Bên dòng sông Hằng là câu chuyện về 4 du khách Nhật cùng tham gia một tour đến Ấn Độ, mỗi người chọn điểm đến này với một mục đích riêng. Độc giả sẽ được kể cho nghe về từng trường hợp một, để hiểu rằng họ là Isobe – một người đàn ông góa bụa đến Ấn Độ tìm bóng hình người vợ quá cố, được cho rằng đã tái sinh trong hình hài một bé gái; một cựu binh muốn chữa lành nỗi day dứt từ chiến tranh và cầu nguyện cho các chiến sĩ trận vong; một người muốn tạ ơn đời vì được ‘chết đi sống lại’; và Mitsuko – một người phụ nữ muốn tìm kiếm một hình bóng dù chẳng rõ để làm gì.
Sông Hằng có gì hay để thu hút những du khách, hay đúng hơn là khiến họ sốc? “Tín đồ Ấn gió coi nơi các dòng sông giao nhau là thánh địa. Kẻ giàu đi xe lửa, xe hơi, người nghèo lội bộ, chen chúc nhau đi hành hương tới thành phố này; Họ tin là một khi được dầm mình trong dòng sông Hằng linh thiêng, thì sẽ được rửa sạch mọi tội lỗi và nghiệp chướng, và khi chết rồi, nếu tro người chết được đem rải xuống cho trôi, họ sẽ được giải thoát khỏi vòng luân hồi”.
Bốn người, bốn câu chuyện, bốn quan điểm về tâm linh và đức tin. Họ sẽ được dẫn dắt bởi Enami – một hướng dẫn viên người Nhật từng học tại Ấn và yêu nước Ấn. Anh sẽ là đại diện cho một cách nhìn trong câu chuyện đức tin: với một người không cùng lý tưởng về niềm tin và tín ngưỡng, ta sẽ tôn trọng họ hay khinh khỉnh sự “vô minh” của người đó?
Những quan điểm trái ngược nhau sẽ còn tiếp diễn. Chuyện tái sinh thì sao? Ông Isobe, cho đến trước khi vợ qua đời, hoàn toàn chẳng quan tâm gì đến chuyện kiếp sau. Nhưng vì lời trăn trối của vợ, hãy tìm em ở kiếp sau, mà bắt đầu tìm hiểu và dấn thân vào cuộc hành trình tìm tái sinh của vợ. Nhưng với Mitsuko, tái sinh không có thì tốt hơn: “Nghĩ chết là hết sẽ thoải mái hơn, còn hơn là phải è vai ra gánh lấy quá khứ và tái sinh ở kiếp sau”.
Chuyện người Hindu “ngâm mình và súc miệng ở chính nơi người ta, sau khi thiêu xác chết, thả tro cho trôi” là dơ bẩn đáng ghê tởm hay linh thiêng? Enami, người từng du học và yêu đất nước Ấn Độ cũng những mâu thuẫn tồn tại trong đất nước này, khẳng định: “Không có dơ gì cả. Một khi đã chọn đi Ấn…là tự đưa mình vào một thế giới hoàn toàn khác biệt với Âu châu (…) ở một chiều không gian khác (…) Chúng ta từ giờ sẽ đi và một thế giới khác mà chúng ta đã đánh mất”
Mình thích câu chuyện của Mitsuko và Ootsu, và đó cũng là câu chuyện được dành nhiều đất nhất trong sách. Một người không tin vào Chúa, quyết tâm quấy phá một người ngoan đạo và còn buộc anh phải từ bỏ người, để rồi cuối cùng mải miết đi tìm anh. “Cô không hiểu rõ tại sao xưa cũng như nay cô lại cứ bận tâm bận trí về anh ta. Cuộc đời của Ootsu, như xác côn trùng sa lưới nhện, cứ dai dẳng treo ở một nơi nào đó trong lòng cô. Mình không nhất thiết phải gặp. Cô không biết bao lần đã tự nhủ lòng như thế. Dù có đi Varanasi đi nữa, mình cũng chẳng tìm con người ấy mà làm gì”.
Bên dòng sông Hằng được viết từ góc nhìn của một người Công giáo, nhắc đến cả Phật giáo và Ấn giáo. Còn mình đọc với tư cách một người vô thần. Tôn giáo, như nhiều người có tín ngưỡng mà mình từng tiếp xúc, họ nói rằng trải qua biến cố trong đời rồi mới còn tôn giáo cứu giúp, có một cái để họ tin và dựa vào. Ông Isobe khi vợ mất mới bắt đầu thử tin vào tâm linh. Mitsuko không phải là người duy nhất vô thần, mà còn có cặp vợ chồng mới cưới chọn trăng mật ở Ấn Độ thay vì đi châu u. Với mình Bên dòng sông Hằng là quyển sách đáng đọc. Mình thích cái cách những người xa lạ buộc phải gắn bó với nhau trong thời gian ngắn trong những chuyến đi. Thích cách tác giả đưa ra những va chạm về đức tin và tín ngưỡng. Và thích nhất một câu đâu đó trong sách, “Trong cuộc đời của chúng ta đều có cái gì đó, dù đã chấm dứt nhưng không mất hẳn.”
Leave a Reply