NHỮNG CUỐN SÁCH ĐẠT GIẢI GONCOURT

NHỮNG CUỐN SÁCH ĐẠT GIẢI GONCOURT

Là giải thưởng danh giá với tuổi đời 120 năm, giải GONCOURT được sáng lập để trao thường niên cho tác phẩm văn xuôi xuất sắc nhất trong năm. Giải thưởng lâu đời nhất của này là niềm mơ ước của các nhà văn, tiểu thuyết gia, và các tác phẩm đạt giải cũng luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả.
Đến nay, Nhã Nam đã xuất bản sách khá nhiều sách Goncourt, có những cuốn đã ra mắt từ lâu nay đã tuyệt bản, trước thềm nô nức của hội sách sắp tới, post này admin xin điểm qua vài cuốn Goncourt nổi bật (hoặc “có lẽ” vẫn còn mua được).
👩 1919 – DƯỚI BÓNG NHỮNG CÔ GÁI ĐƯƠNG HOA, Marcel Proust
Đây là cuốn sách góp phần đưa Marcel Proust lên hàng những nhà văn nổi tiếng nhất nước Pháp với tầm ảnh hưởng lớn lao trong nền văn chương thế kỷ 20. Qua những suy ngẫm miên man giàu chất về triết học, nghệ thuật, những suy tư mới mẻ về thời gian cùng nghệ thuật kể chuyện bậc thầy, sau hơn 100 năm, “Dưới bóng những cô gái đương hoa” cũng như toàn bộ “Đi tìm thời gian đã mất” không ngừng gây ngưỡng mộ, xứng đáng là niềm kiêu hãnh tuyệt vời của văn chương Pháp.
🐘 1956 – RỄ TRỜI, Romain Gary
Xuất bản lần đầu năm 1956, “Rễ trời” đã được coi là cuốn tiểu thuyết đầu tiên về sinh thái học, là tiếng kêu cứu dành cho hệ sinh quyển đang bị đe dọa của chúng ta. Nhưng thông qua cuộc chiến bảo vệ thiên nhiên ấy, Romain Gary còn đan cài vào một cuộc chiến khác nhằm bảo vệ cái mà nhân vật chính gọi là một “khoảng lề nhân loại”. Được viết cách đây hơn 60 năm và mang lại cho tác giả giải thưởng Goncourt cao quý, “Rễ trời” cùng những trăn trở trong đó chưa bao giờ là quá khứ.
🧑 1975 – CUỘC SỐNG Ở TRƯỚC MẶT, Émile Ajar
Tác phẩm thứ hai đạt giải Goncourt của Romain Gary dưới bút danh Émile Ajar, kể về mối tình đẹp nhưng cũng kỳ lạ của cậu bé Momo 14 tuổi và Madame Rosa nặng một tạ đang gần đất xa trời. Romain Gary, ở giai đoạn sáng tạo thứ hai của cuộc đời mình, đã viết nên một kiệt tác nữa không hề thua kém “Lời hứa lúc bình minh” (1960).
🧡 1984 – NGƯỜI TÌNH, Marguerite Duras
Cuốn hồi ký của nữ nhà văn, lấy bối cảnh thời Pháp thuộc, kể về mối tình và phức tạp giữa một thiếu nữ mới lớn của một gia đình Pháp với một người đàn ông gốc Hoa giàu có. Tác phẩm tái hiện lại bối cảnh đầy bi kịch của người Pháp trên đất thuộc địa Đông Dương một thuở. Đối diện với cái chết, đói khát, tuyệt vọng, những linh hồn bị đọa đày, bệnh hoạn, cô gái trẻ 15 tuổi rưỡi đã ngột thở trong nỗi đau đầy ám ảnh. Và cũng như cái thực tại mong manh, vô vọng, cuộc tình của cô với người đàn ông kia luôn thường trực một tương lai không hứa hẹn. Vết thương chia ly đó hàng chục năm sau cũng không lành. “Người tình” là tột cùng đau khổ của những số phận trong tác phẩm, nhưng cũng chính là chấm điểm hạnh phúc nhỏ nhoi duy nhất mà, bám vào đó, họ biết mình còn tồn tại.
🪖 2013 – HẸN GẶP LẠI TRÊN KIA, Pierre Lemaitre
“Hẹn gặp lại trên kia” kể lại câu chuyện về ba anh lính sống sót trở về sau cuộc Đại chiến thứ I và họ phải đối mặt với một xã hội chỉ tiếc thương và ca ngợi công lao những người đã khuất mà quên đi những người còn sống trở về. Căm ghét cuộc sống hiện thực với những mâu thuẫn gay gắt về đạo đức, nhân cách con người, ba người lính trở thành kẻ bất lương, lừa đảo đất nước, lừa đảo toàn xã hội để kiếm những đồng tiền không chính đáng.
Nghệ thuật xây dựng nhân vật, cách miêu tả nhân vật, lối viết kết hợp giữa nghệ thuật , điện ảnh và văn chương, việc lồng ghép và kể chuyện tuyến tính giúp cho câu chuyện có sức hút kỳ diệu.
👨‍👩‍👧‍👦 2016 – NGƯỜI LẠ TRONG NHÀ, Leïla Slimani
Câu chuyện bắt đầu bằng một cảnh tượng kinh hoàng: một bé trai 2 tuổi đã chết, một bé gái 4 tuổi đang hấp hối và người vú em trông giữ hai đứa trẻ – kẻ gây ra tội ác khủng khiếp này – cũng vừa tự kết liễu đời mình. Cuốn tiểu thuyết mở ra bằng một cái kết, nhưng mọi chuyện lại không chấm dứt ở đó, quá khứ đã qua và hiện tại vừa thành quá khứ chỉ mở màn cho một bi kịch không hồi kết, dai dẳng và ám ảnh, của cuộc sống hiện đại. Lối kể chuyện thông minh và am hiểu xã hội đã giúp “Người lạ trong nhà” trở thành một trong những câu chuyện tiêu biểu của dòng tiểu thuyết tàn bạo và xót xa này
🪖 2017 – CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ, Éric Vuillard
Phát xít nổi tiếng là có một đội quân thần tốc, hiện đại và bất khả chiến bại. Nhưng phía sau những chiến công đầu tiên chúng giành được lại là một loạt các vụ mặc cả, các âm mưu lợi ích tầm thường, hèn hạ và những sự cố lố bịch, nực cười. Trong “Chương trình nghị sự”, cuốn tiểu thuyết xúc tích và sắc sảo thuật lại vụ sát nhập Áo vào Đức, Eric Vuillard để cái thô kệch và bi thảm không ngừng đan xen hòng làm sáng tỏ, thông qua lối viết chính xác và mỉa mai, “vẻ dính dáp của những mưu mẹo và những trò bịp bợm vốn tạo nên Lịch sử.”
Ngoài ra còn nhiều tác phẩm khác như “Phố những cửa hiệu u tối”, “Người tình của Brecht”, “Mặt trời nhà Scorta”, “Alabama Song”, “Nhẫn thạch”, “Ba phụ nữ can đảm”, “Bản đồ và vùng đất”, “La Mã sụp đổ”.
🍀🍀🍀 Và cuối cùng là cuốn sách vừa được ra mắt tháng 8 này, KHÔNG AI SỐNG GIỐNG AI TRONG CUỘC ĐỜI NÀY của nhà văn Jean-Paul Dubois.
Bằng giọng điệu buồn vui lẫn lộn, đau đớn mà cảm động, cuốn sách đạt giải Goncourt 2019 này đưa độc giả vào vô số may rủi và thất bại của cuộc đời nhân vật Hansen qua cách kể chuyện đan xen giữa hiện thực và quá khứ: hiện thực cuộc sống nhà tù xú uế nơi Hansen chịu án hai năm và quá khứ từ thời ấu thơ cho đến nguyên nhân anh bị kết án.
Với ngòi bút vô cùng tinh tế, luôn thường trực nỗi u buồn xen cả vui tươi, cuốn sách như một biên niên sử về cuộc đời nhỏ bé của Hansen, được dẫn dắt bằng sự dịu dàng lẫn mỉa mai của một nhà văn mang đến một làn gió tươi mát giữa cái nền văn học bão hòa đầy những câu chuyện mang tính châm ngôn, giảng đạo, bởi “không ai sống giống ai” trong tiểu thuyết này.
Ngày 6/9 tới, Viện Pháp và Nhã Nam kết hợp tổ chức buổi tọa đàm về tác phẩm “Không ai sống giống ai trong cuộc đời này”, xin gửi tới các bạn một số thông tin về :
📍 Thời gian: Thứ Ba – 06.09.2022 – 18:00
📍 Địa điểm: Phòng Paris 2, Viện Pháp Hà Nội, 15 Thiền Quang, Hai Bà Trưng, Hà Nội
📍 : Dịch nối tiếp Việt-Pháp
📍 Diễn giả:
Nhà văn Gérald Berche-Ngô
Tiến sĩ văn học Mai Anh Tuấn
MC Kim Anh
📍 Form đăng ký tham dự: https://forms.gle/hdTGJYmDffExKNfw6

Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *