Cuốn sách có tên là Du hành cùng Herodotus, và chuyến du hành ngược dòng thời gian cùng sử gia Hy Lạp là một trong hai mạch chủ đạo của tác phẩm. Song song với việc tái hiện những điểm chính trong cuốn sử ký của Herodotus, Kapuscinski góp phần làm sống lại một trong những sử gia vĩ đại nhất qua những suy đoán về cuộc đời, cá tính, hành trình chép sử của Herodotus cũng như nhận định về văn phong, cách xử lý tư liệu của sử gia cổ đại này. Ở cuối chuyến đi, Kapuscinski đã tới thăm quê nhà của Herodotus, như một cuộc gặp gỡ sau hơn hai mươi thế kỷ, nhưng mỗi người đọc đều phần nào nhận ra rằng, hai con người này, dường như đã gặp gỡ từ những trang đầu của cuốn sách, bởi những địa điểm họ cùng đặt chân tới, bởi khả năng đi, nhớ, ghi chép, kể lại, và đặc biệt, bởi niềm tin rằng: có thể miêu tả được thế giới này. Những lời sau đây Kapuscinski dành để nói về Horodotus cũng là những gì người đọc muốn dành để nói về Kapuscniski – phóng viên đã góp phần nối liền không chỉ một thế giới: “Cuốn sách của Herodotus hình thành chính là từ những chuyến đi, đó là thiên phóng sự vĩ đại đầu tiên trong nền văn học thế giới. Tác giả của nó có trực giác phóng viên, tai và mắt phóng viên. Ông không biết mệt mỏi, phải vượt biển, băng qua thảo nguyên, đi sâu vào sa mạc- chúng ta trân trọng điều này. Ông làm chúng ta khâm phục vì sự dẻo dai của mình, không bao giờ than vãn mệt mỏi, không gì làm ông ngã lòng, ông chưa một lần nào nói rằng mình sợ hãi điều gì đó. Điều gì đã thôi thúc ông, để ông không mệt mỏi và không sợ hãi dấn thân vào cuộc phiêu lưu vĩ đại của mình? Tôi nghĩ đó là niềm lạc quan mà chúng ta, những con người hiện đại đã đánh mất từ lâu: niềm tin rằng có thể miêu tả được thế giới”
(VnExpress)
Leave a Reply