Từ khi dịch Covid-19 làm chao đảo thế giới, đã có nhiều cuốn nhật ký của nhiều cây viết kể chuyện phòng chống dịch, cách ly, giải cứu những người con Việt Nam mắc kẹt ở nước ngoài khi dịch bùng phát…
Mới đây nhất, những ghi chép của một bác sĩ cấp cứu trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch đã được tập hợp trong cuốn sách “Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể”. Có thể coi đây là phần 2 của cuốn sách “Để yên cho bác sĩ “hiền” được đông đảo độc giả yêu thích khi ra mắt vào năm 2018, và tác giả Ngô Đức Hùng – bác sĩ công tác tại Bệnh viện Bạch Mai, giảng viên bộ môn Hồi sức cấp cứu Đại học Y Hà Nội, cũng đã trở thành Facebooker nổi tiếng trên mạng xã hội với các bài viết “ăn khách”.
“Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể” được bắt đầu bằng những bài viết điểm lại thông tin về dịch bệnh, nguồn gốc của vi rút, cách thức hoạt động và lây nhiễm, các mốc thời gian chính trong hai năm đại dịch hoành hành, bài học từ những đại dịch mà nhân loại từng đối mặt trong lịch sử, và nhận diện “Covid-19, em là ai?”. Sau phần mở đầu hết sức nghiêm túc ấy là những trang nhật ký được viết bằng giọng văn hài hước, có phần… đanh đá, sâu cay nhưng lại đầy cuốn hút của tác giả “Để yên cho bác sĩ “hiền”.
Những câu chuyện cười ra nước mắt, những trang nhật ký sinh động từ trong tâm dịch của một bác sĩ khi Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) bị phong tỏa, khi tới hỗ trợ tại Bệnh viện dã chiến số 2 – Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương… đã cho độc giả cảm nhận rõ về nỗi vất vả, sự khó khăn mà các bác sĩ hằng ngày, hằng giờ phải đối mặt. Đó là “sự tra tấn khủng khiếp nhất, tàn tệ nhất” khi các nhân viên y tế phải “bịt kín” trong bộ đồ bảo hộ “bác sĩ nuôi ong” trong suốt ca trực 8 tiếng đồng hồ mà không dám gãi, cởi, cố nhịn ăn, nhịn uống bởi bộ đồ bảo hộ trị giá cả triệu đồng chỉ được dùng một lần rồi bỏ. Đó là sợi dây cao su đeo khẩu trang mỗi ngày đủ chặt “nghiến vào vành tai đau mê tơi”, là hai mắt kính lúc nào cũng “đọng cả đống sương” do hơi nước qua hơi thở luồn lên theo khe khẩu trang, và nỗi lo lây nhiễm bệnh “nhỡ đâu mình bị dính thì anh em lại thêm việc”.
Không đơn thuần làm nhiệm vụ chuyên môn, các bác sĩ còn phải ổn định tư tưởng cho người dân, tránh để họ trở thành “nạn nhân của những tin đồn ác ý cùng nỗi sợ hãi mơ hồ”. Và, phía sau chiếc áo blouse trắng của một bác sĩ trách nhiệm với bệnh nhân, tận tâm với nghề, là một người con mà ngày giỗ mẹ “vẫn đang làm nhiệm vụ chưa về”, là những cái Tết không thể đúng hẹn với gia đình, họ hàng, cùng những khoảnh khắc cô đơn nhất của người làm nghề…
Bác sĩ Ngô Đức Hùng đã “thổi” vào cuốn sách một tinh thần tích cực và tràn đầy hy vọng trước những khó khăn chồng chất trong bối cảnh dịch bệnh và cả những hố sâu dư luận cực đoan của một bộ phận cộng đồng thiếu thông tin, thiếu đồng cảm và thiếu hiểu biết. Anh từng viết: “Mỗi sinh mạng đều đáng quý. Ngay cả cái chết cũng có ý nghĩa khác nhau, dù cho tình huống không còn can thiệp được gì nữa, nó vẫn gợi cho bác sĩ nhiều trăn trở”. Khi đối mặt với kẻ thù vô hình, đặc biệt là dịch bệnh thì ai cũng e ngại, nhưng có những rủi ro không thể tránh được, “điều ý nghĩa nhất mỗi đời người là làm sao cho đáng sống. Để khi nằm xuống không phải hối tiếc bất kể điều gì”.
Cuốn sách “Để yên cho bác sĩ “hiền” – Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể” do Nhã Nam và NXB Thế giới liên kết xuất bản.
Hà Nội Mới
Leave a Reply