REVIEW “GÁNH HÀNG HOA” (Khái Hưng & Nhất Linh) – Thấp thoáng hồn xưa Hà Nội

REVIEW “GÁNH HÀNG HOA” (Khái Hưng & Nhất Linh) – Thấp thoáng hồn xưa Hà Nội

Khi đọc Hà Nội Băm Sáu Phố Phường của nhà văn Thạch Lam, tôi đã bị ấn tượng mạnh bởi những dòng văn tâm huyết của ông khi viết về những gánh hàng rong. Cụ thể, trong đoạn Một thức quà của lúa non: cốm, ông có viết:

Tiếng cốm Vòng đã lan khắp tất cả ba kỳ, và đến mùa cốm, các người ở Hà Nội 36 phố phường vẫn thường ngóng trông cô hàng cốm xinh xinh, áo quần gọn ghẽ, với cái dấu hiệu đặc biệt là cái đòn gánh hai đầu cong vút lên như chiếc thuyền rồng …

(Hà Nội Băm Sáu Phố Phường – Thạch Lam)

Hình ảnh những gánh hàng rong chở đầy hương sắc Hà Nội kể từ đó đã in trong kí ức tôi như hình bóng cuộc tình đầu tiên, vừa ngọt ngào vừa khó phai. Và tôi đã nghĩ, nếu những gánh hàng rong đã đi vào những trang văn trang đầy tinh tế như vậy, thì hẳn là câu chuyện của những người quảy gánh, hay chính là những người có công tôi tạo cái vẻ đẹp ấy, hẳn cũng thú vị không kém. Những suy nghĩ đó, vô hình trung, đã đưa đẩy tôi đến với cuộc hội ngộ cùng những người bạn văn cùng thời khác của Thạch Lam, Khái Hưng và Nhất Linh. Nó đã dẫn tôi đến với câu chuyện phía sau những gánh hàng rong chở đầy kỉ niệm kia. Một kỉ niệm tuyệt đẹp mang tên Gánh Hàng Hoa.

  1. Cuốn tiểu thuyết đặc biệt ra mắt trong hoàn cảnh đặc biệt

Gánh Hàng Hoa là một tiểu thuyết đặc biệt, ra đời vào một dịp cũng đặc biệt không kém trong Tự Lực Văn Đoàn. Đó là dịp kỉ niệm một năm báo Phong Hóa ra mắt bạn đọc gần xa vào ngày 22/9/1933.

Vào thời điểm đó, Tự Lực Văn Đoàn đã đi được những bước dạo đầu vững chãi với vai trò lá cờ đầu của cuộc đổi mới phong hóa, với màn trình làng bằng gây bão hai tiểu thuyết Hồn Bướm Mơ Tiên (1933) và Nửa Chừng Xuân (1934). Gánh Hàng Hoa, tuy sinh sau đẻ muộn trong cơn sóng lũ cuộn trào của tinh thần diệt cũ tôn mới ấy, nhưng lại mang dáng vẻ của nàng thiếu nữ chân quê hồn nhiên, một nàng tiên đang say giấc êm đềm trong cuộc tình mà bỏ mặc sự đời.

Đọc Gánh Hàng Hoa, độc giả hẳn sẽ ngỡ ngàng trước sự bình yên của nó, không gay gắt, không bi thương, mà chỉ như một khoảng lặng nho nhỏ trong tâm hồn biến động, một nốt trầm xao xuyến giữa cuộc xung đột của các thế hệ

Gánh Hàng Hoa xoay quanh chuyện tình yêu và tình bạn giữa ba con người: Minh, Liên và Văn. Lấy bối cảnh Hà Nội trong những năm tháng giao thời vội vã, hai tác giả đã phác họa nên bức tranh giao thời sống động, đồng thời ca ngợi những giá trị tinh thần truyền thống. Đó là tình phu thê, tình bè bạn, tình thương người và trên hết, là sự lưu luyến với những nét đẹp tưởng chừng cũ nhưng vẫn luôn ý nghĩa đối với mọi thời.

  1. Câu chuyện ba người

Thực tình, gọi Gánh Hàng Hoa là một chuyện tình e là chưa chuẩn xác. Vì đôi trai gái trong câu chuyện, Minh và Liên, vốn đã nên duyên vợ chồng thắm thiết rồi. Họ đã không còn ở thời bén duyên đôi lứa của tuổi xuân thì. Vả lại, hai tác giả cũng không kể gì mấy về chuyện tình duyên của họ, cứ như thể đánh đố độc giả vậy.

Nhưng, phải đến khi chậm rãi lần dở từng trang hồi kí gia đình này, các bạn hẳn sẽ thấy vô cùng bối rối khi phút trước còn đang đắm chìm trong cảnh mặn nồng phu thê, vậy mà mới lướt sang trang kế bên đã thấy họ chí chóe hờn dỗi nhau chỉ vì chút máu ghen vô cớ rất ư là trẻ con. Chưa kể, lấp ló sau cánh cửa của đôi phu thê mặn nồng kia, là một người đang nặng gánh tương tư cô vợ, một người bạn hữu chí cốt của anh chồng!

Có một loại tình cảm đơn phương nhưng không thể tiến tới. Là giữ vững lý trí trong tim, là hiến dâng hạnh phúc âm thầm vì người thương. Đó là tình yêu lý trí. Cũng có một kiểu tình bạn vượt lên lẽ thường tình, là hy sinh hạnh phúc riêng tư để giúp bạn được xứng ý toại lòng trọn đời. Các nhân vật trong Gánh Hàng Hoa chính là đại diện của hình mẫu lý tưởng đó.

Ba con người trẻ tuổi vướng vào tam giác tình cảm éo le. Có người đáng thương, có người đáng giận. Bệnh tật, say thuốc phiện, bội tình,… Những tưởng sau những biến cố ấy, mọi sự đã tan nát. Nhưng may thay, nhờ vào tình yêu thương chân thành, bằng sự thấu cảm sâu sắc, đôi vợ chồng đã hòa giải và đoàn tụ trong niềm hạnh phúc dâng trào, trong lời chúc phúc trăm năm từ người đồng bạn khả ái. Còn gì tuyệt vời hơn thế không?:

Còn gì sung sướng bằng có một nếp nhà tranh không rộng rãi nhưng mát mẻ, trong nếp nhà tranh có một người vợ xinh đẹp, dịu dàng, đáng yêu, đáng kính. Trời ơi! Thực là một cái tổ uyên ương đầy hoa, mộng, đầy ánh sáng.

(Gánh Hàng Hoa)

Một chuyện tình phu thê, nhưng đầy rẫy biến cố trắc trở, đầy rẫy những xáo trộn nho nhỏ trong tâm hồn y như thuở còn thanh mai trúc mã vậy!

  1. Những nét đẹp vang bóng một thời

Câu chuyện của Gánh Hàng Hoa không chỉ bó gọn trong quan hệ tình bạn, tình yêu, náu mình dưới danh nghĩa của thần ái tình, hai tác giả còn bộc lộ sự say đắm với cảnh sắc và giai nhân chốn kinh kì Thăng Long. Thật vậy, khi đối chiếu góc nhìn từ mỗi nhân vật, tình cảm sâu kín ấy mới dần hiện ra. Một tình cảm mộc mạc chân thành. Tình lồng trong tình. Chuyện tình của những người say Hà Nội.

Đối với Minh – người chồng, Hà Nội là hồ Hoàn Kiếm, là hồ Tây, là Vườn Bách Thảo, là cảnh trướng rủ màn che êm đềm một cõi bên nếp nhà đơn sơ, bên người vợ hiền đến đầu bạc răng long.

Đối với Văn – bạn Minh, Hà Nội là bóng hình giai nhân, là mối tình si thầm lặng không thể quên cả một đời. Đó cũng là chứng nhân cho tình bạn đẹp của anh, một tình cảm cao thượng đủ để vượt qua dục vọng tầm thường, để cứu rỗi một linh hồn lạc lối, để giữ trọn đạo quân tử cho chính mình và cho người khác.

Đất kinh kì trong mắt mỗi người mang một dáng vẻ khác nhau. Có người yêu cái đẹp cảnh trí, có người yêu cái đẹp giai nhân. Tựu trung lại, những cặp mắt đó tuyệt nhiên không giấu nổi nỗi si mê với một bóng hồng duy nhất, một bóng hồng tên Liên – “người đàn bà đứng trên tất cả”.

Vậy Liên có gì mà các tao nhân mặc khách khắp chốn phải u mê đến vậy?

Quả thực, Liên không đẹp, không đượm những nét thanh tú như những cô nàng thành thị bình thường. Nàng thuộc tuýp người kiểu cũ, kiểu giai nhân Hà Nội cũ, quê mùa, chân chất, thu gọn đời mình trong nếp sống vợ chồng, trong kiếp hàng rong kế thừa từ ngôi làng hoa Hữu Tiệp (Trại Hàng Hoa) thắm sắc muôn đời:

Cách phố Hà Nội gần không xa

Thú đâu hơn thú trại Hàng Hoa

Có dịp đi chơi buồn giải buồn

Trưa lên hóng mát ngồi ngâm

Ngồi buồn nhớ lại sự tích cũ

Đô đóng Thăng Long xưa mấy nhà?

Ở đây hoặc có lâu, đài, các?

Hay chỉ ít nhiều cây, cỏ, hoa?

(Chơi Trại Hàng Hoa – Tản Đà)

Nhưng tiếc rằng, người ta vẫn thường bị hấp dẫn những bản diện phù phiếm bề ngoài mà ít lưu tâm đến những điều gần gũi ngay cạnh mình. Có thể Liên không phải nhân trứ danh xứ phồn hoa này, nhưng Liên có thừa sự hiền lành của một cô gái Hà Thành nết na thùy mị, thừa sự tần tảo sớm khuya của người vợ hiền. Liên, dường như chính là đại diện cho cái thời vang bóng xa xăm, cái thời đã mãi mãi lùi hẳn về dĩ vãng đó. Là cái thuở khi mà người đời còn ca ngợi những cảnh chồng đèn sách bên cạnh người vợ tảo tần, khi đạo vợ chồng còn là chuẩn mực cho sự hòa hợp gia đình.

Nhưng Hà Nội của Liên thì không. Hà Nội ngày đó đã đổi thay biết bao kể từ ngày người đến. Những nàng tân thời trẻ đẹp và quyến rũ đã rũ bỏ lớp áo tứ thân quen thuộc, thuốc phiện và rượu mạnh đã thay thế những thú vui tao nhã ngày xưa, và kể cả người chồng của Liên cũng bị cuốn vào lạc thú đấy thôi! Ôi chao, có lẽ sống ở thời phải theo thời, chân lý đó thực là một cực hình cho những người như Liên, như bao thế hệ vang bóng từ xưa đến nay.

Thực tình mà nói, nếu cảnh vợ chồng đầm ấm làm lòng tôi cảm thấy khoan khoái, thì cảnh Liên khoác lên mình bộ áo tân thời, háo hức chờ mong ánh nhìn say đắm từ Minh lại làm tôi vui sướng biết bao. Ai bảo Liên không thích làm đẹp chứ? Chỉ là Liên thuộc về lớp người xưa cũ, ưa sự chân chất và thanh thuần, yêu cái đời sống bình dị và êm ả.

Nói ra sợ mất lòng em,

Van em! Em hãy giữ nguyên quê mùa.

Như hôm em đi lễ chùa,

Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh.

(Chân quê – Nguyễn Bính)

Hãy tưởng tượng đến những người mẹ, người bà, người cô liệu đã từng có những phút giây hồi xuân hạnh phúc như vậy, đã từng mong ngóng tìm về khoái cảm ái tình thuở ban đầu như vậy xem. Vẫn là họ, vẫn là những nàng Liên đó, nhưng đã mạnh dạn trút bỏ những lề thói gò bó mà tìm kiếm hạnh phúc của riêng mình. Và tôi đã nghĩ: thời đại nào mà chả có cả địa ngục lẫn thiên đường cùng tồn tại, phải trái đúng sai chỉ ở quan niệm mà thôi.

  1. Kết luận

Viết về buổi giao thời, nhưng Khái Hưng và Nhất Linh không tuyệt đối thi vị hóa đời sống mới, nếp sống mới. Ngược lại, khi sự Âu hóa ngày một xâm nhập vào đời sống tinh thần của người Việt, khi các quan niệm truyền thống lẫn tân thời bị đảo lộn, khi cái tôi cá nhân dần được đề cao, thì vẫn có một bộ phận nhỏ những người trẻ bị cuốn theo lối sống ích kỉ hẹp hòi, trọng vật chất làm băng hoại đạo đức xã hội. Người Việt đương thời bởi vậy cũng phải đối mặt với việc lựa chọn giữa hòa tan hay hòa nhập, giữa những giá trị cũ mới đan xen, được thể hiện qua hai con đường trái ngược nhau của Minh và Liên.

Gánh Hàng Hoa có thể được ví như bước ngoặt nhỏ đầu tiên trong công cuộc cải cách phong hóa nước nhà của Tự Lực Văn Đoàn. Các nhà văn đã dần đả động tới mặt trái của xã hội âu hóa nửa mùa, điều mà sau này độc giả sẽ được hiểu sâu sắc hơn qua hai tác phẩm Đẹp (1940) và Băn Khoăn (1943). Đồng thời, thông qua một cốt truyện giàu tính lãng mạn và nhân văn, dường như hai nhà văn có ý muốn bù đắp cho các độc giả một viễn cảnh tươi sáng thay cho những đoạn tình dang dở trước đó. Qua đó họ cũng gửi gắm những thông điệp cao cả về tình yêu, về tình bạn.

Thật vậy, cảnh vợ chồng sum họp trong Gánh Hàng Hoa cũng chính là tâm nguyện chưa thành của Lan và Ngọc (Hồn Bướm Mơ Tiên), là giấc mộng nửa chừng của Mai và Lộc (Nửa Chừng Xuân). Và đó cũng là niềm mong ước chung của những người đang có và sẽ có một mảnh tình sẻ nửa giữa dòng đời bất tận.

5/3/2022

Review của độc giả Kiên Trần – Nhã Nam reading club

Bạn có thể tìm mua sách tại:

TÊN SÁCH NHÃ NAM TIKI FAHASA SHOPEE
GÁNH HÀNG HOA (VIỆT NAM DANH TÁC) http://bit.ly/ganhanghoaNhaNam http://bit.ly/ganhhanghoaTiki http://bit.ly/ganhhanghoaFHS http://bit.ly/ganhhanghoaShopee

Posted

in

,

by

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *