Review Vụ án mạng ở nhà khách núi Hakuba – Higashino Keigo

Review Vụ án mạng ở nhà khách núi Hakuba – Higashino Keigo

Ái chà, lâu lắm mới gặp lại bác Keigo nên cho bác lên sóng liền.

Vụ án mạng ở nhà khách núi Hakuba theo chân Naoko – em gái của Koichi, mùa đông năm trước anh đã tự sát tại nhà khách Hakuba và để lại một tấm bưu thiết với câu hỏi khó hiểu: “Mẹ Maria đã về nhà khi nào?” Vốn đã bán tín bán nghi cái chết của anh trai mình, Naoko cùng người bạn học Makoto đến thăm nhà khách “Mẹ Ngỗng” nằm trên núi Hakuba với mong muốn làm rõ uẩn khúc đằng sau cái chết của anh trai. Kỳ lạ thay, mùa đông năm nay nhà khách “Mẹ Ngỗng” lại tiếp tục mở cửa đón những vị khách quen thuộc hệt một năm trước đó. Liệu có phải tồn tại một bí mật hay một quá khứ đen tối nào bị giấu kín sau cái mác “nhà khách Mẹ Ngỗng” hay không ta?

Khá dễ dàng để nhận thấy Vụ án mạng ở nhà khách núi Hakuba là một trong những tác phẩm “thời kì đầu” được sáng tác trong khoảng thập niên 80 của Higashino Keigo, bởi quả thật diễn biến và tình tiết vụ án trong cuốn sách này khá đơn giản (so với X và Bạch dạ hành được biết đến với tình tiết lắt léo và căng cực hơn cả). Vụ án mạng ở nhà khách Hakuba là án mạng trong phòng kín, hao hao mấy vụ thường xuyên xảy ra trong manga Conan đã quen thuộc với độc giả. Tuy nhiên, vụ án ở Hakuba cũng có sức hấp dẫn của riêng mình, đặc biệt khi tác giả Higashino Keigo đã khéo léo mượn bài đồng dao Mẹ Ngỗng xuyên suốt câu chuyện nhằm dẫn dắt độc giả (hay trong tác phẩm là nhân vật chính) giải vụ án này. Có thể nói rằng, đồng dao Mẹ Ngỗng chính là chiếc chìa khóa để mở cánh cửa đóng kín, hé lộ chân tướng thực sự của hung thủ.

Nhưng của đáng tội, chắc do đã lỡ sa chân vào “bom tấn” Nghi can X, Bạch dạ hành, Bí mật của Naoko và những tác phẩm sau đó của Keigo trước nên Vụ án mạng ở nhà khách núi Hakuba tớ chỉ ấn tượng duy nhất với bìa sách, còn lại thì không ấn tượng lắm. Và cảm nhận cá nhân thì hai em nữ chính trong sách khá liều khi chỉ mới 18-19 tuổi mà một mình xông pha điều tra án mạng như thế trong khi bản thân chưa trang bị đủ “kiến thức” cần thiết, giống như mấy nam thanh nữ tú trong phim ma ấy, cứ ngửi thấy mùi nguy hiểm là lao đầu vô không cần biết trời cao đất hỡi gì. Đặc biệt là Naoko mang mác nhân vật trung tâm của câu chuyện mà có phần lép vế hơn so với cô bạn Makoto về khả năng suy luận. Hơi buồn cười, nhưng mạch truyện chính tức vụ án mạng tại nhà khách Hakuba đối với riêng tớ thì không hấp dẫn bằng tuyến truyện phụ, liên quan đến nhân vật Kojima cũng như ông chủ và người đầu bếp của nhà khách Hakuba, thậm chí câu chuyện liên quan đến bà chủ cũ của nhà khách “Mẹ Ngỗng” còn níu kéo tớ hơn là vụ án mạng xuyên suốt cuốn sách.

Rút ra thêm một điều nữa, đó là trong những cuốn tớ đã đọc của Keigo thì chị em phụ nữ đáng sợ thiệt đó lol.

Nhìn chung, Vụ án mạng ở nhà khách núi Hakuba có lẽ thích hợp hơn cho những fan cứng của bác Keigo, hoặc là những bạn nào mới “chập chững” bước đầu tiên khám phá hành trình “Keigo học” thì có thể mở màn bằng cuốn này. Bìa đẹp, dịch ổn, nhưng hơi tiếc là nội dung chưa “nặng đô” lắm, các bạn tham khảo nha.

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *