Câu “nghệ thuật là gì?” chưa bao giờ là một câu hỏi, mà thực ra giống với lời gợi ý về một ma trận thì hơn.
Cuốn sách Nhìn – thấy – yêu – hiểu của nhà phê bình Nguyễn Quân đã bắt đầu bằng một sự rối rắm như vậy để rồi gỡ rối, mở sáng cho người đọc/xem/mê nghệ thuật.
Nhìn – thấy – yêu – hiểu (Nhã Nam và NXB Thế Giới) là tiểu luận cuối cùng trong bộ sách nhận thức luận nghệ thuật của nhà nghiên cứu Nguyễn Quân. Như chính ông thừa nhận, kết cấu cuốn sách chẳng qua cũng là những gì cuộc đời ông đã làm khi kết giao với nghệ thuật: nhìn, thấy, yêu và hiểu.
Chúng như một vòng lặp bất tận, liên hồi, có lúc không phân biệt trước sau. Nhìn một tác phẩm bằng hệ quang học, thấy một hình ảnh bằng phức hợp tư duy – tình cảm – trực giác, yêu một bức tranh là chạm đến sự hài hòa thẩm mỹ và hiểu nghệ thuật để khai phóng tri thức nhân loại.
Dùng cuộc đời mình để viết sách về nhận thức luận nghệ thuật, Nguyễn Quân không dùng cột mốc năm tháng để đánh giá sự thăng tiến, trồi sụt của nghệ thuật và cũng không mặn mà với phương pháp luận lịch sử để minh chứng cho sự bế tắc hay thăng hoa của nghệ phẩm.
Ông vận dụng phương pháp của riêng mình, qua bốn trạng thức nhìn – thấy – yêu – hiểu để lý giải dòng chảy của nghệ thuật với một lối viết khi tường minh, rạch ròi đến lạnh lùng, lúc lại mang chút mềm mại, uyển nhã của văn chương.
Đúc kết các học thuyết tâm lý học, triết học, mỹ học… ở nửa đầu cuốn sách, tác giả Nguyễn Quân, như lời nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng nhận xét, đã mở ra một khu rừng rậm rạp, nhiều tầng, nhiều lớp, cây cao cây thấp và dây leo chằng chịt. Nhưng càng đi, người đọc sẽ càng mở ra được muôn vàn con đường tiếp cận nghệ thuật.
Tập sách đã giải thích sự bối rối của chúng ta khi đối diện nghệ thuật đương đại và cũng làm sáng tỏ sự khởi sinh của nghệ thuật rẻ tiền, cấp thấp. Thiếu những biện giải này, người xem khó có thể hiểu được vì sao một vài đường nguệch ngoạc của một tay họa sĩ ngôi sao lại có giá triệu đô, cớ gì người ta lại chen chúc chụp ảnh với “con vịt vàng khổng lồ” nổi lềnh bềnh trên mặt hồ cách đây vài năm ở TP.HCM.
Cuốn sách đi sâu hơn, giải quyết những khúc mắc của người mới tiếp xúc nghệ thuật nhưng đã gặp phải những buổi biểu diễn đương đại mang hơi hướm “quái dị”, những video và tác phẩm sắp đặt mà chất liệu vốn chỉ được nhặt nhạnh trên đường.
Có thể nói, nhà nghiên cứu Nguyễn Quân đã sử dụng những tích lũy quý giá nhất trong gần 50 năm sống với nghệ thuật để giải mã cách vận hành của giới nghệ thuật mà những mặc định ngầm của chúng đã tồn tại bao lâu nay.
Nhìn – thấy – yêu – hiểu cũng mang đến một hướng dẫn cho những người viết về nghệ thuật, đặc biệt là ở Việt Nam, trong hoàn cảnh ngành phê bình chưa có nhiều “đất sống”.
Thẩm mỹ trung lưu đang dần biến mất
Đằng sau những trang viết dẫu trung dung vẫn bộc lộ một ưu tư của tác giả cho tương lai của nghệ thuật.
Không như những tuyên bố mang tính gây sốc “Nghệ thuật đã chết!”, tác giả Nguyễn Quân dường như quan ngại hơn với tình cảnh thẩm mỹ trung lưu đang dần biến mất.
Khi nền nghệ thuật tinh hoa dần hạ thấp chuẩn mực thì nghệ thuật trung lưu lại bị văn hóa đại chúng lấn át, thâu tóm trong thời đại hậu công nghiệp.
Thiếu đi thẩm mỹ trung lưu, lằn ranh giữa nghệ thuật rẻ tiền, dỏm chỉ còn cách nghệ thuật tinh túy bằng một đường kẻ mờ và đôi khi chuyện phân biệt là bất khả.
Mai Thụy
tuoitre.vn
Leave a Reply