Cuốn sách của PGS. TS. Nguyễn Lân Hiếu chia làm bốn phần, mỗi phần thể hiện suy nghĩ của tác giả về một chủ đề riêng.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu là bác sĩ đầu ngành về tim mạch. Ông cũng là đại biểu Quốc hội khóa XIV, khóa XV. Hiện, ông là giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Với việc phát triển hệ thống khám chữa bệnh từ xa, ông đã đưa bệnh viện trở thành một trong những cơ sở y tế tiên phong trong phát triển Telehealth ở Việt Nam.
Câu chuyện từ trái tim của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu hể hiện trăn trở của tác giả trong các vấn đề xã hội. Sách là tập hợp những ghi chép về các vấn đề thời sự xã hội, từ y tế, giáo dục đến môi trường. Trong cuốn sách Câu chuyện từ trái tim, anh còn có những chia sẻ rất thật lòng về con đường trở thành bác sĩ và những được, mất từ đó.
Cuốn sách chia làm bốn phần, mỗi phần thể hiện suy nghĩ của tác giả về một chủ đề riêng. Những tư duy như “bác sĩ là những vị cứu nhân độ thế”, “ngành y là một ngành cao quý, phải cứu người”, phải nhân văn… có lẽ đã ăn sâu vào tiềm thức nhiều người. Nhưng những bài viết trong phần đầu của cuốn sách đã bày ra thực tế: bác sĩ cũng chỉ là một con người bình thường, có lúc vui, lúc buồn, lúc nóng giận, có lúc mắc sai lầm, ấu trĩ, cũng có những lúc không thể hoàn thành công việc, có lúc vì công việc cuốn đi mà bỏ bê chính sức khỏe của mình. Mỹ từ “cứu người” cao cả có lẽ không nên dành cho các nhân viên y tế, mà nó là dành cho tất cả mọi người – những người có trái tim nhân hậu, sẵn sàng dang tay cứu giúp những ai đang gặp khó khăn, gặp tình huống nguy hiểm đến tính mạng con người. Đối với các y bác sĩ, từ “chữa bệnh” chắc chắn sẽ nhẹ nhàng và chính xác hơn từ “cứu người”.
Tác giả không giấu nổi sự xót xa khi nhắc đến những nỗi buồn của ngành y như nạn bạo hành nhân viên y tế, tình trạng đào tạo sinh viên Y tràn lan, đồng thời anh cũng thẳng thắn phê phán thực trạng “dễ dãi và đắt tiền”, lạm dụng chỉ định… của nền y tế nước nhà. Triết lý giáo dục “Không nói dối” của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu đề xuất trong giai đoạn bản lề hiện nay được anh rút ra từ thực tiễn công tác là một giảng viên của Đại học Y Hà Nội và cũng là trải nghiệm của anh trong cuộc sống, công việc.
Một vị bác sĩ tim mạch hàng đầu vốn chỉ muốn tập trung vào chuyên môn, thậm chí không phải là Đảng viên, lại đột ngột quyết định dấn thân sang chốn nghị trường. Điều gì đã khiến bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu thay đổi ở độ tuổi bốn mươi lăm?
Cơ duyên ấy đến từ một cuộc trò chuyện với Bộ trưởng Bộ Y tế Myanmar. Vị bộ trưởng đã bày tỏ sự thán phục trước những gì nền y tế Việt Nam đã làm được cho trẻ em: Nhà nước cấp bảo hiểm miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi, tay nghề của nhân viên y tế liên tục được trau dồi… và chia sẻ với anh rằng: Chữa được một ca bệnh đã khó, thay đổi được tư duy làm chính sách để giúp cho hàng triệu trẻ em là điều đáng quý vô ngần. Myanmar của ông chưa làm được như Việt Nam bởi ở nước họ nhiều năm liền không có nhà chuyên môn y khoa nào lên tiếng trong Quốc hội. Những lời tâm sự chân tình này đã khiến bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu quyết định dành quỹ thời gian ít ỏi của mình cho một hoạt động hoàn toàn mới – làm đại biểu Quốc hội – để có thể đóng góp và giúp được nhiều trẻ em hơn.
Xen kẽ những bài phân tích thẳng thắn và sắc sảo về các vấn đề xã hội, người đọc vẫn bắt gặp rất nhiều thông điệp sống tử tế, quan tâm, yêu thương con người với một trái tim chân thành. Bởi những gì xuất phát từ trái tim, sẽ chạm đến được trái tim.
Chia sẻ về cuốn sách Câu chuyện từ trái tim, GS Ngô Bảo Châu – người bạn chơi thân với PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu hơn 40 năm – cho biết anh đã chứng kiến nhiều chuyện mà bác sĩ Hiếu kể trong sách. Nhưng việc đọc cuốn sách này đã khiến anh hiểu rõ hơn con người và nhân sinh quan của người bạn mình
“Bác sĩ – người phải thường xuyên ra quyết định ảnh hưởng trực tiếp đến cái sống, cái chết của bệnh nhân – luôn phải đối mặt sự thật. Có lẽ đấy là lý do mà trong những trang viết của bác sĩ Lân Hiếu, người đọc cảm nhận được sức nặng của sự thật. Chuyển tải sự thật, ít nhất trong phạm vi nhận thức của mình, luôn là thử thách cam go nhất cho người viết”, GS Ngô Bảo Châu viết.
Leave a Reply