Review Cô nàng cửa hàng tiện ích

Review Cô nàng cửa hàng tiện ích

Người trẻ Việt ngày nay thường than phiền về chuyện hay nhận những câu hỏi “kém duyên” kiểu sao không tìm việc tử tế, sao không lấy chồng, sinh con. Học hành đỗ đạt, an cư lạc nghiệp, rồi thành gia lập thất, có phải là lựa chọn duy nhất và nếu ai từ chối đi theo con đường này cần bị xem là lập dị, một dị vật sớm muộn cũng sẽ bị xã hội đào thải?

Những tiêu chuẩn như thế cũng tồn tại ở , và nếu dựa vào đó, Furukura Keiko của “Cô nàng cửa hàng tiện ích” sẽ là một người siêu bất thường: 36 tuổi, suốt 18 năm chỉ làm một công việc duy nhất là nhân viên bán thời gian cửa hàng tiện lợi, không màn chuyện hẹn hò, hôn nhân, con cái

Với Furukura, thật khó để làm một người bình thường theo mong đợi của người khác, tốt nhất là cố gắng sắm một vai nào đó và diễn cho tròn, đẹp lòng cả gia đình và xã hội. Từ khi 18 tuổi, Furukura nhận ra cả đời mình sẽ mãi đóng vai “nhân viên cửa hàng tiện ích”, nơi “chỉ cần mặc đồng phục, hành xử theo đúng hướng dẫn”, sao chép cách nói năng, ăn mặc của đồng nghiệp là đã có thể là “người bình thường”.

Tiểu thuyết chỉ dài 140 trang nên cách viết của nữ tác giả Murata Sayaka rất cô đọng, lúc hài hước giễu nhại, lúc lại mang tính tuyên ngôn, đặc biệt là bước ngoặc trong cốt truyện khi cho Furukura – sau 18 năm tạm không bị xã hội đào thải nhờ làm “sinh vật mang tên nhân viên cửa hàng tiện ích” – gặp Shiraha, một “người không bình thường” khác. Shiraha cho rằng thời hiện đại anh đang sống chỉ là phiên bản khác của thời ăn lông ở lỗ mà thôi: cũng mặc định đàn ông săn bắt, đàn bà hái lượm, ai không làm được thì bị bộ tộc tẩy chay, đào thải.

Cả Furukura và Shiraha đều mệt mỏi khi bị người ngoài “xía” vào đời tư, đòi hỏi họ phải có việc làm tốt, kết hôn, sinh con. Cả hai cũng ám ảnh rằng “thế giới bình thường rất nguyên tắc, nó âm thầm loại bỏ dị vật. Người không ra gì sẽ bị đào thải”. Câu chuyện được đưa đến cao trào khi Furukura và Shiraha phối hợp để cô thử “làm người bình thường” như bao người để không bị chính họ loại trừ. Kết quả của cuộc “thử nghiệm”, chốt lại bằng một “tuyên ngôn cho việc làm người” của Furukura, là cái kết đáng chờ đợi dành cho độc giả.

Xuất bản năm 2016 và giành giải Akutagawa, một trong những giải văn chương cao quý của Nhật, câu chuyện của “Cô nàng cửa hàng tiện ích” vẫn còn tính thời sự trong xã hội đương đại ở nhiều quốc gia. Đi ngược với mong đợi xã hội là xấu và đáng lên án, hay cần thông cảm vì miễn sao ta thấy thoải mái với lựa chọn của mình? Độc giả sẽ có câu trả lời cho riêng mình khi tìm hiểu câu chuyện của Furukura, một cá thể của “giống người cửa hàng tiện lợi” theo đúng tựa gốc Konbini Ningen, mà cả bản dịch tiếng Anh (Convenience Store Woman) và Việt đều không chuyển tải được ngụ ý này của tác giả.

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *