Mọi chuyện bắt đầu vào một chiều thu trên đoạn đường rừng, khi Bảo Ngọc cùng hai cận vệ trung thành là cha con Trần Nhị và Trần Trung bị một bọn cướp rừng tấn công. Trong lúc hỗn loạn, con ngựa trắng như tuyết của Bảo Ngọc đã phi đi mất cùng một người con gái kỳ lạ. Lần theo người con gái ấy, rồi đây chàng công tử họ Trần sẽ rơi vào một vòng xoáy vô tận của những bí mật rừng sâu, những cuộc thanh trừng đẫm máu và cả những âm mưu phản nghịch đã bám rễ ngay trong lòng triều đình…
Với Kỳ nữ gò Ôn Khâu, Đinh Hùng cho thấy ông không chỉ là thi sĩ của Mê hồn ca mà còn là một cây văn xuôi dồi dào bút lực, khi có thể mượn lịch sử để hầu chuyện trống canh, mượn tình riêng để ngợi ca non nước, mượn hư để soi thực và trên tất cả, mượn anh hùng để kể chuyện anh thư.
Hoài Điệp Thứ Lang (1920-1967) là một trong những bút danh của Đinh Hùng. Ông là một nhà thơ, tiểu thuyết gia Việt Nam thời tiền chiến.
Đinh Hùng sinh tại làng Phượng Dực tỉnh Hà Đông (nay thuộc Thủ đô Hà Nội). Năm 1954, ông cùng vợ con vào Sài Gòn, lập ra tờ nhật báo Tự do. Trong những năm tháng ở Sài Gòn, Đinh Hùng viết tiểu thuyết đã sử Kỳ nữ gò Ôn Khâu, Người đao phủ thành Đại La và làm thơ trào phúng trên báo Tự do, báo Ngôn luận. Năm 1967, ông cho ra tuần báo Tao Đàn thi nhân, nhưng mới phát hành được 2 số thì ông mất tại bệnh viện Bình Dân, Sài Gòn.
Leave a Reply