Đánh giá: 8.5/10 (kèm review ngắn về “Tôi Nói Gì Khi Nói Về Chạy Bộ” cùng tác giả)
“Mục đích hạn hẹp khiến cho cuộc đời trở nên giản đơn”
1.
Tôi bước chân theo Tazaki Tsukuzu với một tâm thế phòng bị của một kẻ mang vận hoài nghi. Tôi chuẩn bị với bất cứ cú lật sách nào cũng có thể khiến cho Tsukuzu Không Màu trở thành Tsukuzu Dồ Dại hay Tsukuzu Không Thực, hay mất đi các giá trị đạo đức, hoặc giả làm thứ gì đó trái với lề lối thông thường, như Kafka hay Hajime chẳng hạn.
Cho đến những trang cuối cùng của cuốn sách, tôi ghét phải thừa nhận sai lầm của mình, nhưng Tsukuzu đúng là Tsukuzu Không Màu, đúng là Tsukuzu Đơn Điệu, đúng là một con người tầm thường đúng nghĩa làm ra những ga tàu nhàm chán và trở về nhà trước 7h tối. Nhưng ấy vậy mà, tôi lại kìm lòng không đặng, mà đồng hành với anh trong những biến cố cuộc đời làm nên con người trầm lặng ấy.
“Cậu chẳng phải người đơn giản chút nào, cậu chỉ tưởng vậy thôi.”
Câu nhận xét của Sara về Tsukuzu ở chương 18 đúng không lệch một ly. Rằng tôi làm bạn với Tsukuzu hầu như suốt qua mười tám chương sách, biết con người anh chân thực dưới góc nhìn của anh, tôi gần như suýt bị thuyết phục rằng anh là con người đơn giản và nhạt điệu ra sao. Điều đó không khó, nhất là khi chính anh là người tự thuyết phục điều đó với bản thân mình mỗi ngày trong suốt ba mươi sáu năm của cuộc đời. Đến tận những trang cuối sách (chứ không phải cuối cuộc đời anh), Tsukuzu chỉ miễn cưỡng tin lời Sara nói bởi anh yêu cô, yêu cách cô chạm thấu tâm hồn mình.
Phải nói rằng, Sara dù chỉ xuất hiện thoáng qua qua những dòng chữ vắn gọn, nhưng lần nào cô xuất hiện cũng mang cái vẻ tinh tế, tự tin, trưởng thành và bao dung, mang dáng điệu của một người phụ nữ thành công và biết mình cần gì trong cuộc đời. Điều đó được thể hiện qua cách cô sắp xếp lịch làm việc, qua cách cô chủ động hẹn quán ăn, hay cả những chi tiết nhỏ như màu sơn móng tay của cô tiệp màu với bộ váy công sở khoác trên người. Đó là người phụ nữ ít nhiều mà tôi thấy ngưỡng mộ với tư cách một người con gái-phụ nữ đang trong quá trình tập lớn của riêng mình.
2.
Cuốn sách một lần nữa là sự hòa trộn tuyệt đẹp của những bản nhạc cổ điển xưa cũ, giống như phong cách nghe nhạc của chính Haruki Murakami. Tôi có cảm giác, rằng mỗi tác phẩm của ông, mỗi nhân vật ông tạo nên, đều là thành quả của việc lấy từng phần con người của chính bản thân ông. Tôi gần như có thể tưởng tượng được cách ông nghiêm cẩn ngồi tại bàn làm việc, để trí óc ông men theo vùng Tối của thế giới, cầm theo một mảnh của linh hồn mình đi xuống thế giới ngầm, tỉ mẩn đẽo gọt tạo nên thế giới của nhân vật. Ông nhìn xung quanh thế giới ấy, miêu tả những gì mình nhìn thấy, rồi men theo đường cũ rồi quay về an toàn. Ngày nào cũng vậy.
Tôi cho rằng việc ông trở thành một tác gia lớn không nằm hoàn toàn ở việc ông tài năng như nào, mà là ở sự bền bỉ và khả năng trở về từ vùng Tối ra sao.
Nói về sự bền bỉ của ông, bạn có thể tìm hiểu thêm ở cuốn bút kí “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ”, ở đó ông có cẩn thận miêu tả cách ông trở thành một nhà chạy marathon và những suy ngẫm của ông về nghiệp cầm bút. Một cuốn sách thú vị với cá nhân tôi bởi tôi tìm thấy nhiều điểm tương đồng bên trong ấy. Tất nhiên, một cuốn bút ký của một cá nhân có thể gây nhàm chán, nên tôi sẽ không khuyến khích rằng nó là quyển sách cho mọi nhà. Còn khả năng trở về từ vùng Tối, trong một cuộc phỏng vấn, ông đã nói thế này:
“Quay trở về rất quan trọng. Nếu bạn không thể quay lại thì thật là đáng sợ. Nhưng tôi là một người chuyên nghiệp, nên tôi có thể trở lại.”
Soi chiếu lấy bản thân mình, tôi chợt phát hiện ra vì sao tôi chần chừ rất nhiều lần trong cuộc đời với những thứ tôi thực tình khao khát muốn có. Bởi nỗi sợ là đương nhiên, nhưng sợ gì mới được.
Bởi nỗi sợ không thể trở lại.
Bởi nỗi sợ nếu ta nhìn vào bóng tối quá lâu, bóng tối sẽ nhìn lại ta như thế.
2,5.
Trong “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ”, ông nói nếu có một tâm hồn không lành mạnh, hãy có một cơ thể lành mạnh. Ông cũng tin rằng sáng tác nghệ thuật tự thân nó là hành động phản xã hội và không lành mạnh. Tôi hiểu ý ông. Có lẽ rất nhiều người sẽ phản bác luận điểm đó. Nhưng cá nhân tôi lại không thể không đồng tình với điều ấy. Tôi nghe câu ấy khi đang chạy quãng đường mục tiêu năm kilomet nhỏ bé của riêng mình (tôi nghe audio book), và nó khiến tôi bật cười thành tiếng trong khi mồ hôi thì nhỏ tong tong trên khuôn mặt đỏ bừng của mình. Bởi tôi không ngờ tôi và ông lại trở thành bạn (theo một nghĩa nào đấy) đơn giản như vậy. Trước đấy tôi còn không ưa ông cơ mà. Còn kháng nghị cái cách ông xây dựng nhân vật cơ mà.
Hầu hết các chương của bút kí được tôi nghe khi đang chạy bộ. Đọc (nghe) bút kí của ông, tôi như đang đọc một lá thư của người bạn tâm giao lâu ngày không gặp, nghiêm cẩn kể về quá trình ông chuyển dạng sự bền bỉ chạy marathon thành sức mạnh nội tâm để tiếp tục sáng tác văn chương thế nào. Dù cho khoảng cách tuổi tác của chúng tôi khó có thể tưởng tượng ra điều ấy. Và như một người bạn thân thiết lâu ngày không gặp, tôi có thể bật cười trước những suy nghĩ của ông, có thể lắc đầu ngán ngẩm với vài trong số ấy, với một sự bình thản chấp nhận mà trước đây tôi nghĩ không thể tìm được giữa tôi và ông.
3.
Tôi chưa từng một lần nghĩ tôi có thể học về tình yêu qua những quyển sách của Haruki Murakami (bởi tôi từng không ưa ông và nhân vật của ông gây dựng, là lẽ thường khi tôi không ngấm nổi quan điểm của ông về tình yêu), nhưng ông đưa tôi từ bất ngờ này đến hết bất ngờ khác một cách dễ chịu nhường nào.
Đầu tiên là về sự ghen tuông, Tsukuzu quan niệm rằng đó là nhà lao tuyệt vọng nhất thế gian này. Bởi lẽ, đó là nhà lao mà chính người tù đã nhốt mình vào chứ không phải bị đày ải bởi sức mạnh của ai khác. Tự mình chui vào, khóa cửa từ bên trong, rồi tự mình ném chìa khóa ra bên ngoài song sắt. Và sẽ chẳng một ai trên thế giới này biết anh đang bị giam cầm trong đó. Tất nhiên, chỉ cần bản thân anh quyết tâm, anh sẽ thoát khỏi đó, bởi nhà lao ở ngay trong lòng anh. Nhưng anh không thể có được cái sự quyết tâm ấy. Trái tim anh cứng lại như một bức tường đá. Bởi bản chất của ghen tuông là thế.
Thứ hai là dưới góc nhìn của Tsukuzu, tình yêu của Edward và Eri hiện lên thật đáng ngưỡng mộ. Anh nhìn thấy đôi vợ chồng ấy luôn giữ được sự thăng bằng hòa hợp chỉ bằng chiêm ngưỡng những tác phẩm gốm của cả hai. Trong khi tác phẩm gốm của Edward đơn giản không họa tiết, nhưng kỹ thuật cao trong việc phối gam màu đậm nhạt thì Eri lại ngược lại. Đồ gốm cô làm ra với họa tiết là chủ đạo, “làm cách nào để họa tiết trở nên sinh động và nổi bật chính là nhiệm vụ mà màu sắc được giao phó”.
“Hẳn là trong cuộc sống thực tế, đôi vợ chồng này luôn giữ được thăng bằng một cách khéo léo. Có một sự tương phản dễ chịu khiến người ta nghĩ thế. Phong cách tuy khác nhau, song người này sẵn sàng chấp nhận hương vị riêng của người kia”
Đó hẳn là một tình yêu đáng mong ước, đúng không.
Thứ hai-chấm-năm, đó là cách Edward nhìn Eri,
“Tôi khen không phải vì chúng tôi là vợ chồng, mà vì yêu thích tác phẩm của Eri. Trên đời này, thiếu gì người làm gốm giỏi hơn, đẹp hơn. Nhưng tác phẩm của cô ấy không có sự hạn hẹp. Tôi có thể cảm thấy sự rộng lớn trong tâm hồn cô ấy. Giá mà tôi có thể diễn đạt tốt hơn.”
Nói đi cũng phải nói lại, không phải chỉ có người yêu mới có thể nhìn thấu điều đặc biệt ở ai đó. Bạn thân cũng có thể. Như cái cách Tsukuzu tủm tỉm cười nói rằng anh rất hiểu điều Edward đang nói.
Rất nhiều người họ yêu và cưới những con người khác, những người mà chỉ có thể làm tròn bổn phận một chức năng là trở thành đối tượng yêu đương, trở thành vợ chồng, trở thành ai đấy gánh vác lo toan cùng nhau cuộc sống sau này, cùng nhau nuôi dạy con cái. Tôi không nói rằng đó không phải tình yêu, tôi không nói rằng họ không yêu nhau, tôi càng không nói rằng họ không hạnh phúc.
Nên những ai có được tình yêu lớn của cuộc đời và tri kỉ của cuộc đời là một, hẳn là một loại phước lành nào đó.
Thứ ba, là tình yêu, tự thân nó là sự thèm muốn và khắc khoải.
“Lòng gã muốn có Sara, cái cảm giác thèm muốn một ai đó tự trong lòng mới tuyệt diệu làm sao. Tsukuzu thực sự cảm thấy được điều này, đã từ lâu lắm rồi, mà cũng có thể mới là lần đầu tiên. Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều tuyệt diệu, kèm theo đó còn có cơn đau ngực và khó thở. Có nỗi sợ và sự dao động tối tăm. Song ngay cả cái cảm giác khổ sở ấy giờ đây cũng đã trở thành một phần quan trọng của yêu thương. Gã không muốn đánh mất tâm trạng ấy, cái tâm trạng mà gã đang mang lúc này. Khi đã đánh mất rồi, dễ thường gã sẽ không tìm lại được hơi ấm ấy thêm một lần nào nữa. Gã thà đánh mất chính mình, hơn là mất nó.”
Đó là lý do vì sao lúc bốn giờ sáng anh gọi cho Sara nói rằng anh thích cô, dù lý trí của anh gào thét rằng anh nên đợi ba ngày sau như đã hẹn. Đó là lý do anh nói luôn qua điện thoại rằng bữa trước trên phố thấy cô tay trong tay với một người đàn ông lạ, và anh muốn biết tường tận câu chuyện trước khi đưa ra bất kì nhận định gì, dù lý trí của anh (lần nữa) gào lên rằng điều ấy cũng phải đợi nói trực tiếp chứ không phải trong cơn mơ màng lúc bốn giờ sáng. Nhưng hẳn là điều ấy thật đẹp, hẳn là sự bồn chồn khi muốn có ai đấy thật đáng để nâng niu. Nên tôi hy vọng tất cả chúng ta sẽ yêu, hết lần này đến lần khác, trong cuộc đời mình, trải nghiệm cảm giác dù đau đớn nhưng ấm áp của tình yêu mang lại, dù còn thiếu thời hay già nua. Bởi không chỉ được ai đó yêu thương là điều đẹp đẽ, mà tự thân tình yêu vốn dĩ là đẹp đẽ rồi.
Thứ tư, rằng nếu có bất kỳ sự nhận định nào từ một phía, đừng biến nó thành tòa án vắng tội nhân, bởi có khi đó là sai lầm sẽ khiến cả đời chúng ta hối tiếc. Nhất là với những người chúng ta yêu thương.
4.
Tính đến thời điểm này, thì Tazaki Tsukuru Không Màu và Những Năm Tháng Hành Hương là tác phẩm của Haruki Murakami mà tôi ưng ý nhất.
Vẫn là thủ pháp thực-mộng xen kẽ, vẫn là những nốt piano cổ điển trầm uất, vẫn là những màn miêu tả tình dục trần trụi thái quá (mà tôi không ưa nổi). Nhưng ở đó có cái gì đó rất khác với những tác phẩm trước đây. Không biết do bản thân đã thay đổi, hay do chính tác phẩm, tôi không biết nữa.
Nhưng kết thúc cuốn sách đã mang đến cho tôi một sự nhẹ nhõm kì diệu, như bất kì tác phẩm lớn nào làm với độc giả của nó. Tôi đến với Tsukuzu và không biết tôi sẽ tìm thấy gì ở anh và thế giới của anh. Nhưng tôi ra đi và trở nên một chút điềm nhiên hơn so với tôi trước đó. Một chút không màu, một chút sắc xanh đỏ trắng đen, một chút xám.
Không phải diệu kỳ sao, điều mà một cuốn sách hay có thể làm cho một người ấy? Điều mà con người có thể làm cho con người ấy?
#Ashley
P.s: Mình đến với cuốn sách này một cách hết sức tình cờ, khi đọc được trích dẫn ở Trạm Đọc. Theo nhiều cách, từng câu từng chữ của nó chạm tới tâm hồn mình.
“Lòng người và lòng người không bao giờ gắn kết với nhau chỉ bởi sự hài hòa. Mà trái lại, gắn kết với nhau sâu sắc bởi tổn thương và tổn thương.
Nối liền với nhau bởi niềm đau và niềm đau, bởi mong manh và mong manh. Không có sự tĩnh lặng nào mà không chứa đựng những tiếng kêu bi thống, không có sự dung thứ nào mà không đổ máu trên mặt đất, không có sự chấp nhận nào mà không phải vượt qua những mất mát đau thương.
Đó là thứ nằm trong căn đế của sự hài hòa đích thực.”
Review của độc giả Ashley Tran – Nhã Nam reading club
Bạn có thể tìm mua sách tại:
TÊN SÁCH | NHÃ NAM | TIKI | FAHASA |
Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương | http://bit.ly/tazakitsukuruNhaNam | http://bit.ly/tazakitsukurukhongmauTK | http://bit.ly/tazakikhongmauFHS |
Leave a Reply