Là một trong những nhà văn Trung Quốc được dịch ra tiếng nước ngoài nhiều nhất, từ những truyện ngắn đầu tay như Bong bóng xà phòng trên chậu nước đen, Hoàng Nê Phố… Tàn Tuyết đã xác lập phong cách của mình. Thế nhưng với sự chuyển biến từ năm 2002 trở đi, mà trong đó Những chuyện tình thế kỉ mới từng lọt vào đề cử của giải Man Booker như một đại diện – đã cho thấy một Tàn Tuyết rất khác.
Là cuốn tiểu thuyết có cấu trúc lạ, Những chuyện tình thế kỉ mới bao gồm 11 chương sách, khắc họa mảnh đời của những cá nhân bơ vơ có cùng mục đích. Tàn Tuyết triệt bỏ thời gian và không gian một cách hữu hình, để đưa nó tiến sâu hơn vào địa hạt nội tâm, từ đó làm nên chồng lớp xếp chồng lên nhau. Liệu những nhân vật này là người có thật hay những hồn ma? Liệu họ bước đi và có đời sống, hay chỉ tồn tại như dạng ẩn thân?
QUÁ KHỨ LÀ KHÓI MỜ ẢO
Chính việc xóa bỏ dấu chỉ thời gian – không gian mà Tàn Tuyết khởi đầu cho cuộc hành trình đi vào nội tâm của mình. Tác phẩm xoay quanh một vùng giả tưởng, nơi có những cô gái từng là công nhân giờ đi “bán hương” ở suối nước nóng. Họ là Thúy Lan, Tư Hương, Kim Châu, A Ti… Ở một mặt khác, đó còn là những tri thức cũng như phàm nhân có tư cách tốt, cùng sống và cùng trải qua một bầu không khí, là Vi Bá, bác sĩ Lưu, Tiểu Viên, Tiểu Hạ…
Nói Những chuyện tình thế kỉ mới có phần khác biệt so với chuỗi tác phẩm sáng tạo trước năm 2002 là bởi Tàn Tuyết dường như đã bớt cay nghiệt về phía quá khứ, từ đó mở ra không gian văn chương có phần mới hơn, dễ thẩm thấu hơn và mang nhiều ý nghĩa khái quát hơn. Chẳng hạn Bong bóng xà phòng trong chậu nước đen hay Hoàng Nê Phố, cả hai đều hướng về một thời kì đen tối rất muốn chôn vùi của đất nước này. Thế nhưng cuốn tiểu thuyết này lại khác, nó hướng tới một thế giới đại đồng của những con người khát khao tình cảm, và ở trên cùng là sự tự do.
Những chuyện tình thế kỷ mới do Nhã Nam và Nxb Phụ nữ Việt Nam liên kết ấn hành, qua bản dịch của Thúy Hạnh.
Ở tiểu thuyết này, Tàn Tuyết có tính giễu nhại vô cùng khác biệt so với phần lớn tác phẩm mô tả nỗi đau cũng như hành động cực đoan của bà. Từ việc tập trung khai thác những người “công nhân chính là nền móng” làm một công việc không mấy vẻ vang, cho đến quay ngược trở lại những nỗi đau hằn, Tàn Tuyết dường như muốn đến gần hơn với mảnh đất mà mình sinh sống, với bầu không khí khắc nghiệt và sự kiểm duyệt, bứt rứt của nó. Tàn Tuyết mở ra không gian văn chương có phần kí bí, thế nhưng mặt khác bà lại cho thấy nội dung cũng như cảm hứng quả thật gần gũi.
Ta có thể thấy được điều ấy thông qua những mô tả cảnh trí quê hương. Không ít lần các nhân vật của bà chạy trốn hiện tại để về thôn quê, nhưng cảnh trí ấy đã không còn nữa. Khi Thúy Lan về nhà của người anh họ, cô đã chứng kiến cả hai vợ chồng bé nhỏ, gầy mòn và dường như thu nhỏ lại so với trước đó. Cũng hệt như thế là Vi Bá với những kí ức về khăn che mặt, về sự vô định mà cha mình tạo ra mỗi khi họ lên tàu hỏa về quê, vì ông không muốn cậu biết quê mình ở đâu…
Chính sự giáng cấp kí ức ấy cho thấy còn một nỗi đau chưa thể giải bày. Trong truyện ngắn Đào Nguyên ngoài cõi thế hay thậm chí là tiểu thuyết ngắn Hoàng Nê Phố, ta đều thấy được một sự phản tư này của Tàn Tuyết, và để lý giải về chất “nostalgia đau đớn”, thì chỉ có thể nhìn qua tiểu sử của bà. Theo đó cha mẹ của bà là những tri thức từng làm việc tại nhật báo Hồ Nam, và trong những cơn quay cuồng lịch sử, đã bị lên án và phải đi lao động cải tạo. Tàn Tuyết tử đó được bà ngoại nuôi, và rồi rốt cuộc bà cũng qua đời trong nạn đói vào đầu thời kì Cách mạng Văn hóa.
Do thế ta có thể thấy không chỉ một lần Tàn Tuyết giễu nhại về tính hoài hương của các nhân vật. Trong khi Thúy Lan thì được khuyên răn “Một người may mắn có quê hương như vậy thì không sợ lạc đường”, thì Vi Bá lại nghe “Nhớ về thăm quê hương thường xuyên nhé. Con người không được quên nguồn cội của mình”. Thế nhưng rốt cuộc những vùng đất cũ mang đến cho họ những cảm giác gì? Vùng quê Thúy Lan cho cô cảm giác về những nhà tù mà người nhân ngãi Vi Bá đang bị giam hãm, với tiếng ong ve của người chị dâu là tiếng gào thét từ sau song sắt. Trong khi Vi Bá cảm thấy bản thân dường như thất bại trước những kì vọng của cha về một cuộc sống được trải thảm sẵn.
Do đó trong một câu nói, Vi Bá cho rằng: “Gần đây càng ngày anh càng cảm thấy mọi người xung quanh mình đều đang hoài niệm về những ngày tháng cũ. Ký ức trước kia có một sức mạnh mãnh liệt xâm nhập vào cuộc sống hiện tại, làm xói mòn khả năng phán đoán của mỗi người, bao gồm chính bản thân anh”. Vì thế Tàn Tuyết triệt tiêu hết mọi không gian, để trong tiểu thuyết của mình bà chỉ chừa lại giây phút hiện tại, không tương lai, không quá khứ, chỉ có những con người được khao khát sống.
TÌNH YÊU LÀ LIỀU ĐỘC DƯỢC
Nói về tình yêu, Tàn Tuyết khai thác một cách mạnh bạo khát khao yêu đương của các nhân vật. Ở các chương đầu, chưa hết được 2 trang sách thì đã thấy được một sự phồn thực về mặt dục tình. Đó là góa phụ Thúy Lan chú trọng chất lượng đời sống tình dục, là Tư Hương cũng như Kim Châu tuy đã “quá đát” nhưng lại mong muốn có được một đời khác những sự lặp đi lặp lại ở nơi công xưởng, là A Ti với sự dâng hiến trải qua rắc rối…
Nhà văn Tàn Tuyết.
Bị triệt tiêu hết quá khứ định hình, nên cuộc đời họ chỉ còn là những hành động mà họ chính là chủ thể. Ám chỉ thời kì “quá độ”, tất cả nhân vật của Tàn Tuyết dường như chán ghét nhịp độ công xưởng. Họ thà chịu đau, thà chịu tổn thương… hơn là quẩn quanh với những tiếng ồn không thôi yên nghỉ, mà vì nó A Ti bị một vết thương như là lũng sâu. Tuy thế cô không đau đớn, bởi hà cớ gì là một nỗi đau, họ còn bất chấp bất cứ hậu họa nào mà tình yêu có thể tạo ra.
Họ mặc những nỗi hoài nghi, những sự hoang hoải hay sự xóa nhòa bản sắc một cách tàn bạo. Họ tự vấn mình liệu có cô độc (vị bác sĩ Lưu), họ tự hỏi mình tình yêu này có thật không (Vi Bá)… Trong khi người khác quay cuồng vì yêu, họ dễ từ bỏ tất cả mọi thứ để đến vùng đất của loài thảo mộc (Tiểu Viên), hay là chối từ những nét xuân xanh để sống với người mà mình tìm thấy rồi yêu cuồng nhiệt (lão Vưu)…
Với họ tình yêu một khi chạm đến đã là cực khoái của những xúc cảm. Như vậy nên dẫu nằm trong chiếc rương có phần chật chội, hay sâu dưới ba tầng đất, thì họ vẫn yêu và vẫn tin mình đang ở trung tâm của Trái Đất này. Và dẫu là một hồn ma hay người phàm trần, thì họ cũng e ngại những sự cô độc đến mức bám víu vào nhau, dẫu cho bất cứ thứ gì có thể xảy ra…
Tàn Tuyết trong tác phẩm này tạo ra rất nhiều kịch bản, từ người yêu nhau vì sự tử tế, cho đến những người ngộ nhận chỉ yêu bản thân giờ đây cảm thấy thiếu vắng một điều gì đó. Các nhân vật của bà khát sống, trỗi dậy từ trong quá khứ đen tối, để đến với nhau, để dù một giây phút thôi thì họ cũng không từ bỏ một khó khăn nào.
Kim Châu dẫu sống dưới ba tầng hầm, dẫu phải uống trà từ bột xương người… thì cũng hãnh diện với tình yêu mà mình gặp được. Còn bác sĩ Lưu tưởng như duy vật đến thế, thế nhưng cũng hòa mình vào những bài học địa lý ở mấy tầng đất vô cùng duy tâm, để tìm đến với Tiểu Viên – người đàn bà cuối cùng mà anh hiểu rằng mình sẽ thuộc về…
LỊCH SỬ TRỞ NÊN VÔ NGHĨA
Sống trong thế giới của những bất an, Tàn Tuyết hoài nghi về sự vĩnh hằng của chính tình yêu. Do đó ở mặt bối cảnh, ta có thể thấy bà vẫn sử dụng những thủ pháp phi tuyến, tâm linh, những giấc mơ chung, những điểm liên kết… để kéo gần lại những số phận này. Những nhân vật của bà phần lớn đều là những kẻ lang thang giữa đêm, họ bị theo dõi bởi Kẻ Mất Ngủ, bởi Kẻ tố giác hay Kẻ theo dõi… ở bất kì một thời khắc nào. Và vì sống trong quá khứ nên họ rất cần một sự bám víu, một sự soi mình để biết bản thân vẫn còn đang sống.
Và đó chính là lí do khiến cho rạp hát có Trà Hoa Nữ cũng như “bến cảng tự do” ở số 132 phố Tân Hải là nơi con người luôn mong muốn đến. Những bản aria của Trà Hoa Nữ đã mang đến “cam kết” về tình yêu thực, của trạng thái hưng phấn và được kiểm chứng bằng mối tình hơn 40 năm của bà với người chồng nhặt rác.
Cũng tương tự thế, “bến cảng tự do” là một sòng pachinko, nơi người ta đến gặp gỡ nhau, dù là cõi dương hay chốn âm tuyền. Cả hai đều là cao vọng muôn đời, đều là đỉnh cao của khao khát sống, nhưng một lần nữa Tàn Tuyết triệt tiêu những sự vĩnh hằng. Hai nơi chốn ấy không dễ đi đến, trong khi Trà Hoa Nữ dần dần điên loạn thì phố Tân Hải cũng sẽ tan biến khi ta rời đi.
Như vậy tình yêu không thể trường tồn, vậy thì thứ gì sẽ thay thế nó? Tự do. Có thể thấy rằng Tàn Tuyết luôn luôn gắn với mỗi một nhân vật là một đối trọng. Thế nhưng như những vòng tròn vi ba đồng tâm gom dần, mỗi một hình tượng là sự thay thế cho hình tượng khác. Nói cách khác, Tàn Tuyết nhân bản nhân vật, để họ vừa chính là mình mà cũng vừa là những người khác nữa. Họ chia sẻ chung một bầu không khí, một giấc mơ chung… Và từ đó, họ tái sinh lẫn nhau, nhưng tuyệt vời nhất là khi được là chính mình. Được sống, được tự do và vượt ra khỏi những ràng buộc cá nhân.
Do đó ảnh hưởng nữ quyền trong tác phẩm này không hề ẩn giấu mà được Tàn Tuyết phát lộ ngay ở bề mặt. Những người như Thúy Lan vẫn luôn trung thành với dục vọng của mình. Họ chọn phương cách sẵn lòng sa ngã, và luôn giữ vững khát vọng tự do. Bởi vì “con người ai cũng có mặt nạ”, “ai mà không có mặt đáng thương”… nên với Những chuyện tình thế kỉ mới, Tàn Tuyết đã đến tận cùng của chính cốt lõi vấn đề, về sự thành thực, về khát khao sống… để đem nó gần lại với mục đích muôn thủa của văn chương – làm nên thứ văn chương “thuần túy” trong những “thể nghiệm” của nghệ thuật viết.
Và bởi những khát khao sống, nên lịch sử là điều mà các nhân vật không hề mong muốn. Từ trong sâu thẳm của bản thân họ, quá khứ vẫn luôn để lại vết sẹo hằn chứa, từ đó lịch sử rối loạn tạo nên những nỗi bất an không thôi ám ảnh. Họ chỉ hiện tồn trong một khoảnh khắc, để sống là mình và rồi tan biến. Do đó dù cho là những lịch sử về các “cánh chim tình yêu” tìm đến khát vọng cao cả, thì họ cũng không mong muốn mình được ghi lại.
Với Những chuyện tình thế kỉ mới, Tàn Tuyết đã tạo được nên một tác phẩm ấn tượng, độc đáo trong thế giới quan của riêng mình bà. Bằng cách viết phân mảnh, giải cấu trúc cũng như đến gần với sự giải thể bản thể, với những đời sống tâm linh… bà đã tạo ra một cõi đời khác, không biên giới, không neo đậu… để cho thấy rằng khát khao vươn đến tự do là điều mà bất cứ ai cũng đều mong muốn, mặc cho lịch sử có thể ghi lại, mặc cho tình yêu có thể tan biến.
NGÔ THUẬN PHÁT
Leave a Reply