Trắng đưa chúng ta đến với thế giới đan xen giữa sự sống và cái chết, giữa hiện tại và quá khứ, như một chuyến du hành nhằm kiếm tìm sức mạnh nội tại, trải nghiệm sự mong manh của kiếp người, đồng thời nỗ lực tìm cách xây dựng cuộc sống mới từ đống tro tàn của đổ nát.
Là một trong những tác phẩm riêng tư nhất của Han Kang, Trắng khởi dạng từ nỗi đau vô hình về sự tồn tại của chính bản thân tác giả. Là đứa trẻ lớn lên biết rằng mình không phải con gái đầu tiên của mẹ, rằng trước mình đã từng có một sinh linh yểu mệnh lìa đời chỉ sau khi chào đời được hai giờ đồng hồ, rằng có thể mình đã không được sống hay phải sống nếu đứa trẻ ấy không chết, rằng mẹ sẽ mãi mãi không quên và mình sẽ mãi mãi không thể sống như chưa từng biết sự thật ấy.
Trong một phỏng vấn với Man Booker, Han Kang giãi bày: “Tôi muốn hồi sinh chị gái mình bằng cách cho chị mượn những giác quan của mình, và cả cuộc đời mình. Quá trình viết cuốn sách này là một hình thái cầu nguyện, hòng biến những gì tôi nhìn, nghe, chạm, ngửi, nếm bằng hơi ấm của cơ thể tôi đang sống, thành của chị tôi. Và, luôn luôn như khi ta cầu nguyện, một lúc nào đó tôi nhận ra rằng tôi không chỉ đang viết cho mình chị ấy.”
Trắng là màu da của người chị qua đời từ lúc sơ sinh mà cô không có cơ hội gặp gỡ, là bánh trăng tròn lúc chưa hấp, đẹp đẽ như thể chẳng được phép tồn tại trên đời.
Trắng là nỗi đau cũ chưa lành, là nỗi đau mới còn vấn vương hoài niệm, và chính vì vậy mà không thể thành thứ ánh sáng trọn vẹn, cũng chẳng thể làm một bóng tối đúng nghĩa.
Trắng như sự bắt đầu của mọi thứ và cũng là điểm kết thúc của tất cả.
Han Kang kể câu chuyện của mình theo cách của riêng mình. Viết về những thứ màu trắng, cả trừu tượng lẫn hữu hình, là cách cô tự xoa dịu nỗi đau khó gán tên và nỗi ám ảnh về “một thứ bên trong chúng ta, một thứ không bị hủy hoại và vĩnh viễn không bị hoen ố” ấy.
Và một cuốn sách gồm 65 đoản văn về những thứ trắng đã ra đời, “hoàn toàn là một cuốn tiểu thuyết, nhưng đồng thời cũng là một cuốn sách cưỡng lại sự phân loại, tồn tại ở ranh giới giữa (tiểu thuyết) hư cấu, tản văn và thơ”.
Trắng chính là tuyên ngôn kiệm lời mà day dứt khó quên về một Han Kang không ngừng đa dạng trong lựa chọn và khai thác đề tài, liên tục biến hóa trong kết cấu và bút pháp – với mỗi tác phẩm, Han Kang lại tự phá kén giới hạn của bản thân đồng thời mài bén thêm ngòi bút luôn kiên định đối diện những thống khổ và mong manh của việc làm người.
Trước Trắng, Nhã Nam đã cho ra mắt Bản chất của người, tiểu thuyết dựa trên một sự kiện lịch sử có thật, chiếm vị trí đặc biệt trong sự nghiệp viết văn của Han Kang. Cuốn sách viết về Phong trào dân chủ Gwangju (1980) – khi nhân dân Gwangju, phần lớn là học sinh sinh viên, nổi dậy chống lại ách kìm kẹp của giới thống trị độc tài Park Chung Hee và Chun Doo Hwan nhưng nhanh chóng bị đàn áp vũ trang hết sức dã man. Đây một mảnh ký ức của người mẹ mất con, kia một dòng ý thức của thiếu niên đã chỉ còn là cái xác chờ bị thiêu cháy, đó nữa một cuộc đời bị hủy hoại của tuổi trẻ dám đứng lên hành động theo lương tâm – Han Kang phơi bày không cắt cúp, không che đậy sự bạo tàn vô nhân tính đồng thời đặt ra câu hỏi về bản chất thực sự của con người. Tác phẩm vừa vươn tầm phổ quát lại vừa bén rễ riêng tư, đã lay động tâm can hàng triệu độc giả.
Bốn năm sau Bản chất của người, Han Kang cho ra mắt Trắng. Tiểu thuyết mỏng mảnh nhất nhưng có thể nói không ngoa, cũng là tác phẩm chứng tỏ sự trưởng thành dạn dày nhất của một nhà văn bấy lâu vẫn luôn kín kẽ trong việc giãi bày riêng tư giờ đã thoải mái trút bỏ mọi giáp khiên đồ sộ, để không chỉ dừng lại ở phơi bày sự thật của số đông mà điềm đạm tiến tới cảnh giới phơi lộ góc khuất nhất của cá nhân mình.
Trắng là một cuốn sách khó có thể “chỉ mặt gọi tên” đích xác nhưng chắc chắn dễ khiến người ta phải lòng, tinh tế và mong manh đến như có thể tan biến hay ố màu ngay nếu cứ cố chấp gán cho một nhãn mác, nhưng không thể chối cãi là đã được may chắp bằng thứ văn chương lắng đọng và đẹp nhất của Han Kang từ trước tới giờ.
Mỗi tiểu thuyết của Han Kang là một thế giới cô đặc của niềm say mê nghệ thuật vô tận, bất kể nỗi đau đáu trước câu hỏi bất tận về tồn tại nhân sinh. Thơ ca, văn học, nhiếp ảnh, điêu khắc, hội họa, kiến trúc, điện ảnh… nghệ thuật chưa bao giờ vắng bóng trong thế giới văn chương Han Kang. Cô không chối bỏ tham vọng tìm câu trả lời cho những khắc khoải nhân thế thông qua nghệ thuật.
Han Kang sinh năm 1970 tại Gwangju, xuất thân từ một gia đình có truyền thống văn chương. Năm 10 tuổi, không lâu trước khi diễn ra Phong trào dân chủ Gwangju, Han Kang theo gia đình chuyển lên Seoul – đây cũng chính là biến cố lớn thôi thúc cô viết nên Bản chất của người.
Sau khi tốt nghiệp khoa Văn trường đại học Yonsei, Han Kang đăng đàn năm 1993 trên báo Văn học và Xã hội với tư cách một nhà thơ. Năm 1994, cô cho ra mắt truyện ngắn “Mỏ neo đỏ”, giành giải tác giả trẻ của báo Seoul Shinmun, kể từ đó bắt đầu chính thức hoạt động văn chương.
Phunumoi.net
Leave a Reply