Người hùng mang ngàn gương mặt (NXB Dân trí, 2021) là cuốn sách nghiên cứu thần thoại – công trình đầu tiên thực sự công phu của tác giả người Mỹ Joseph Campbell.
Cuốn sách ‘Người hùng mang ngàn gương mặt’ của Joseph Campbell, do Thiên Nga dịch (NXB Dân Trí, 2021)
ẢNH/; K.B.H
|
Người hùng mang ngàn gương mặt không chỉ hữu ích cho những nhà nghiên cứu, lý luận văn học, mà còn xứng là sách gối đầu giường cho những bạn đọc thích chiêm nghiệm cuộc sống, cùng những bài học nhân sinh có sức cuốn hút mạnh mẽ và trường tồn.
Khi tôi ngỏ ý muốn đọc cuốn sách này, một biên tập sách đã quan ngại rằng Người hùng mang ngàn gương mặt không hề dễ đọc. Tôi đồ rằng đây là chiêu kích thích để tôi tìm hiểu và đọc sách bằng được. Khi được tiếp cận với cuốn sách, tôi thấy mình thực may mắn là đã đọc cuốn Phân tâm học (tác giả Sigmund Freud) trước đây nhiều năm và đọc không chỉ một lần. Bởi khi đã vượt qua thách đố của Phân tâm học, thì cuốn Người hùng mang ngàn gương mặt không còn là một bức tường cao vời khó vượt nữa, mà là một khu rừng bí ẩn mời gọi người đọc khám phá từng trang mở ra lối vào tư duy biểu tượng siêu hình, siêu nhiên mê đắm.
Tác giả Joseph Campbell đã chỉ ra rằng thần thoại chính là gốc của mọi tôn giáo, triết học, nghệ thuật, các hình thức xã hội của con người, các phát kiến khoa học, công nghệ, và giấc mơ khi ngủ của con người. Thần thoại cũng chính là suối nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn thúc đẩy con người tiến lên hành trình tiến hóa, tự giáo dục và phát triển lên các tầng cao mới. Bằng phương pháp nghiên cứu thần thoại so sánh, Joseph Campbell đã dấn thân vào hành trình phiêu lưu tìm ra công thức chung của thần thoại của mọi dân tộc trên thế giới, cũng là tìm ra công thức phát triển con người, chân lý và lẽ sống tuyệt đỉnh của con người.
Cuốn sách của Joseph Campbell chỉ ra rằng, mọi thần thoại trên thế giới này, cũng như mọi tôn giáo, đều xây dựng một nhân vật người hùng trên hành trình phiêu lưu đầy gian khó, thử thách của mình, từ thế giới đời thường, đi xuyên qua cả thế giới siêu nhiên, chạm trán những lực lượng thần kỳ, chiến đấu oanh liệt và giành thắng lợi, hay được siêu thoát, mang về cho đồng loại mình những ân huệ tuyệt mỹ. Joseph Campbell cho phép người đọc tham gia vào hành trình mê đắm ấy của linh hồn, và qua từng đoạn, từng chương, linh hồn ấy được thanh tẩy, được mở mắt, được nâng tầm để trở nên tinh khiết hơn, lớn lao hơn, được trao sứ mệnh nâng đỡ và phát triển cộng đồng.
Khi đã nghe thấy tiếng gọi siêu nhiên, dấn thân vào hành trình, thì đó là hành trình đến sự bất tử hoặc tro tàn. Khi tiến đến “bức tường ngăn” bí hiểm, hoặc một trở ngại, người hùng có thể chấp nhận dấn thân để thay đổi, hoặc từ chối để chạy trốn. Từ lựa chọn đó mà người hùng sẽ trở nên bất tử hay vĩnh viễn lụi tàn. Đây là biểu tượng cho mô thức chung của sự sống. Khi người hùng vượt qua “bức tường ngăn”, anh ta sẽ làm chủ sự sống, là vua của vương quốc với uy quyền tuyệt đỉnh. Đặc biệt ấn tượng là ở phần “ Gặp nữ thần”, tác giả Joseph Campbell dẫn ra một câu chuyện về “năm người con trai của vua Eochaid xứ Irland đi săn bị lạc trong rừng, lần lượt gặp nữ thần trong vỏ bọc của một mụ già xấu xí khủng khiếp. Nếu muốn đổi lấy nước uống và tìm được đường về, hoàng tử phải hôn mụ già xấu xí hôi hám kinh tởm. Bốn hoàng tử anh đều từ chối hôn mụ ta và nói dối, chỉ riêng hoàng tử út không kinh sợ, chẳng những đã chấp nhận hôn mụ già mà còn nhiệt thành ôm mụ ta. Nhưng khi đã thực hiện xong việc nhân ái đó, chàng hoàng tử út đã ngỡ ngàng nhận ra trong vòng tay ôm của mình là một thiếu nữ có thân hình và dung nhan yểu điệu đẹp đẽ nhất trên thế gian. Chàng trở thành nhà vua và cưới nữ hoàng Vương Quyền nhan sắc tuyệt trần, hưởng trọn hạnh phúc lớn lao nhất trên đời”.
Vương Quyền, chính là ẩn dụ của sự sống thường nhật của mỗi người chúng ta. Để có được Vương Quyền, nắm trong tay quyền làm chủ sự sống, thì đòi hỏi người hùng, hay bất cứ ai trong hành trình cuộc sống, phải vượt qua được ham muốn thú tính, phải kiểm soát được con quỷ định kiến với sự ghê sợ và khó chịu bên trong, để nhìn ra được “Nữ thần” với con mắt thấu cảm dịu dàng. Chỉ có như thế, người hùng mới phát hiện ra “Nữ thần” biến ảo trong bất cứ hình dạng nào, trong bất cứ biến cố nào suốt cả hành trình của mình. Và mô thức chung của đời sống cũng vậy: chỉ đến khi con người, có được con mắt biết nhìn ra vẻ đẹp của đời sống trong mọi hình thái khác nhau, thì mới có thể thoát ra khỏi sự tự thiêu lụi tàn, mới nguôi ngoai được khát khao tìm kiếm của chính mình. Đó là một trong những thông điệp sâu sắc từ Người hùng mang ngàn gương mặt.
Leave a Reply