“Đời sống vỉa hè Sài Gòn” chỉ dày hơn 200 trang, do NXB Dân Trí và Nhã Nam xuất bản. Tác phẩm gói gọn những nghiên cứu, tâm huyết, tình cảm của GS Annette M.Kim suốt hai chục năm sống ở Sài Gòn mà với bà mấy chục năm “cuốc bộ và thi thoảng dừng lại ngó nghiêng trên những không gian khiêm tốn của vỉa hè, tôi đã học được nhiều bài học”. GS Annette M.Kim là giáo sư ngành chính sách công và làm Giám đốc sáng lập SLAB (Phòng phân tích không gian đô thị) của University of Southern California.
Cuốn sách có 6 phần, dẫn chuyện theo mạch dễ đọc dù là có những phần đậm thông tin nghiên cứu. Bạn có thể cùng GS M.Kim lần lượt đi qua Phần 1: “Cuộc sống vỉa hè ngoại lệ của Sài Gòn”; Phần 2: “Lịch sử và sự kiên cường: Những nền móng văn hóa của đời sống vỉa hè thường ngày ở Sài Gòn”, Phần 3: “Tạo lập bản đồ cho những điều bị bỏ sót”, Phần 4: “Những câu chuyện đối lập về cuộc sống vỉa hè”…
Không gian xã hội độc đáo, linh hoạt
Công ty enCity, đơn vị giới thiệu cuốn sách này nhấn mạnh quan điểm tương đồng của GS Annette M.Kim: Các đô thị đều có những đặc trưng gắn với văn hóa, bối cảnh xã hội và môi trường sống của người dân địa phương; và các giải pháp phát triển cũng như bảo tồn đô thị phải dựa trên đặc trưng này. Những tài sản giá trị nhất của một thành phố thường ẩn sau trong dòng cuộc sống thường nhật.
Với bước chân kiên trì trên khắp vỉa hè Sài Gòn, sự quan sát và thấu cảm, GS Annette M.Kim lại chỉ ra những điều đặc biệt thực sự mang hơi thở đời sống vỉa hè Sài Gòn.
Và, trường hợp của vỉa hè Sài Gòn, nét đặc trưng chính là “tính đa chức năng (giao thông, thương mại và không gian cộng đồng) thay vì chỉ đơn năng (dành cho giao thông) – một đặc trưng căn bản của đô thị Việt Nam nhưng cũng là xu hướng của thế giới để tạo ra các đô thị đáng sống, bền vững.”
Từ năm 2010, tác giả đã có mặt ở Thành phố Hồ Chí Minh và cùng nhóm nghiên cứu lập bản đồ tỉ mỉ mọi thứ diễn ra trên vỉa hè, thực hiện 275 cuộc phỏng vấn với người bán hàng rong, cư dân, công an khu vực.
Bà cũng tổ chức nhiều hội nghị về không gian công cộng với các nhà nghiên cứu cho các thành phố trên toàn cầu.
Với Sài Gòn, điểm đầu tiên dễ thấy là thành phố nằm trong áp lực chung về nhân khẩu như các thành phố khác, khi lần đầu tiên trong lịch sử loài người hầu hết người dân đều đang sống ở thành thị. Hiểu như vậy, để nhận thấy vỉa hè trở thành nhân tố đặc biệt với người có thu nhập thấp. Và những xung đột của nhiều nhân tố liên quan vỉa hè diễn ra ở cấp độ toàn cầu.
Nhưng ngoài những vấn đề chung ấy, điều thú vị là với bước chân kiên trì trên khắp vỉa hè Sài Gòn, sự quan sát và thấu cảm, GS Annette M.Kim lại chỉ ra những điều đặc biệt thực sự mang hơi thở đời sống vỉa hè Sài Gòn.
Đó là cách những người chủ nhà chia sẻ không gian sinh kế với người bán hàng, sự cảm thông, nhắc nhở thậm chí giúp đỡ của công an viên với người yếu thế kiếm sống trên vỉa hè. Và nữa, khả năng bao bọc, yêu thương, nương tựa nhau của chính những người lao động trên không gian này.
Thí dụ như, những người làm nghề xe ôm ở Quận 5 tự lập một hiệp hội vào năm 2010, thiết lập một tấm bảng có treo thẻ số để phân chia việc đón khách một cách trật tự, thay vì tranh giành nhau. Mô hình này được sự chia sẻ của chính quyền địa phương, sau đó lan ra các quận khác trong thành phố.
“…đời sống vỉa hè Sài Gòn là ngoại lệ. Cái ngoại lệ ấy biểu hiện qua lối sống hoà quyện đùm bọc lẫn nhau của dân lành, tình cảm tương thân tương ái lan tỏa…, ngay cả khi lối sống ấy phải chịu áp lực ngày càng gia tăng do mật độ dân số ngày càng cao.”
“Vỉa hè thành phố Hồ Chí Minh năng động hơn tôi tưởng tượng” – bà viết. Và quan sát 3 lần một ngày với bà là không đủ. Sự năng động, đa dạng thể hiện không chỉ ở đối tượng sử dụng, giới tính, mục đích mà cả ở cách sử dụng cùng một không gian trong nhiều khung thời gian từ xe ôm, quán ăn, cà phê, thư giãn, giải trí đến dịch vụ khác…, tất cả được thay nhau diễn ra trên từng “mẩu nhỏ vỉa hè”.
Bà viết: “…đời sống vỉa hè Sài Gòn là ngoại lệ. Cái ngoại lệ ấy biểu hiện qua lối sống hòa quyện đùm bọc lẫn nhau của dân lành, tình cảm tương thân tương ái lan tỏa…, ngay cả khi lối sống ấy phải chịu áp lực ngày càng gia tăng do mật độ dân số ngày càng cao. Trên phương diện xã hội, chúng tôi thấy những người vi phạm quy định và những người thực thi quy định không quá cách xa nhau. Họ cùng nhau tìm cách để dàn xếp, những phương cách ấy gợi lên ý tưởng rằng mỗi người dân là một phần câu chuyện rộng lớn hơn”.
Không chỉ cho thấy sự đa dạng, linh hoạt, cái ấm áp tình người trong không gian phức hợp của vỉa hè Sài Gòn, tác giả còn chỉ ra những gốc rễ của hệ thống không gian linh hoạt ở thành phố. Những phân tích thú vị này rất bổ ích cho những người làm nghiên cứu hoặc bạn đọc ưa khám phá sâu. Đó là những vấn đề có tính quỹ đạo từ quá khứ, những khác biệt về văn hóa, lối sống… như nền kinh tế dựa trên nền tảng ngoại thương, thiết kế đô thị dung hợp nhiều nền văn hoá, lịch sử đô thị trẻ, ít có quy định về sử dụng không gian công cộng, cư dân phóng khoáng giao tiếp mở rộng…
Gắn kết thay vì ngăn cách
Quản lý vỉa hè luôn là một vấn đề đau đầu tại các đô thị lớn. Câu chuyện này ở Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh cũng như vậy nhất là khi cuốn sách này mang đến những phân tích nhiều mặt đối với các chính sách liên quan quản lý, sử dụng vỉa hè.
Điểm thú vị là GS Annette M.Kim sử dụng bản đồ để mô tả đời sống không gian vật chất và xã hội rất sinh động này. Bà cũng chia sẻ về phương pháp nghiên cứu dân tộc ký không gian dựa trên năng lực cảm nhận “đô thị học đời thường” mà đích đến là không bỏ qua những nơi, những người dễ bị bỏ sót, và không chỉ quan sát mà còn nhập cuộc.
Có thể nói, tác giả bằng sự nghiên cứu công phu của mình, luôn mong muốn mang đến sự hiểu biết đầy đủ hơn, thấu đáo hơn về đời sống vỉa hè – một thực thể không thể phủ nhận ở Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, Việt Nam nói chung.
Từ sự thấu hiểu, phương pháp tiếp cận này, tác giả và nhóm nghiên cứu đã đưa ra những giải pháp cụ thể với chính quyền thành phố, các công ty du lịch cho một sự gắn kết trong đời sống không gian vỉa hè, đời sống đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, thúc đẩy kinh tế du lịch, thay vì sự ngăn cách.
Đó là tạo ra một tuyến đường dọc theo vỉa hè kết nối khách du lịch quốc tế với sự hấp dẫn văn hóa vỉa hè, với người Việt Nam dựa trên nghiên cứu về sự quan tâm của khách du lịch chứ không phải phỏng đoán. “Cách tiếp cận này đòi hỏi một thay đổi quan điểm quy hoạch thành phố của Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó hệ thống vỉa hè với mục đích sử dụng hỗn hợp sẽ được chấp nhận: không gian cho người bán hàng, thư giãn-giải trí và khách bộ hành.”
Thú vị hơn, bên cạnh thảo luận chính sách với cơ quan nhà nước, nhóm nghiên cứu đưa ra các hình thức nghệ thuật nhằm thảo luận với công chúng về câu chuyện này. Một cuộc triển lãm kết hợp trình diễn nghệ thuật sắp đặt đã diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh từ nhiều năm trước, thu hút sự quan tâm của công chúng.
Có thể nói, tác giả bằng sự nghiên cứu công phu của mình, luôn mong muốn mang đến sự hiểu biết đầy đủ hơn, thấu đáo hơn về đời sống vỉa hè – một thực thể không thể phủ nhận ở Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, Việt Nam nói chung.
Bà viết: “…với mỗi người nghe (nhà nước, công chúng và cộng đồng quốc tế) đều định hình cho những gì đang diễn ra trên vỉa hè thành phố của chúng ta. Đó là lý do tại sao tôi xuất bản cuốn sách này, một phiên bản tiếng Việt công trình nghiên cứu của tôi dành cho bạn đọc Việt Nam… Tôi hy vọng cuốn sách này sẽ là món quà dành cho bất kỳ người Việt nào muốn nhìn nhận lại giá trị của những vỉa hè Sài Gòn tuyệt đẹp”.
Leave a Reply