Review “CHIẾN BINH CẦU VỒNG” (Andrea Hirata) – Ánh sáng tri thức đến mọi số phận

Review “CHIẾN BINH CẦU VỒNG” (Andrea Hirata) – Ánh sáng tri thức đến mọi số phận

Chiến binh cầu vồng là câu chuyện biến tôi thành một kẻ gàn dở với mớ cảm xúc hỗn độn, lúc thì khóc rung rức, lúc lại cười rồi lại xót xa. Nhưng câu chuyện cũng đã khiến tôi phải hò reo như thể tôi đang tham gia trong chính những trận đấu trí tuyệt vời ấy.

Bất cứ ai chán học và hỏi tôi rằng một cuốn sách tiếp thêm động lực để học tập, thì tôi sẽ vui vẻ giới thiệu với họ về Chiến binh cầu vồng của Andrea Hirata. Cuốn sách đại diện tiêu biểu cho các tác phẩm của Indonesia được in ra nhiều thứ tiếng, và nó vẫn đang truyền cảm hứng học tập mỗi ngày cho các bạn trẻ trên toàn thế giới.

  1. HÃY TIN VÀO SỨC MẠNH CỦA TRI THỨC.

“Học tập không phải là phương tiện để thăng tiến, kiếm tiền hay làm giàu. Học tập là cao quý, là ca tụng nhân bản, là niềm vui được cắp sách tới trường và là ánh văn minh”. Định nghĩa về học tập của thầy Harfan trở thành tôn chỉ cho việc học tập tại ngôi trường Hồi giáo Muhammadiyah. Bởi vì, tất cả đều đặt niềm tin vào giáo dục và tri thức như vậy, nên xuyên suốt cuốn sách chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh của cậu bé Lintang đạp xe 40 cây số mỗi ngày để đến lớp, con đường đến trường không chỉ xa xôi mà con ẩn chứa đầy hiểm nguy khi những con cá sấu đói khát luôn chực chờ để ăn thịt bất kỳ ai phá đi bầu không gian yên tĩnh của chúng. Đôi lúc tôi bật cười trong cay đắng vì số phận đang làm khó một cậu bé hiếu học vô cùng, nhưng cũng rất đỗi ngưỡng mộ tinh thần vượt khó của cậu.

“Nhà không có đồng hồ nên Lintang dựa vào đồng hồ tự nhiên. Có lần, nó vội vã cầu kinh sáng vì nghe gà đã gáy. Cầu kinh xong nó hấp tấp vọt lên xe đạp cắm đầu cắm cổ đạp tới trường. Đi đến giữa rừng, nó ngờ ngợ vì không khí vẫn còn lạnh, trời vẫn tối um, rừng im ắng đến lạ lùng. Chẳng có chim chóc gọi bình minh gì ráo. Lintang nhận ra rằng, con gà nhà nó nổi cơn gì đó nên gáy sớm, chứ lúc ấy vẫn còn đang nửa đêm. Nó ngồi lại bên dưới một cái cây giữa khu rừng đen tối ấy, bó gối, người run lên vì lạnh, kiên nhẫn chờ tới sáng.”

Có lẽ niềm tin vào tri thức đã giúp cậu bé nhỏ thó ấy vượt qua bao hiểm nguy, và dành thời gian học tập mỗi ngày sau giờ làm culi nạo cùi dừa. Không chỉ có Lintang mà còn rất nhiều đứa trẻ như Kucai, Mahar, Ikal, Samson đặt niềm tin rằng giáo dục có thể giúp chúng thay đổi một phần số phận nghèo khổ của cư dân đảo Belitong. Cô Mus và thầy Harfan tiếp tục là những người cổ vũ cho niềm tin đấy trở thành sự thật, khi họ cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp giáo dục, thầy Harfan đã đạp xe cả trăm cây bán những giỏ trái cây, cô Mus cặm cụi mỗi đêm may đồ để chuộc đứa học trò bỏ học đi làm culi.

Hãy tin vào sức mạnh của tri thức, đó là cách duy nhất dìu ta qua những khó khăn trên con đường học vấn. Đừng đem tri thức so sánh với tiền bạc, vì học tập không giúp chúng ta kiếm được một công việc nhiều tiền, mà học tập biến ta thành phiên bản tốt hơn của chính mình.

  1. HÃY BIẾT ƯỚC MƠ.

Nhờ Mahar mà chúng tôi đủ dung khí để đua tranh, nhờ Lintang mà chúng tôi dám ước mơ.

11 cậu bé, cô bé sinh ra trong những gia đình truyền đời làm culi (ngoại trừ Flo – cô bé cá tính và tin tưởng bản thân mình), chưa bao giờ dám nói ra ước mơ của chính mình. Nhưng sau những chiến thắng, nỗ lực vượt qua hai cuộc thi tưởng chừng nắm chắc phần thua, họ đã dám đứng lên nói lên ước mơ của chính mình. Hẳn ước mơ vẫn luôn âm thầm cháy trong trái tim họ, nhưng cái nghèo đã khiến trái tim chẳng bao giờ dám nhìn nhận ước mơ một cách trang nghiêm. Kucai – ước mơ trở thành nhà lập , Ikal trở thành giáo viên, Syahdan mong muốn trở thành diễn viên, Lintang ước mơ là một nhà ,… Tất cả họ đều đã tự tin để nói lên ước mơ của mình, và dường như đã vạch sẵn con đường cần đi để trở thành phiên bản mình mong muốn. Tuy quá nửa số ước mơ ấy bị hiện thực cuộc sống vùi dập không thương tiếc nhưng phải công nhận không ít người đã thực hiện được điều không tưởng bằng nỗ lực của chính mình.

Hãy biết ước mơ, dù cho đó là một ước mơ người khác cho rằng ngớ ngẩn, hay chính bạn cũng chưa từng dám nghĩ tới nó, Nhưng hãy tìm cho mình một ước mơ, biến nó thành lẽ sống bạn tin tưởng, để nó có thể vực bạn đứng lên từ những hoàn cảnh trớ trêu của số phận.

  1. HÃY CẢM ƠN NHỮNG NHÀ GIÁO ĐÍCH THỰC.

Người đàn ông có tấm lòng bao lai như trời biển – thầy Harfan.

Cô giáo nhỏ đầy ắp nghị lực trong ánh mắt – cô Mus.

Họ cống hiến hết sức mình vì sự nghiệp giáo dục cho những đứa trẻ nắm chắc số phận culi tại đảo Belitong, có lẽ Đấng toàn năng đem họ đến để xoay chuyển một chút cuộc sống bị phân biệt đối xử ở cái ốc đảo xa hoa này.

Thầy Harfan không bao giờ từ bỏ nỗ lực thuyết phục chúng đến trường. Thậm chí thầy còn mang sách ra ngoài khơi. Thầy tìm chúng trên song nơi chúng đang xảm thuyền. Thầy đợi chúng bên dưới những câu tiêu. Nhưng không đứa nào đáp lại cái tình đó của thầy. Thỉnh thoảng ông chủ của chúng, ngay cả chúng, còn xua cả thầy Harfan đi nữa.

Cho dù chỉ còn một học sinh đến lớp, thầy cô vẫn cố gắng dạy học. Thật may mắn, đáp lại sự cố gắng ấy đã có một học sinh thề rằng sẽ học đến khi cái cột thiêng chống đỡ ngôi trường sụp xuống. Một tia hy vọng đã lóe lên, và may mắn thay có một ngôi sao đã đón lấy nó.

Đã gần đến tháng 11 – tôn vinh những cống hiến của nhà giáo. Nhưng tôi nghĩ, chúng ta cần phải cảm ơn họ mỗi ngày vì đã không ngừng nỗ lực cho sự nghiệp khai sáng tri thức của nhân loại. Suốt cả con đường học vấn của tôi, đã rất may mắn vì từng được tiếp xúc những nhà giáo có tâm như thầy Harfan và cô Mus, và họ đã truyền lửa tinh thần học tập cho tôi.

  1. ĐỪNG BỎ HỌC.

Một đứa vẫn còn ham học, dù lốp xe mòn vẹt, dù xích xe được buộc chặt bằng dây bện nhựa, và hai lượt đi về thường xuyên đối mặt với nguy cơ bị cá sấu tấn công – đó là Lintang. Nó không mảy may để ý đến mấy đứa trong lớp thi nhau trốn học và cả chuyện mấy cái máy xúc nữa. Nó vẫn cố đến lớp sớm nhất và về nhà cuối cùng.

Tao sẽ không làm cha mẹ mình phải thất vọng, Ikal à. Họ muốn tao tiếp tục đi học. Tụi mình phải biết ước mơ, những ước mơ cao đẹp, Boi, và học là con đường để chúng ta đi đến những ước mơ ấy. Đừng bỏ cuộc, Boi. Đừng bao giờ, bỏ cuộc.

Tôi thấy giận Đấng toàn năng vô cùng, có lẽ Người đã chọn lựa Lintang trở thành một thiên tài của Indonesia, nhưng Người lại để số phận quật ngã tài năng ấy, để cho thiên tài bị gánh nặng nuôi sống gia đình giết chết ước mơ trở thành nhà toán học lỗi lạc. Tuy thế, Lintang vẫn trở thành người đàn ông với đôi mắt sáng ngời của ánh sáng tri thức, và không ngừng truyền cảm hứng học tập cho những người xung quanh. Tôi tin, Lintang vẫn giành thời gian mỗi ngày để xây dựng ước mơ của chính mình. Thật may mắn, khi lời động viên của Lintang cuối cùng trở thành niềm cảm hứng tiếp tục học tập cho Ikal.

Hãy tiếp tục học tập, dù bạn đã không còn đến trường. Hãy tiếp tục học tập từ những việc nhỏ trong cuộc sống hàng ngày, góp nhặt từng chút kiến thức để biến bản thân trở nên uyên bác hơn mỗi ngày. Hãy cố gắng, dù cho nhu cầu cuộc sống quấn lấy bạn mỗi ngày, hãy giành một chút thời gian để mài giũa trí tuệ của chính mình.

Review của độc giả Hòa Đoàn – Nhã Nam reading club

Bạn có thể tìm mua sách tại:

TÊN SÁCH NHÃ NAM TIKI FAHASA SHOPEE
Chiến binh cầu vồng http://bit.ly/chienbinhcauvongNhaNam http://bit.ly/2chienbinhcauvongTK http://bit.ly/chienbinhcauvongFHS shorturl.at/asZ04

Comments

One response to “Review “CHIẾN BINH CẦU VỒNG” (Andrea Hirata) – Ánh sáng tri thức đến mọi số phận”

  1. Thùy Dương Avatar
    Thùy Dương

    Đã mua quyển này và sẽ đọc hết ạ! Cảm ơn review rất hay

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *