn, và ông tự nhận mình bất tài:
“Thế đấy, tôi vẫn là một nhà văn nghiệp dư. Viết tay trái. Công việc chính là những công việc trên trời rơi xuống, chẳng ai chính thức giao cho cả. Hay cũng có thể chống chế: công việc chính là sống. Tôi là cái thằng ham sống. Sống dẫu sao vẫn hay, vẫn vui hơn là viết chứ!”
Trong phần hồi ký này có thể đọc được những đoạn văn vô cùng đẹp, cũng có thể những thấy những thao thức, băn khoăn của một con người, và nhận ra trong đó chất nhà văn của ông vẫn đậm đặc. Tôi mong được đọc cuốn Hồi ký đầy đủ và hẳn rất dày dặn của ông, một ngày, của con người xê dịch nhưng không hề biết đi cả xe đạp và xe máy.
*
Không tiếp tục nhiều ở vai trò nhà văn, nhưng Nguyên Ngọc đầy lý tưởng và mộng mơ, chọn bước trên con đường phát triển văn hóa dân tộc.
Còn nhớ thời kỳ Nguyên Ngọc làm tổng biên tập báo Văn Nghệ, vỏn vẹn một năm rưỡi (từ đầu tháng 7-1987 đến cuối tháng 12-1988), nhưng đã có thể khuấy động một tinh thần “Đối diện” với cuộc sống, không tránh gió, không quay lưng, khiến cho tờ báo từ chỗ sắp chết vụt trở thành một dấu ấn huy hoàng trong đời sống văn nghệ.
Quan niệm dịch là một sự nghiệp lớn và cấp thiết, ông không chỉ là dịch giả của Nghệ thuật của tiểu thuyết, Lễ hội của vô nghĩa, Những di chúc bị phản bội (Milan Kundera); Độ không của lối viết (Roland Barthes), Phi thực dân hóa tiểu thuyết (J.M.Coetzee)…, năm 2007 ông là nhà đồng sáng lập Qũy Văn hóa Phan Châu Trinh để thúc đẩy sự nghiệp dịch thuật trong nước. Về mặt nghiên cứu, ông vẫn quan tâm và viết về hai mảng chính là Tây Nguyên và giáo dục – văn hóa Việt Nam. Năm 2007 ông dồn tâm lực vào cuộc khởi sinh Đại học Phan Châu Trinh ở Hội An, và thành lập Viện Phan Châu Trinh 2017.
Nguyên Ngọc thường xuất hiện trong các cuộc tọa đàm, hoạt động văn hóa như một trí thức, một nhân vật có tính biểu tượng của tinh thần cải cách, cấp tiến, dấn thân, ủng hộ sáng tạo. Những bài viết nhân các sự kiện đó được chọn lọc in trong cuốn sách này.
Dĩ nhiên Nguyên Ngọc nhiều mộng mơ, và sự mộng mơ đó nhiều khi vấp phải cái hố hiện thực đen ngòm. Nhưng tinh thần quả cảm, sự dấn bước không ngừng của ông là điều đáng phải nể phục. Nguyên Ngọc đã sống như chính điều ông tâm niệm và hối thúc:
“Một xã hội muốn tiến lên thì phải thường xuyên tự nhìn lại mình, tự ý thức lại về chính mình. Trí thức là sự tự ý thức lại thường trực của xã hội. Tự ý thức lại, tự phê bình lại thường trực, không ngừng. Phê bình như vậy, trí thức góp phần giúp xã hội không dừng lại trên bất cứ một trật tự được coi là bất biến nào, giúp xã hội luôn tiến tới một trật tự tốt hơn, nhân đạo hơn, hợp lý hơn. Người trí thức do vậy mà trở thành lương tâm của xã hội, phát ngôn nhân của những lực lượng tiến bộ trong xã hội ở bất cứ giai đoạn nào của lịch sử.”
Leave a Reply