[Điểm tin] Salman Rushdie bị đâm ở một buổi nói chuyện

[Điểm tin] Salman Rushdie bị đâm ở một buổi nói chuyện

Bài trên Publisher Weekly

Nhà văn Salman Rushdie,  năm nay 75 tuổi, đã bị tấn công vào sáng thứ Sáu khi ông đang được giới thiệu để bắt đầu buổi nói chuyện tại Viện Chautauqua, một cơ sở có bảo vệ ở gần Erie, phía tây New York. Các nhân chứng nói với tờ New York Times rằng Rushdie bị đấm và bị đâm, ông bị thương ở nhiều chỗ, cả ở cổ và bụng. Ông đã được đưa đến một bệnh viện gần đấy bằng trực thăng và vẫn còn sống vào thời điểm đó.

Tối thứ Sáu, Andrew Wyile, người đại diện của Rushdie, nói với New York Times rằng nhà văn đang phải thở máy và có thể bị mất một mắt. Một nghi phạm, Hadi Matar sống ở New Jersey, đã bị bắt tuy vậy, vẫn chưa rõ động cơ của vụ tấn công.

Rushdie là một nhà văn khả kính, và đôi khi gây tranh cãi, tác giả của 14 tiểu thuyết. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Những đứa trẻ nửa đêm, tiểu thuyết đoạt giải Booker năm 1981 về sự phân chia của Ấn Độ và Pakistan; tác phẩm này được coi là một trong những tiểu thuyết hay nhất trong năm mươi năm trở lại đây .. Ban đầu, cuốn sách bị cấm ở Ấn Độ, Rushdie sau đó bị cấm nhập cảnh nước này trong hơn một thập kỷ. Tiểu thuyết sau đó của ông còn gây tranh cãi hơn: Những vần của Quỷ Satan viết năm 1988 đã kết hợp các yếu tố của Kinh Qur’an và hư cấu một phần cuộc đời của nhà tiên tri Muhammed. Bị cho là báng bổ đạo Hồi, cuốn sách đã khiến nhà lãnh đạo Iran đã quá cố, Ayatollah Ruhollah Khomeini, treo giải thưởng cho cái chết của Rushdie vào năm 1989. Sau đấy, cuốn sách nhanh chóng trở thành bestseller, cho đến khi những lời đe dọa chết chóc mở rộng đến cả nhà xuất bản và dịch giả của cuốn sách, và cả những người bán sách, nhiều người đã chọn không bày bán và giữ cuốn sách vì sợ bị trả thù. Vào thời điểm đó, PW đã đi bài về chủ đề này một cách rộng rãi, tổng biên tập John Baker còn gọi Khomeini là “một gã gangster” và kêu gọi ngành xuất bản tập hợp đứng bên cạnh Rushdie và nhà xuất bản tại là Viking Penguin của ông

 

Rushdie dành phần lớn thời gian trong mười năm sau đó để ẩn náu hoặc di chuyển với an ninh thắt chặt, ông chỉ bắt đầu xuất hiện ở các công cộng trở lại vào năm 2000, khi mối đe dọa dường như đã được dỡ bỏ. Cho đến gần đây, cuộc sống của ông hầu như không gặp vấn đề gì, mặc dù ông vẫn tiếp tục công khai chỉ trích bạo lực Hồi giáo, đặc biệt là sau vụ tấn công ngày 11 tháng 9. Ông được Nữ hoàng Elizabeth phong tước Hiệp sĩ vào năm 2007 vì những cống hiến cho văn chương. Tiểu thuyết mới của ông, Victory City, sẽ được Random House xuất bản vào tháng Hai sang năm.

 

Nói về vụ tấn công, Suzanne Nossel, Giám đốc điều hành PEN Hoa Kỳ, tuyên bố, “chúng tôi không thể nghĩ đến sự cố nào có thể so sánh được với một cuộc tấn công công khai vào một nhà văn trên lãnh thổ Hoa Kỳ.” Bà bổ sung, “Chỉ vài giờ trước cuộc tấn công, sáng thứ Sáu, Salman đã gửi email cho tôi để tìm sự giúp đỡ về chỗ ở cho các nhà văn Ukraine cần nơi ẩn náu an toàn khỏi những nguy cơ nghiêm trọng mà họ phải đối mặt,” bà nói. “Salman Rushdie đã bị coi là mục tiêu tấn công vì những phát ngôn của mình trong nhiều thập kỷ, nhưng chưa bao giờ ông nao núng hay chùn bước.” Trước đây, Rushdie từng giữ chức vụ chủ tịch của PEN Hoa Kỳ.

 

Các tổ chức khác cũng lên án vụ tấn công và đề nghị hỗ trợ Rushdie. Chủ tịch của Hiệp hội Tác giả, ông Doug Preston nói rằng, ông đã “kinh hoàng và sốc khi biết về vụ việc xảy ra với thành viên quý báu và người bạn lâu năm của chúng tôi.” Ông nói thêm rằng mặc dù chưa rõ động cơ, nhưng Hiệp hội Tác giả “có thể và sẽ nói rằng: cuộc tấn công Rushdie là cuộc tấn công nhằm vào tất cả các nhà văn và quyền tự do ngôn luận. Tất cả chúng ta đều là Salman Rushdie.”

 

Trong tuyên bố của mình, Hội Liên hiệp Chống Kiểm duyệt Quốc gia gọi Rushdie là “một chiến sĩ bảo vệ quyền tự do ngôn luận dũng cảm “, và nói rằng thật khó để không nghĩ rằng vụ tấn công có liên quan đến việc Rushdie viết Những vần thơ của quỷ Satan.

 

Rất nhiều người cổ vũ Rushdie trên Twitter, trong đó có Neil Gaiman, ông đã viết: “Tôi rất sốc và đau đớn khi bạn tôi @SalmanRushdie bị tấn công trước một buổi nói chuyện. Anh ấy là người tốt và là một người đàn ông vĩ đại, tôi hy vọng anh ấy sẽ ổn. “


Posted

in

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *