Nhân dịp đại lễ Phật Đản 2021 diễn ra vào ngày 15/4 Âm lịch tức ngày 26/5/2021 Dương lịch, cuốn sách “Trái tim Không – Cuộc đời và thơ của thiền sư Yantra Amaro”, do nhà văn Phan Việt chấp bút chính thức được giới thiệu đến với độc giả.
Cuốn sách kể lại hành trình gặp đạo và hành đạo của thiền sư Yantra, ghi lại những bài thơ của thiền sư bàn về Phật pháp và về niềm hạnh phúc tuyệt đối của cõi đời, cùng một số hình ảnh về cuộc đời thiền sư. Tác giả Phan Việt đã trao đổi và thống nhất rằng cuốn sách này là cuốn sách thiện phước nên không đề giá thực. Cuốn sách được bán chỉ với mức giá tượng trưng là 50.000đ. Toàn bộ tiền thu được từ cuốn sách này, tác giả Phan Việt sẽ dùng vào mục đích từ thiện và minh bạch hoàn toàn việc này.
Thiền sư Yantra sinh năm 1951 tại miền Nam Thái Lan trong một gia đình Phật Giáo thuần thành. Tuy thế, suốt thời thơ ấu, thiền sư không hề có ý định xuất gia. Năm 17 tuổi, thiền sư lên lên Bangkok học cao đẳng. Tại đây, những cảnh khổ mà ngài chứng kiến cùng với một sự kiện thần kỳ đã làm thiền sư muốn tìm hiểu Phật Pháp. Sau khi tốt nghiệp, thiền sư đến đảo Ko Samet để tự tu hành.
Bên ngoài, ngài giữ hình tướng một đạo sĩ, để tóc dài, mặc áo vải thô tự may, nhưng bên trong ngài tự giữ giới luật xuất gia. Lấy ngài Đại Ca Diếp và thiền sư Hư Vân làm gương, ngài hành thiền ngày đêm, ăn chay, và chỉ ăn một bữa mỗi ngày. Ngài dành nhiều tháng sống trong một cái hang với 18 xác chết để thực hành quán tử thi nhằm nhổ bỏ các dính mắc ảo tưởng vào thân thể, dục, và chết. Ngài miên mật thực hành quán từ bi và nhiều pháp hành khác. Sau 3 năm tu hành miên mật, các năng lực vi diệu khai mở, rõ biết sứ mệnh của mình, ngài xuất gia.
Trong 12 năm sau khi xuất gia, thiền sư Yantra đi bộ khắp nước Thái. Ngày đi, đêm ngủ trong các nghĩa địa; thiền sư lấy mọi cái thấy, nghe, nếm, ngửi, xúc chạm, suy nghĩ, cảm thọ, người đến người đi, việc đến việc đi… như đối tượng quan sát để thấy sự thật. Mỗi năm, vào cuối mùa an cư, ngài sẽ nhập định 3 ngày 3 đêm liên tục. Sau khi đi khắp nước Thái, thiền sư dành 5 năm đi các nước châu Âu, châu Á, châu Mỹ để quan sát văn hóa, thói quen chung, nghiệp chung và khổ chung của con người ở các quốc gia khác nhau. Trở về Thái sau 5 năm, tiếng tăm về đạo hạnh của ngài lan rộng. Ngày sinh nhật của thiền sư, cả trăm ngàn Phật tử tới để được đặt bát khi ngài đi khất thực buổi sáng…
Tuy thế, giống nhiều bậc tu hành trong lịch sử mọi tôn giáo, thiền sư Yantra cũng gặp nhiều kiếp nạn và thử thách lớn. Trong suốt đời mình, ngài từng bị lăng mạ, phỉ báng, từng gặp tai nạn mất trí nhớ và phải ngồi xe lăn nhiều tháng trời. Xuyên qua tất cả những thị phi, lên xuống, lúc được phong thánh, lúc bị coi là tội đồ, lúc là bậc cứu độ vạn người và lúc được coi là kẻ sát nhân bất cẩn, thiền sư thị hiện một cách sống, một tấm lòng lúc đầu, lúc giữa, lúc cuối như một. “Tấm lòng Không” .
Là người chấp bút cho “Trái tim Không”, nhà văn Phan Việt đã kể lại quá mối nhân duyên giữa chị và thiền sư Yantra trong lời giới thiệu cuốn sách. Chị chia sẻ: “Ba năm nay, tôi sống trong chùa, dẹp hẳn sang bên mọi dự định sự nghiệp, dù văn chương, giảng dạy hay bất cứ sự nghiệp nào tôi từng đặt kế hoạch tại Mỹ và Việt Nam. Cái gì sẽ đến từ việc về chùa? Tôi không chắc. Chỉ có một thứ chắc chắn là phải về chùa. Không thể trì hoãn. Không thể cố thêm.
Lí do tôi về chùa rất đơn giản. Sau 18 năm học rồi giảng dạy, làm việc tại Mỹ trong lĩnh vực công tác xã hội – một lĩnh vực chuyên giải quyết nghèo đói, nghiện ngập, tan vỡ gia đình, bệnh tật, rối nhiễu tâm thần, bất bình đẳng và các vấn đề xã hội khác – tôi cảm thấy không thể nhắm mắt tiếp tục trôi theo cách tiếp cận và cách giải quyết mà thế giới hiện tại đang theo đuổi, ngay cả ở một nước phát triển như Mỹ.
Dường như có một sai lầm căn bản nào đó trong cách con người nhìn nhận và sử dụng bản thân mình, đời sống của mình. “Sống thế nào?” – câu hỏi cốt lõi này dường như đang được trả lời rất sai và/hoặc rất rối. Cái sai và/hoặc rối căn bản này đưa đến khổ lặp đi lặp lại ở mỗi người, trong các gia đình, và trên thế giới. Trong công việc của mình và trong đời sống, tôi gặp nhiều người khổ đau. Vì thế, tôi muốn tìm một giải pháp khác. Một giải pháp thẳng, rõ, và đủ dễ, để tất cả đều được hạnh phúc, không bỏ sót một ai. Trong thâm tâm, tôi chấp nhận mọi hệ quả của việc về chùa. Bao gồm cả việc có thể chết già vô danh ở đây, không là ai, không có gì, không có câu trả lời. Đấy là kế hoạch của tôi”.
Từ tháng 4-7/2019, khi sống ở thiền viện Sunnataram tại California, Mỹ, chị đã gặp thiền sư Yantra, một bậc thầy nổi tiếng bậc nhất Phật giáo Thái Lan vào thập kỷ 90 nhưng đã sang Mỹ, sống gần như ẩn dật trong 25 năm qua. “Hẳn là do những nhân duyên nào đó, trong 3 tháng, thiền sư đã cho phép tôi được hỏi chuyện tỉ mỉ về toàn bộ cuộc đời tu hành lạ lùng của thiền sư; cho tôi đi theo, dạy tôi thiền, dạy tôi những tinh túy chắt lọc từ cuộc đời đó. Cuộc gặp này là một bước ngoặt cho cá nhân tôi và cho điều mà tôi tìm bởi vì với thiền sư, tôi kinh nghiệm sự vượt qua không gian trùng điệp của nghĩ, tưởng, để bắt đầu chạm vào cái gọi là “Tâm” – chữ thường gặp nhất, thường bị hiểu sai nhiều nhất, và cũng là chỗ cốt tủy nhất trong đạo Phật”, nhà văn Phan Việt cho biết.
Cái tâm mà thiền sư đã viết:
“Tâm không có thời gian
Thời gian chỉ sinh ra khi tư duy sinh khởi
Tâm không có giới
Tâm không phải là nữ hay nam.
Tâm không già, trẻ, chẳng trung niên.
Tâm không hề cao hay thấp.
Tâm cũng không đen hoặc trắng
Tâm không là bất cứ thứ gì.
Tâm chỉ thuần tịnh là tánh giác nguyên sơ.
Tâm không phải tư tưởng, nghĩ suy, hay cảm xúc
Nơi bản tâm nguyên sơ là tự do, hạnh phúc.
Sự thật vạn hữu tự hiển bày.
Nhà văn Phan Việt lý giải vì sao điều này quan trọng: “Vì chỉ khi chạm đến “Tâm,” mà chư Phật và các bậc thầy xưa nay gọi bằng nhiều tên khác nữa như “Chân tâm,” “Tánh,” “Tánh không,” “Niết Bàn,” “Vô,” “bản lai diện mục,” “Phật”… ta mới nhìn rõ cách chấm dứt khổ thực sự ở mỗi cá nhân. Cũng chỉ khi đó mới có sự chấm dứt mọi tranh đấu, hận thù, phân biệt đối xử cho các gia đình, quốc gia, chủng tộc, thậm chí các tôn giáo… bởi vì thấy Tâm có nghĩa là thấy tường tận, không bao giờ còn nghi ngờ gì, rằng tất cả mọi sinh linh đều bình đẳng, đều hoàn hảo sẵn dù họ đang hiện hữu trong vạn vạn hình tướng khác nhau. Trẻ sơ sinh cũng là cái Tâm này. Người già sắp chết cũng là cái Tâm này. Thiếu nữ, thanh niên, tỷ phú số một thế giới hay người ăn xin cũng bình đẳng nhau là cái Tâm này. Người khỏe nhất hành tinh và người đang lê lết trên giường bệnh cũng là cái Tâm này. Con người cũng thế, mà súc sinh động vật cũng thế.
Chỉ có nhận ra và sống với cái “tấm lòng Không” này mới có hạnh phúc thực sự cho tất cả con người, không bỏ sót ai. Và chỉ có ở chỗ này mới có thể hiện thực hóa một xã hội, một thế giới hạnh phúc đích thực, vượt trên cái hạnh phúc kiểu cảm giác chốc lát”.
Ở thiền sư Yantra, “tấm lòng Không” này được thị hiện không phải chỉ trong những thời khóa đặc biệt của sự tu hành, như khi thiền sư sống trong hang với 18 xác chết, hay trong 12 năm ngài đi bộ chân đất khắp nước Thái, ngủ hằng đêm trong nghĩa địa, luôn ăn chay, chỉ ăn một bữa mỗi ngày, hay ở những lúc dẫn dắt trăm, ngàn người thiền tọa, thiền hành.
Tấm lòng trong suốt đó, quan trọng hơn, được thị hiện trong những kinh nghiệm đời sống hàng ngày. Nói về đời sống hàng ngày đó, thì hiếm ai trong một đời lại phải trải qua nhiều thử thách khắc nghiệt và kiếp nạn to lớn như thiền sư Yantra. Trong đời mình, thiền sư từng được ngợi ca hết mức, và rồi bị lăng mạ, phỉ báng, kết nhiều tội danh và buộc phải xả y, rời Thái Lan sang Mỹ. Ngài từng 3 lần vào tù, từng gặp tai nạn mất trí nhớ và phải ngồi xe lăn nhiều tháng trời.
Nhà văn Phan Việt cho biết cuốn sách này chị viết để kể lại sự tu hành và các kiếp nạn lạ lùng của thiền sư Yantra, nhưng là để viết về trái tim trong suốt của thiền sư khi đi qua tất cả những kiếp nạn đó. Mong muốn duy nhất của chị là nhiều người cũng sẽ có cơ hội gặp thiền sư qua các trang sách. “Có thể, sự gặp gỡ đó cũng sẽ khiến bạn chạm tới “trái tim Không” nơi chính mình, và rồi bạn sẽ sống một cuộc đời tự do, hạnh phúc, mà “vẫn tràn ngập tình thương.” Nó không khó đâu. Bởi vì bạn đã có sẵn nó rồi”./.
VOV
Leave a Reply