Review Điều này rồi cũng qua – Milena Busquets

Review Điều này rồi cũng qua – Milena Busquets

Điều này rồi cũng qua. Câu nói như lời trấn an về một tương lai tươi sáng bất kể những ngày đen tối hiện tại là gì này thật ra là ngạn ngữ Ba Tư và đi kèm với nó là một truyền thuyết với nhiều dị bản. Nhưng câu chuyện tựu trung là thế này: ngày xửa ngày xưa, hoàng đế nọ một hôm cho gọi tất cả các nhà thông thái trong vương quốc và bảo họ hãy nghĩ một câu thật ngắn mà trong cảnh huống nào – hạnh phúc hay bất hạnh – cũng đúng. Các nhà thông thái cuối cùng tâu với hoàng đế rằng câu đó chính là điều này rồi cũng qua.

Tiểu thuyết chưa đầy 200 trang của nhà văn Milena Busquets mở đầu với cảnh người kể chuyện Blanquita (thân mật là Blanca), vừa lo xong đám tang cho mẹ và khởi sự một hành trình để lấy lại cân bằng sau mất mát ở tuổi 40. Đó là chuyến đi đến thị trấn biển Cadaqués, nơi có ngôi nhà nghỉ dưỡng của gia đình mà cô muốn dọn đến sống sau khi mẹ mất, với “bầu đoàn” kỳ cục gồm hai người chồng cũ cùng hai cậu con trai cô có với mỗi người, hai cô bạn gái thân và bạn trai của một trong hai cô

Blanca muốn được ở cùng những người thân thiết nhất còn lại, đến một nơi thật đẹp để chiêm nghiệm lại cuộc đời và tìm cách bước tiếp sau mất mát theo cách mà mẹ cô những mong. Cô cũng cho rằng có thể dùng sex để nguôi đau buồn. “Cứ như tôi biết thì chỉ có một thứ tạm thời xua tan cái chết – cũng như cái sống – mà không gây nhức đầu búa bổ sáng hôm sau, đấy là sex”. “Mặt trái của cái chết không phải sự sống mà là sex. Và bệnh tật của mẹ càng dữ tợn không kiêng nể, thì những mối quan hệ xác thịt của con cũng càng dữ tợn không khoan nhượng”.

Và cứ thế, Blanca kể cho độc giả nghe mọi thứ, từ sau khi đám tang kết thúc, kế hoạch và hành trình đến Cadaqués, cảnh ăn chơi nghỉ ngơi đến cả chuyện hút cỏ và chuyện giường chiếu – trong hiện tại và quá khứ, với hai người chồng cũ và cả với người tình hiện tại (đã có vợ) – với giọng tưng tửng, tưởng không phải người vừa trở thành mồ côi. Câu chuyện cũng có một chút kịch tính, xung đột như bao tiểu thuyết. Nhưng nếu chỉ có thế thì đây chỉ là một cuốn phim hài dễ coi, cười đó rồi quên đó.

Phần hồn của tiểu thuyết là những lần Blanca trò chuyện với mẹ trong tâm tưởng. Đang xưng tôi với độc giả câu trước thì câu sau đã chuyển đối tượng tiếp nhận thông tin sang mẹ. Đang kể chuyện xếch xiếc tỉnh queo thì lại sang những lời nhớ mẹ. “Chỗ của con trên thế giới này là trong mắt mẹ, và điều ấy hiển nhiên và vĩnh cửu đến mức con chưa bao giờ tìm hiểu thứ đấy là gì”.
Giọng văn độc đáo của Milena Busquets, cái kiểu chuyển tông liên tục đã được thể hiện tài tình trong bản dịch của Nguyễn An Lý. Tra cứu lại với bản dịch từ tiếng Tây Ban Nha sang tiếng Anh có thể thấy An Lý đã dụng công hơn ở nhiều chỗ, thổi vào bản dịch tiểu thuyết xuất bản năm 2015 một hơi thở hiện đại như thể nó vừa diễn ra hôm qua. Người đọc Việt có lẽ cũng được lợi hơn là vì tiếng việt vốn giàu các từ vựng cảm xúc, và đôi khi chỉ là đọc lên “mẹ có biết” cũng đủ để làm rung cảm.
Cố nhớ đến chuyện cũ theo cách vui vẻ nhưng hoá ra những ký ức đó vẫn khiến ta đau buồn, giống như trong đám tang mà người mang khăn trắng cười nói vui vẻ kể lại chuyện người đã khuất ra đi thế nào, những kỷ niệm đẹp từng có, nhưng cố nhiên trong lòng không hề vui như thế. Mỗi câu đùa tếu táo khi nhớ về người quá cố hẳn cũng là một mũi gai đâm sâu vào đáy lòng. Điều này rồi cũng qua là câu chuyện mẹ Blanca dùng để an ủi cô khi bố mất. Giờ đây khi tự kể lại cho mình câu chuyện đó, Blanca mới đau đớn nhận ra rằng, “Đến giờ thì con đã biết không phải thế. Con sẽ sống thiếu mẹ tới tận khi con chết”. Có thể điều gì rồi cũng qua thật, nhưng nỗi nhớ mẹ thì khó mà nguôi ngoai. “Mẹ hứa nỗi đau cũng không đến mức không chịu nổi, mẹ đâu báo trước con sẽ chỉ muốn moi ruột gan mình ra mà cắn xé”.

Câu chuyện của một người phụ nữ sống phóng khoáng nếm trải nỗi đau mất mẹ ở tuổi 40, dù được kể với giọng hài hước chủ đạo hoà trộn giữa hiện tại và quá khứ, triết lý và khôi hài, sự sống và tình dục nhẹ cũng cho thấy mất mát có thể thay đổi đời sống chúng ta thế nào. Đó là một thực tế không thể lẩn tránh, cũng là lý do các nhà thông thái đã làm hài lòng vị hoàng đế với câu trả lời của mình. Mọi thứ rồi cũng qua, nghĩa là không chỉ có đau khổ buồn rầu mà hân hoan vui sướng cũng vậy.

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *