Tác giả ‘Vòng tay học trò’ đình đám một thời – nhà văn Nguyễn Thị Hoàng: Viết là một ước nguyện

Tác giả ‘Vòng tay học trò’ đình đám một thời – nhà văn Nguyễn Thị Hoàng: Viết là một ước nguyện

Năm 1966, tiểu thuyết Vòng tay học trò của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng xuất hiện khiến tên tuổi của bà lập tức vang dội.

Cùng với hàng chục tiểu thuyết khác, Nguyễn Thị Hoàng trở thành một trong những nhà văn miền Nam được nhiều người biết đến trước năm 1975.

Vòng tay học trò được Nhà xuất bản Hội Nhà Văn và ra mắt cuối tháng 3-2021, sau 46 năm vắng bóng. Nữ văn sĩ trò chuyện với Tuổi Trẻ về chặng đường đã đi.

Không bị quên lãng, lại được hồi sinh

* Thưa nhà văn Nguyễn Thị Hoàng, bà nghĩ gì khi tác phẩm của mình sau hàng chục năm vắng bóng nay được in để đến với bạn đọc hôm nay?

– Trong suốt mấy mươi năm chôn vùi tự ý, đã có lúc tôi cảm thấy lạc loài khi thoáng qua những quầy sách ngập tràn sắc màu và tên tuổi mới. Những lúc khác, tôi lại nhận ra mình bên lề đời có lẽ thích hợp hơn được xếp hàng vào tầng bậc một thời gian và nhịp điệu khác. Bởi tự nghĩ mỗi người chỉ có một thời thôi.

Tuy nhiên, đôi khi vì những tiếng gọi từ độc giả gần xa, từ những âm vang không dứt trong mình về từng khúc viết qua đời, tôi cũng mong muốn bầy con mình không bị quên lãng, mà được cách nào đó hồi sinh… Thế rồi bỗng nhiên nhà xuất bản gõ cửa.

Con đường đôi khi chỉ bắt đầu ở đoạn cuối, nên tiếp tục nếu còn có thể không phải chỉ là viết, mà viết để làm gì. Với tôi, việc in lại sách sau mấy mươi năm vắng bóng không phải là hồi sinh tác phẩm cũ, mà có khi với tôi là cuộc mở đường cho tác phẩm mới nếu có.

* Bà có trên 30 tác phẩm đã in, những cuốn được chọn tái bản lần này là do bà gợi ý?

– Trừ Vòng tay học trò là nhà xuất bản tuyển chọn, những cuốn khác tự ý kiến tôi, vì chủ đề hay nội dung là quan niệm hay thái độ, đúng hơn chỉ là xúc động và cảm nhận của tác giả về một giai đoạn… Riêng cuốn Một ngày rồi thôi là những năm 1950 của Huế và Trường Đồng Khánh, với chỉ một vài phần trăm những câu chuyện tình dại hay thâm trầm, bóng dáng thời xa vắng khi tác giả học đệ ngũ, viết bài thơ Chi lạ, thiên hạ vẫn cho là thơ của ngày nay.

Ba cuốn Tiếng chuông gọi người tình trở về, Tuần trăng mật màu xanh và Cuộc tình trong ngục thất, cùng chung một chủ đề và không khí của những năm đầu 1970, thời gió mưa và chiến trận tơi bời, là tâm trạng tình thế và thái độ của những người trẻ khao khát sống một mùa xanh thái bình.

Một mình bên lề đời

* Bà từng là nhà văn được thế hệ thanh niên trước đây yêu mến, vậy bà có ngần ngại về khả năng tiếp cận của người trẻ bây giờ đối với những tác phẩm của bà không?

– Chỉ siêu phẩm của những thiên tài mới không phân biệt thể loại đẳng cấp và tuổi tác nào. Ngoài ra, tất cả mọi tác phẩm, dẫu cùng chung một thế kỷ cũng phải chịu cách biệt thế hệ. Cho nên giới trẻ ngày nay có thể khó cảm nhận mến yêu những tác phẩm của thời xưa trước.

Tuy nhiên, nếu vì nhu cầu nghiên cứu cho chương trình học hoặc nhẹ nhàng hơn, một phương tiện tiêu khiển hay giải trí, thì nghệ thuật vẫn là một bộ môn song hành với những khám phá và triển khai khác cho sinh hoạt tinh thần lẫn thực tế.

Thế nên tôi không nghĩ giới trẻ ngày nay phản ứng thế nào khi tiếp cận những tác phẩm đã già hơn tuổi họ quá nhiều. Nhưng những nhan đề, những thông tin và những gì khác nữa… nếu có thể là những tín hiệu phát sáng từ cõi tối, chỉ gợi chút chú ý hoặc lưu tâm và sau đó, họ mở dần từng trang tìm thấy phản chiếu tâm hồn mình trong đó.

* Bà là một nhà văn có sự nghiệp sáng tác khá đáng ngưỡng mộ, làm sao để có thể nuôi dưỡng bút lực dồi dào như vậy?

– Dứt khoát những gì có và làm ở trường hợp tôi không thể gọi là sự nghiệp. Sự nghiệp đích thực là những gầy dựng lớn lao, bằng cách nào tùy đẳng cấp và khả năng, cho xã hội, hay gì hơn thế nữa. Vì viết không phải là sự nghiệp ở trường hợp tôi, mà là một ước nguyện, một hành trình tâm tưởng, không thể hiện, vì thế chẳng biết đến bao giờ thành tựu.

Mấy mươi năm nếu viết là sự nghiệp, tôi đã đeo đuổi tới cùng những cơ hội, những phương tiện thường tình, với chút tên tuổi phù du, để đạt tới một mục đích hay một vị trí nhỏ nhoi nào đó trên văn đàn. Ngược lại, tôi đứng mãi hay đi hoài cũng một mình bên lề đời, không phe nhóm, không hội hè, không lễ lạt, không kết giao…

Vì quen sống rất yên và rất riêng trong góc đời mình, tôi rất xa lạ và ái ngại với những biểu lộ ân cần của những độc giả. Dù vô cùng cảm kích những người yêu mến nồng hậu ấy, tôi băn khoăn không biết đền đáp lại cách nào đúng đủ.

Nghiệp hành

* Bà đã được hưởng cả những vinh quang và lẫn nếm trải những cay đắng của nghề viết. Nhìn chung, bà có hài lòng với nghiệp viết của mình không?

– Với tôi, viết như thế hoặc nhiều hơn cũng không gọi là nghề viết. Còn phiền nhiễu hơn cả nghề. Với tôi, viết là nghiệp, trong những loại nghiệp khác nhau phải cưu mang theo suốt đường đời. Và biết đâu, nếu trả chưa xong thì còn nhiều kiếp khác… Người ta vẫn nói chữ nghiệp hành. Nếu có điểm dừng, hay hồi kết mới có thể nhìn lại phần trải qua để ngẫm xem như thế có đáng hài lòng hay bất mãn.

Nhưng sau khoảng vắng mấy mươi năm, tôi vẫn là người đi qua và bây giờ đang đi, chút tên tuổi chẳng qua chỉ là mảnh vé đi vào cõi tạm. Đời hiện tại cũng như đời sau trước, chỉ là những cây số trên đại lộ kiếp. Nhiều kiếp hay vô số kiếp triền miên cho tới thời chuyển kiếp mới có điểm dừng hay hồi kết. Đó là lúc người đi qua không cần nhìn lại nữa, mà nhìn lên.

* Sau năm 1975, khoảng 45 năm qua, bà có viết nữa không? Cuộc sống của bà thế nào?

– Tôi không thể viết được gì suốt 15 năm đầu vì thay đổi, di chuyển, thường xuyên lo toan cách thế sống cho gia đình có năm con nhỏ, mất hộ khẩu, không biên chế, không ngành nghề chuyên môn. Cho đến năm 1990, tạm yên về thủ tục tạm trú và con đủ lớn, dù khó khăn vẫn còn chồng chất nhưng tôi đã “định thần” để sống lại phần viết của mình.

Khởi đầu đoạn viết này là những chương rời về nhân vật, , thư gửi như Phạm Công Thiện, Trịnh Công Sơn, John Lennon, Francoise Sagan, bà Marian , cú đá phạt 11 mét của Platini…, chỉ để nói ra những suy nghĩ của mình từ cõi lặng im. Phạm Công Thiện đọc hai lần nói đùa tôi trở thành triết gia, Trịnh Công Sơn thì cho là khó hiểu.

Một số truyện ngắn chưa in, và nhiều thứ khác sau 1990. Cái dài nhất, du trải khắp đời mình thì đang viết.

Nguyễn Thị Hoàng sinh năm 1939 tại Huế, thuở thiếu thời học Trường nữ sinh Đồng Khánh. Năm 1957 bà vào sống ở Nha Trang. Năm 1960 vào Sài Gòn, học Đại học Văn khoa và Luật nhưng bỏ dở vì chán. Năm 1962 bà lên Đà Lạt dạy tại Trường nam sinh Trần Hưng Đạo. Năm 1963 lại bỏ dạy về Sài Gòn, bắt đầu viết Vòng tay học trò.

Năm 1964, tờ Bách Khoa in mấy kỳ tiểu thuyết này khiến dư luận xôn xao, đến năm 1966 Vòng tay học trò chính thức xuất bản đầy đủ thành sách, in lần đầu 5.000 bản, gây nên một “cơn bão”, trong vòng mấy tháng tái bản bốn lần, mỗi lần 5.000 bản.

Từ 1965-1975 bà xuất bản gần 30 tiểu thuyết và tập truyện ngắn. Sau đó là 15 năm im lặng. Năm 1990 bà trở lại với tập ghi chép Nhật ký của im lặng (NXB Đồng Nai). Năm 2020 tập truyện Trên thiên đường ký ức và tập thơ Mây bay qua trời xưa của bà được xuất bản (New Viets).

Những trang giấy pelure mỏng

 

12342 (1) 3(read-only)

Bộ tiểu thuyết 5 cuốn của Nguyễn Thị Hoàng được Nhà xuất bản Hội Nhà Văn và Nhã Nam phát hành cuối tháng 3-2021

Ngày xưa tôi viết bằng máy chữ với giấy pelure mỏng. Riêng cuốn đầu tiên, Vòng tay học trò, chỉ viết tay. Tay hay máy cũng cần nhanh bằng hoặc nhanh hơn tốc độ những gì chất chứa. Một hơi hàng chục trang, vất bề bộn giữa nền nhà. Khi cơn viết ngừng, nhặt lên xấp vội, xong chuyển giao luôn cho nhà xuất bản.

Không đọc, không sửa, cũng không nghĩ gì đến xấp bản thảo trao đi vì những chuyện khác, việc khác cấp bách bao vây chờ đợi. Cũng có khi đến một khúc đoạn nào đó cảm thấy không hứng thú, dừng lại bỏ ngang để viết qua một chuyện khác bỗng nhiên cảm thấy ưa thích hơn, sau đó bắt lại mạch lạc viết tiếp khúc bỏ dở.

Vì cách viết ấy, tôi thường viết một lúc hai hay ba cuốn. Cứ tháo xấp này ra, bỏ xấp khác vào máy chữ… không sai lạc, không lẫn lộn bao giờ.

Tuổi trẻ


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *