“Thư viện nửa đêm”: Hằng số của hiện tại

“Thư viện nửa đêm”: Hằng số của hiện tại

Hàm sóng lượng tử, những chồng chéo, những thế giới song song, đó là cấu hình để Matt Haig dựng lên Thư Viện Nửa Đêm.


Cuốn “Thư viện nửa đêm” của Matt Haig (dịch giả Matryoshka) do công ty và NXB Hội nhà văn ấn hành. Nguồn: Nhã Nam.

Đôi khi, cũng đừng nên tin Kafka nhiều quá. Trong thư gửi một người bạn học, Kafka từng bảo thế này: “Tôi nghĩ chúng ta chỉ nên đọc những loại sách gây đau thương cho ta và đâm găm vào ta. Nếu như cuốn sách mà ta đọc chẳng làm ta thức tỉnh với một cú phang thẳng vào đầu thì ta còn đọc nó để làm gì?” Kafka tin rằng con người cần những cuốn sách tác động được tới mình như một trận thảm họa, khiến mình khốn khổ sâu xa như cái chết của một người thân, như khi mình bị đày vào một cánh rừng xa lơ xa lắc khỏi loài người, như khi mình tự sát. Rồi ông chốt hạ: “Một cuốn sách phải giống như một cây rìu đối với biển băng bên trong ta” – câu trích dẫn có mặt trên mọi cuốn lịch và những bài tập làm văn nói về tác dụng của việc đọc sách.

Nhưng ta có thể tin Kafka vào bất cứ điều gì, sự vô lý của hệ thống hay sự kỳ quái của cuộc đời chẳng hạn, chứ tuyệt nhiên không nên tin Kafka khi chàng nói về sách. Một cuốn sách nhất định phải đày đọa ta trước khi nó đập vỡ được cái gì đó nơi ta ư? Cũng không hẳn. Hãy mang Kafka đến thế kỷ 21 và chất đầy phòng ông những tác phẩm văn chương đô thị hiện đại ngày nay. Hãy xúi ông đọc những tiểu thuyết đầy tính chữa lành như khi được ăn một đĩa mì spaghetti nóng hổi, những tiểu thuyết tuyệt nhiên không giấu một nhát dao hay bất cứ thứ hung khí nào để đâm lén người đọc trong lúc không phòng bị, cũng tuyệt nhiên không làm nứt vỡ ta bằng những cơn rung chấn, chúng nhẹ nhàng, đôi khi dễ dãi như một bản nhạc pop trung lưu, với một nhiệt độ ấm áp vừa đủ để làm biển băng trong ta tan rã. Haruki Murakami, Banana Yoshimoto là những nhà văn viết ra những cuốn sách như vậy. Hoặc là Matt Haig, tiểu thuyết gia đã viết Midnight Library – Thư Viện Nửa Đêm.

Nora Seed muốn chết. Đừng hỏi tại sao bởi có quá nhiều lý do. Những ước mơ không thành. Một cuộc tình tan vỡ. Ngay cả cái công việc tầm thường trong cửa hàng bán nhạc cụ cô cũng không giữ nổi. Và bè bạn thì ngày càng xa cách. Vậy là cô tìm đến cái chết. Giữa ngưỡng sống – chết ấy, Nora lạc vào một thư viện nửa đêm lạ lùng, nơi có vô tận những cuốn sách và mỗi cuốn sách ẩn giấu một cuộc đời khác mà cô có thể sống, nếu cô đã lựa chọn khác đi.

Nora Seed tất nhiên không phải bệnh nhân trầm cảm đầu tiên muốn kết liễu đời mình trong văn chương. Có những kẻ vĩ đại, lẫy lừng, phức tạp, điên rồ và cũng thú vị hơn cô nhiều, như hoàng tử Hamlet của William Shakespeare với câu độc thoại “tồn tại hay không tồn tại”. So với chàng, cô chỉ là một kẻ tầm thường với nỗi đau khổ dễ dàng lẫn vào một rừng những nỗi đau khổ vô danh khác, không có ông chú nào thông đồng với mẹ cô để giết cha cô và tiếm ngôi vua, nhưng tầm thường đến mấy thì nỗi đau khổ ấy vẫn có mặt.

Tất nhiên, như đã nói từ đầu, đây không phải một cuốn tiểu thuyết về nỗi đau khổ, không phải một cuốn tiểu thuyết gây thương vong. Nora thử từng cuộc đời mà cô nghĩ là mình nuối tiếc, những cuộc đời nơi cô là một vận động viên bơi lội đoạt huy chương vàng Olympic, một siêu sao nhạc rock, một nhà băng hà học, một người vợ, một tiến sĩ , một người chăm sóc động vật, cô di chuyển từ Melbourne đến Svalbard, từ hoạt cảnh đối đầu với gấu Bắc Cực đến mái nhà yên ấm nơi cô được nghiên cứu về triết gia Henry David Thoreau ở Cambridge, để rồi cuối cùng không gì làm cô thực sự hạnh phúc. Luôn có một nỗi thất vọng âm thầm, một sự bất như ý, một sự không tròn trịa, một điều gì đó khiến cô biết mình không thuộc về đây, và rằng cuộc đời nào cũng vậy mà thôi, chủ yếu là tẻ nhạt, ê chề, ganh đua, thối chí. Nhưng chính điều đó khiến cô muốn quay trở lại, tiếp tục cuộc đời đầy sai lầm, đầy tiếc nuôi, đầy sứt sẹo, đầy vá víu, nhưng là do cô và của cô.


Nhà văn Matt Haig. Nguồn: The Guardian.

Phần lớn thời gian, Thư Viện Nửa Đêm giống như một cuốn tiểu thuyết – selfhelp. Ta không trông đợi ở nó một vẻ đẹp trác tuyệt của văn chương, ngay cả khi so trong cùng dòng đô thị thì nó cũng còn xa mới đạt đến sự kỳ công, quyến rũ và bí ẩn như ở Haruki Murakami. Nó dễ đoán như những bản ballad thịnh hành trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100 vài năm qua với những vòng hòa âm quen thuộc, nhưng nếu như những ca khúc ấy vẫn vô thức khiến bạn đu đưa và nhẩm hát theo, thì ở đây, cũng thế. Và nó cần phải thế, vì câu chuyện mà nó đang kể ra không phải về một chàng hoàng tử bị phản bội tư biện với bản thân rằng “Chịu đựng tất cả những viên đá, những mũi tên của số mệnh phũ phàng hay là cầm vũ khí lên mà chống lại với sóng gió của biển khổ, chống lại để mà diệt chúng đi, đằng nào cao quý hơn?”, nó không tụng ca những bi kịch tráng lệ hay những tình yêu như màn hai của một vở opera kịch tính, cuốn sách này là bản đồng ca bắt nhịp cho những hạnh phúc không tên – hạnh phúc khi sống trong một vũ trụ có loài chó tồn tại, hạnh phúc khi sống trong một vũ trụ nơi bạn đã kịp ghé thăm người thủ thư vài chục năm trước của trường tiểu học, hạnh phúc khi sống trong một vũ trụ không tuân theo sự tất định của cơ học Newton mà theo sự khó lường cơ học lượng tử, và hạnh phúc khi sống trong một vũ trụ mà ở đâu đó, có một con mèo Schrodinger vừa đã chết nhưng cũng vừa còn sống.

Hàm sóng lượng tử, những vũ trụ chồng chéo, những thế giới song song, đó là cấu hình để Matt Haig dựng lên Thư Viện Nửa Đêm. Lượng tử là bất trắc. Và ta cứ nghĩ, bất trắc là bất hạnh. Con người thích thuyết tất định bởi cảm giác rằng chỉ cần thuộc lòng một vài định lý, nắm được một vài phương trình, vậy là ta đã nắm cuộc đời này trong tay. Làm sao ta chịu đựng nổi khi Chúa là một tay thần bài thích chơi trò xúc sắc và đời là bất khả tri, không gì đảm bảo rằng đêm nay ta thắng bạc rủng rỉnh thì ngày mai ta không thể thua cháy túi. Nhưng chẳng phải đời hấp dẫn theo kiểu của một ván bài? Ta làm tất cả những gì có thể với những quân bài dù tốt hay xấu mà mình được chia, để rồi nếu có thua ván này, bằng một thứ hy vọng hư vô trong sáng nào đó, ta vẫn đinh ninh, ván sau mình sẽ gỡ.

Hãy tưởng tượng nếu có một bệnh viện tâm thần dành cho những nhân vật văn chương, bác sĩ sẽ tuyên bố Hamlet là không thể cứu vãn. Chàng đã không tự chọn cái chết (ít nhất là ở hồi 3 cảnh 1), nhưng chỉ vì “sợ một cái gì mênh mang sau khi chết, cả một thế giới huyền bí mà đã vượt biên cương thì không một du khách nào còn quay trở lại”. Chàng sợ sự bất trắc của bóng tối không thể nào đo đếm kia. Nhưng Nora đã được cứu vãn, bởi cuối cùng, cô sống không phải vì cô băn khoăn về bất cứ bất trắc nào, dù là bất trắc của cái chết, cô sống vì cô biết cô còn sống.

“Tôi còn sống”, đó là hằng số duy nhất trong phương trình mô tả hiện tại, chừng nào còn hiện tại thì hằng số ấy còn bất biến, một hằng số cơ bản như vận tốc ánh sáng, như hằng số Planck, bất chấp mọi phép đo đạc, bất chấp các biến số khác của cuộc đời mang giá trị nào, phiền não hay toại nguyện, phước lành hay nghịch cảnh, thành tựu hay vỡ mộng, đúng hay sai, đủ hay không đủ.

“Cô hình dung mình chỉ là một sinh vật kỳ lạ và kỳ diệu khác của tự nhiên. Chỉ là một loài vật cảm tính, đang nỗ lực bằng tất cả những gì mình có”. Mỗi con người đều là như thế, chỉ là một loài vật cảm tính, đang nỗ lực bằng tất cả những gì mình có. Cho nên, hãy cứ yêu đời và đầy tin tưởng1.□

——–

1 Một câu của thi nhân người Rainer Maria Rilke, trong cuốn “Thư gửi người thi sĩ trẻ tuổi”.

Tia sáng


Posted

in

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *