Nguyễn Thị Hoàng là một trong “tứ cô nương” của văn học miền Nam trước 1975 cùng với Nguyễn Thị Thụy Vũ (1937), Túy Hồng (1938 – 2020), Nhã Ca (1939). Bà sinh năm 1939 tại Huế (quê gốc Quảng Trị), hiện sống tại TP. Hồ Chí Minh. Trong sự nghiệp của mình bà đã xuất bản hơn ba chục tác phẩm gồm tiểu thuyết, tập truyện ngắn, thơ. Cuốn tiểu thuyết “Vòng tay học trò” là tác phẩm đầu tiên đưa lại danh tiếng cho bà trên văn đàn. Tác phẩm này in lần đầu tại Sài Gòn năm 1966, sau khi đã đăng nhiều kỳ trên tạp chí “Bách Khoa” dưới bút danh Hoàng Đông Phương. Cuốn sách ra đời được đón nhận với số lượng lần đầu tiên 5000 bản, sau đó được in lại nhiều lần. Truyện kể trong sách là một chuyện tình lãng mạn êm ái diễn ra trong khung cảnh Đà Lạt mộng mơ được viết bằng một giọng văn dịu dàng mềm mại. Nhưng cũng chính câu chuyện tình đó lại đã gây tranh cãi trong dư luận độc giả miền Nam thời bấy giờ vì đấy là một cuộc tình ngang trái – cô giáo Trâm yêu cậu học trò Minh, đúng như tên gọi cuốn sách. Ở miền Bắc cùng thời gian đó “Vòng tay học trò” hầu như không ai đọc được (cố nhiên!), nhưng nó lại bị phê phán dữ dội trong một số bài viết của những người được phân công theo dõi văn học công khai ở miền Nam. Nhờ đó, trớ trêu thay, một thời gian dài bốn tiếng “vòng tay học trò” trở nên vừa cấm kị vừa quen thuộc. Cho đến năm 1992 nhạc sĩ An Thuyên sáng tác bài hát “Huế thương” thì cụm từ đó đã vào rất ngọt trong ca từ một cách tự nhiên ai cũng hát mà không thấy gợn gì. Không biết khi viết đến đoạn lời “sông Hương tấp nập, làm răng được chừ, không nguôi kỷ niệm, vòng tay học trò” nhạc sĩ An Thuyên có gửi gắm điều gì cho ý nguyện thống nhất văn học nước nhà không. Và đến nay, sau 55 năm in lần đầu, tiểu thuyết “Vòng tay học trò” của Nguyễn Thị Hoàng được in lại thêm một lần nữa, lần này là trên phạm vi cả nước. Cùng in lại đợt này với cuốn sách đình đám một thời đó còn có bốn cuốn khác của cùng tác giả: “Một ngày rồi thôi”, “Cuộc tình trong ngục thất”, “Tuần trăng mật màu xanh”, “Tiếng chuông gọi người tình trở về”. Đây là nói sự in lại những tác phẩm cũ. Còn như nói sự xuất hiện trở lại của cái tên Nguyễn Thị Hoàng trên văn đàn sau 1975 thì bà đã tái xuất năm 1990 với cuốn sách “Nhật ký của im lặng” (Nhà xuất bản Đồng Nai).
VÒNG TAY HỌC TRÒ
Tác giả: Nguyễn Thị Hoàng
Nhã Nam & Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2021
Số trang: 434 (khổ 14×20,5cm)
Số lượng: 4333
Giá bán: 165.000
Sự in lại sách của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng đã dấy lại và đẩy tới cuộc bàn luận về sự thống nhất của văn học Việt Nam thời kỳ 1954 – 1975. Tôi nói “dấy lại” vì văn học ở nửa nước phía Nam thời kỳ này cho đến nay vẫn chưa được nghiên cứu và đánh giá khách quan trong sự tồn tại lịch sử của nó. Sau 1975 bộ phận văn học đó bị gọi chung là “văn học thực dân mới Mỹ ở miền Nam” với tính chất chung là đồi trụy, phản động. Đã có những cuộc thu gom sách và đốt sách đối với tất cả những xuất bản phẩm đủ loại bị coi là của “chế độ cũ” đó. Việc cho phép xuất bản lại các sách của khu vực này là vô cùng khó khăn. Sách khảo cứu, nghiên cứu đã khó. Sách sáng tác càng khó hơn nhiều. Nhưng tình hình gần đây đã có chuyển biến bước đầu theo hướng tích cực. Một số tác giả miền Nam đã đồng ý cho in và được in lại sách của họ tại Việt Nam. Về văn chương, trước Nguyễn Thị Hoàng, đã có Dương Nghiễm Mậu (Đôi mắt trên trời, Cũng đành, Nhan sắc, Tiếng sáo người em út, 2007) Võ Phiến (Tạp văn, Quê hương tôi, 2012), Nguyễn Thị Thụy Vũ (Lao vào lửa, Mèo đêm, Chiều mênh mông; Khung rêu, Nhang tàn thắp khuya, Thú hoang, Chiều xuống êm đềm, Như thiên đường lạnh, Ngọn pháo bông, Cho trận gió kinh thiên, 2017) – chỉ để kể ba tên tuổi nổi bật gần đây. Dẫu khi sách của Võ Phiến (in với tên tác giả là Tràng Thiên) và Dương Nghiễm Mậu (in với đúng bút danh quen thuộc) tái bản vẫn có những ý kiến phản bác, phê phán, nhưng dư luận chung là đồng tình và đón nhận. Và sự thực là những tác phẩm in lại của hai nhà văn này cũng như của một số tác giả miền Nam khác đã nhập vào đời sống văn học chung một cách bình thường. Năm tác phẩm in lại của Nguyễn Thị Hoàng là tiếp tục sự vận động đó của một đời sống văn học bình thường và của một lịch sử văn học bình thường như vốn phải thế.
Liên quan đến việc này có vấn đề tên gọi. Khu vực văn học miền Nam (1954 – 1975) nên gọi tên thế nào? Gọi như cách đã được dùng ở miền Bắc từ trước 1975 là “Văn học đô thị miền Nam” thì nay thấy không ổn. Gọi tên theo chính thể là “Văn học Việt Nam Cộng Hòa” thì còn phân vân. Gọi theo vùng địa lý thời chia cắt đất nước như tôi vừa viết thì có vẻ lại phân chia hai miền. Đó mới là cách gọi tên bộ phận văn học nửa nước phía Nam trước 1975. Còn tên gọi cho hiện tượng in lại sách của các tác giả bộ phận văn học đó nữa. Đấy có phải là sự “trở lại” văn học Việt Nam của văn học miền Nam? Chính nhà văn Nguyễn Thị Hoàng trong cuộc tọa đàm ở Đại học Văn hóa Hà Nội nhân dịp ra mắt sách (19/4/2021) đã không đồng ý với cách gọi đó. Bà không nghĩ là mình “trở lại” mà là “trở về”, vì mình vẫn ở đây, trên đất nước mình và trong lòng dân tộc mình. Và để văn học Bắc Nam thời kỳ 1954 – 1975 hợp nhất, thống nhất trong một nền văn học Việt Nam chung, bà đề nghị: “Tất cả chúng ta hình như đã nhìn xuống mà không chịu nhìn lên. Nhìn xuống thì chỉ thấy lằn ranh và rào cản, nhìn lên thì mới thấy chỉ có không khí bao la, không còn giao tranh, rào cản, chúng ta hợp nhất trên điểm tận cùng. Những người còn sống phải cùng nhau làm điều gì đó nối truyền cho những đời sau, để quá khứ không bị nhìn sai lạc, nếu không chúng ta rất có lỗi với con cháu.” (theo lời ghi của Thiên Điểu, báo Tuổi Trẻ, 20/4/2021). Trước sự phân vân băn khoăn về hai chữ “trở lại” này mà tại cuộc tọa đàm đó tôi đã nói là gọi “trở lại” hay “trở về” chúng ta còn bàn tiếp, nhưng có một điều chắc chắn đây là sự in lại tác phẩm của các tác giả miền Nam trước 1975. Cứ in lại đã cho những thế hệ bạn đọc mới được biết, được đọc, rồi sau các nhà nghiên cứu sẽ đưa ra sự phân định, đánh giá của mình, từ đó bộ văn học sử Việt Nam thời kỳ này ngõ hầu mới được viết khách quan, khoa học. Điều này tôi đã nói gần ba mươi năm trước.
Năm 1994 trong bài viết “Thơ Việt miền Nam (1954 – 1975)” tôi đã viết: “Trước hết xin giới thuyết về khái niệm được lấy làm tựa đề cho bài này. Khi nói “Thơ Việt miền Nam” là đã hàm ý phân biệt với “Thơ Việt miền Bắc”. Thực tế có vậy. Hoàn cảnh lịch sử thời kỳ 1954 – 1975 chia cắt đất nước ta thành hai miền Bắc – Nam với hai chế độ chính trị – xã hội khác nhau, từ đó hai miền cũng có hai nền văn học khác nhau. Trong hai thập niên ấy văn học mỗi miền có một đội ngũ tác giả, một công chúng văn học, một khối lượng tác phẩm riêng của mình, không giao lưu tác động tới nhau. Do vậy mọi sự nhìn nhận văn học Việt Nam đứng từ một bên đều không tránh khỏi phiến diện và chủ quan. Nhìn trong tiến trình lịch sử văn học Việt Nam thế kỷ XX thì đây là thời kỳ phân dòng, mỗi dòng có hướng chảy riêng nhưng đều có đóng góp ở mức độ khác nhau mặt này hay mặt kia cho nền văn học dân tộc chung của nướ nhà. Sau 1975, khi đất nước thống nhất, cả nước chung một nền văn học xã hội chủ nghĩa. Nhưng cái chung này phải được nhận thức là không chỉ kết quả trên quá trình văn học của một miền trước đó, cụ thể là miền Bắc. Theo quy luật vận động nội tại của văn học, mọi nhận định, đánh giá về sự phát triển của văn học Việt Nam từ 1945 đến nay, nhất là trong hai chục năm chiến tranh, không thể không khảo sát kinh nghiệm và kết quả của khu vực văn học miền Nam. Đó là yêu cầu khoa học và cũng là yêu cầu đạo đức.”
Năm 1995 trong bài viết “Hình dung một bức tranh hoàn chỉnh về văn học dân tộc” tôi lại viết: “Từ trước đến nay khi nói “Văn học Việt Nam” chúng ta thường quen mặc nhiên cho đó là văn học cách mạng, văn học ở miền Bắc. Nếp tư duy này là do hoàn cảnh lịch sử bó buộc. Thêm vào đó cái cách đo văn học theo hệ quy chiếu chính trị – xã hội chứ không phải theo hệ quy chiếu thẩm mỹ – văn học càng đẩy tới sự phiến diện. Cho đến khi hoàn cảnh lịch sử tạo ra nếp tư duy đó đã thay đổi, chúng ta vẫn chưa thay đổi cái nhìn lịch sử văn học Việt Nam, tiến trình văn học là đơn nhất mà lẽ ra là đa hợp. Cả thực tế lịch sử lẫn thực tế văn học đều cho thấy phải hiểu một nền văn học dân tộc Việt Nam đầy đủ trong thế kỷ này là sự hợp thành, sự tổng hợp của nhiều bộ phận văn học khác nhau. Không thể lấy một bộ phận nào để làm thành tổng thể, như thế sẽ là phi lịch sử, phi khoa học, và tự cắt xén, làm nghèo nàn mình.”
Ba mươi năm chưa lâu nhưng cũng không ngắn cho những việc cần làm. Với văn học miền Nam (1954 – 1975) sự đưa nó trở lại quỹ đạo văn học cả nước đã có chuyển động, tuy thế vẫn là chậm. Quá trình này hẳn vẫn còn dài lâu nhưng là tất yếu. Tuy vậy, bây giờ bạn hãy cứ tự do đọc những tác phẩm đã được in lại của các tác giả miền Nam trước 1975 để biết thêm những tác giả khác, những cách viết khác, những giá trị khác. Họ đã về lại trong vòng tay văn học dân tộc như là không thể khác. Như trong trường hợp này là 5 cuốn sách in lại của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng mà những người làm sách mong mỏi bạn đọc sẽ “có thể dò tìm được mạch ngầm tư tưởng của tác giả, và, trên hết thảy, thấy lại chút chứng tích tâm thức của một thời đại đã qua.”
Dân Việt
Leave a Reply