Một thực tế mà có lẽ không nhiều người dám thừa nhận đó là chúng ta thường “ngại” trau rèn và sử dụng năng lực tư duy – món quà tuyệt vời mà tạo hóa ban tặng. Nguyên nhân, theo Alan Jacobs, đó là bởi những trở lực trong quá trình ấy bắt chúng ta phải trải qua những điều chẳng hề dễ chịu chút nào, thậm chí phải trả những cái giá nhất định. Đó có thể là việc phải vứt bỏ cảm giác dễ chịu, thoải mái mà thói quen mang lại, hay chuyện đánh mất một mối quan hệ bởi xung khắc quan điểm, thậm chí phải rời khỏi một nhóm thân thuộc mà chúng ta là thành viên vì sự khác biệt nảy sinh. Vậy bù lại, tư duy sẽ mang đến cho chúng ta điều gì? “Một trong những chuyến phiêu lưu vĩ đại của cuộc đời” khiến chúng ta “trở thành nhiều hơn con người của chính mình trong hiện tại”, chưa kể những khoái lạc tinh thần mà sự khám phá khơi lên. Khuyến cáo của ông với độc giả của cuốn sách này là: nó sẽ rất hữu ích nếu điều bạn quan tâm là tìm đến sự thật.
TÁC GIẢ:
Alan Jacobs là Giáo sư Ưu tú trong lĩnh vực Khoa học Nhân văn, giảng dạy tại Chương trình Danh dự thuộc Đại học Baylor, Waco, tiểu bang Texas, đồng thời ông cũng là Nghiên cứu viên thường trú tại Viện nghiên cứu Tôn giáo của Đại học Baylor. Ngoài ra, ông cũng là cộng tác viên biên tập cho tờ The New Atlantis và là tác giả của nhiều bài tiểu luận đăng trên nhiều tạp chí.
Những tác phẩm đã được xuất bản của ông có thể kể đến như là: The Narnian: The Life and Imagination of C. S. Lewis (2005), The Pleasures of Reading in an Age of Distraction (2011), Critical edition of W. H. Auden’s The Age of Anxiety (2011), Critical edition of W. H. Auden’s For the Time Being: a Christmas Oratorio (2013), The Year of Our Lord 1943: Christian Humanism in an Age of Crisis (2018)…
Nghệ thuật tư duy: Hướng dẫn sinh tồn trong một thế giới đầy bất đồng (How to Think: A Survival Guide for a World at Odds), xuất bản năm 2007, được đánh giá cao trên nhiều tạp chí nổi tiếng và diễn đàn về sách. Những năm tháng trăn trở về các vấn đề lớn – các quan điểm chính trị, xã hội và tôn giáo – chia cắt những con người sống cùng nhau trên một đất nước đã giúp Jacobs nhận ra rằng những bất đồng kịch liệt nhất không phải tiền định mà đơn giản là bởi những người liên quan không tư duy.
Leave a Reply