Kafka vốn là thần tượng của nhiều người, điều này chắc ai cũng biết. Nhưng ngang trái làm sao, có lẽ ông cũng bị hiểu sai nhiều nhất bởi chính những người ái mộ mình.
Người cần được xướng tên đầu tiên trên bảng vàng những kẻ đã “phản bội” Kafka, không phải ai khác chính là Max Brod – bạn thân đồng thời cũng là người đã “làm trái” di chúc của Kafka và “đưa ông ra ánh sáng”.
Ngay từ khâu di chúc, Max Brod đã tự ý vẽ nên hình ảnh Kafka – một nhà văn trầm uất hận đời muốn hủy diệt tác phẩm của chính mình. Chưa hết, cho xứng với tư cách một nhà lãng mạn, Brod ra sức quảng bá Kafka theo những cách kịch tính nhất có thể: áp đặt những cách hiểu sai lệch về Kafka và tác phẩm của Kafka; thần thánh hóa, khổ hạnh hóa Kafka; thậm chí còn viết nguyên một tiểu thuyết (đầy tính fanfic?) với những ám chỉ không hề khó đoán về nguyên mẫu là chính ông và bạn thân ông.
Cũng khó mà trách được Brod và tình yêu nồng cháy vô tư ông dành cho Kafka. (Nhất là ta cũng nên thông cảm khi ông háo hức cho ra mắt tiểu thuyết của Kafka như vậy mà hồi đầu không gây được mấy tiếng vang, thôi thì cũng phải cho người ta tìm cách đánh bóng chút xíu chứ!)
Kundera, một người ái mộ khác của Kafka tuy có chút khó chịu về sự cuồng si này song lại rất thấu hiểu (vì cùng phận hâm mộ!), ông chỉ thủng thẳng khịa đôi câu trí mạng, kiểu:
“Tại sao, mặc tất cả chuyện đó, Kafka vẫn yêu ông (Brod) đến vậy? Các vị sẽ thôi không yêu người bạn tốt nhất của mình chỉ vì anh ta có cái thói kỳ quặc viết những câu thơ tồi chăng?”
Sau đó, ông thể hiện niềm hâm mộ kiêm tài trí của ta đây, hoàn toàn không kém nồng nhiệt so với của Brod, nhưng khác biệt ở chỗ là cực kỳ tinh tế, sắc sảo và tỉnh táo.
Không chỉ vạch ra những cái lệch lạc trong cách Brod “tô vẽ” Kafka và định hướng nghệ thuật cho những tác phẩm của Kafka (ông chỉ ra Brod đã cắt bỏ những câu tỏ ý vui thú trong việc đi nhà thổ của Kafka hay kiểm duyệt những chi tiết mà tự ông ta cho là trần tục ở Kafka); Kundera còn phản bác lại hình ảnh Kafka đã bị tô vẽ: từ cái huyền thuyết về di chúc của Kafka đến mỹ học đã bị hiểu sai trong tác phẩm của ông.
Được viết ra từ lòng yêu mến và tôn trọng sâu sắc, có thể nói những phân đoạn Kundera bàn về Kafka trong NHỮNG DI CHÚC BỊ PHẢN BỘI chính là điểm sáng của cuốn tiểu luận này.
Nói một cách gần gũi hơn, nếu bạn cũng yêu Kafka và tò mò về những mâu thuẫn tư tưởng ngay trong fandom (và cách họ phản bác nhau) thì nhất định phải đọc cuốn tiểu luận rất thú vị này, để thấy khi một nhà văn lỗi lạc thần tượng một ai đó họ sẽ múa bút điêu luyện cỡ nào.
Leave a Reply