‘Fỉnh fờ lũ ngốc’ bóc trần thủ đoạn lừa gạt, thao túng thị trường

‘Fỉnh fờ lũ ngốc’ bóc trần thủ đoạn lừa gạt, thao túng thị trường

Sách của tác giả đạt cho rằng để thu được lợi nhuận, những người bán hàng khai thác điểm yếu , sự thiếu hiểu biết của chúng ta qua những trò lừa gạt hệ thống.

Hệ thống kinh tế đầy rẫy thủ đoạn. Nhưng vấn đề không phải hệ thống kinh tế của chúng ta toàn là người xấu, cũng không phải vì các doanh nhân đều ích kỷ và tư lợi. Đa số mọi người đều chơi đúng luật và chỉ đang cố gắng có một cuộc sống tốt.

Nhưng áp lực cạnh tranh buộc các doanh nhân phải tìm cách lừa đảo và thao túng trên thị trường tự do, khiến chúng ta mua sắm và chi quá nhiều cho những sản phẩm mà chúng ta không cần; làm những công việc mang lại cho chúng ta rất ít cảm giác về mục đích; rồi tự hỏi vì sao đời ta lại trôi qua vô ích thế.

Finh fo lu ngoc anh 1
Sách Fỉnh fờ lũ ngốc bản tiếng Việt.

Thị trường vừa có ích vừa có hại

Fỉnh fờ lũ ngốc là công trình nghiên cứu của hai nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel George Akerlof và Robert J. Shiller. Nó là một tác phẩm phê bình những võ đoán của thị trường tự do thông qua một phân tích về cách các thị trường sử dụng những mánh khóe để lừa phỉnh chúng ta. Cách dịch “fỉnh fờ” cố bám sát chơi chữ với ph/f trong tên gốc Phishing for phools (chơi chữ của fools)

Tuy là sách kinh tế học, nhưng đây là một cuốn sách dễ tiếp cận với nhiều câu chuyện về những người hùng đã dám thực hiện nước đi dũng cảm để chống lại các thị trường thao túng và lừa bịp.

Từ sau Adam Smith với tư tưởng “bàn tay vô hình”, trọng tâm của các bài giảng kinh tế là thị trường tự do mang lại cho chúng ta sự thoải mái về vật chất. Điều này có nghĩa một khi nền kinh tế đạt đến trạng thái cân bằng, chúng ta sẽ không thể cải thiện phúc lợi kinh tế cho mọi người. Bất kỳ sự can thiệp nào đều sẽ khiến ai đó chịu tổn thất.

Tất nhiên, lý thuyết này thừa nhận một số yếu tố có thể phá hỏng một trạng thái cân bằng như thế của các thị trường tự do. Những yếu tố đó bao gồm các hoạt động kinh tế của mỗi cá nhân gây ảnh hưởng trực tiếp đến cá nhân khác (còn gọi là “ngoại tác”); chúng cũng bao gồm cả những phân phối thu nhập không công bằng.

Chính vì thế, các nhà kinh tế học thường tin rằng với riêng hai yếu tố gây hại đó, chỉ có kẻ ngốc mới can thiệp vào guồng máy của thị trường tự do.

Khi có các thị trường hoàn toàn tự do, chúng ta không chỉ tự do lựa chọn, mà còn tự do lừa gạt.

Thế nhưng kết luận trên lại lờ đi những quan điểm vốn là trọng tâm của cuốn sách này. Khi có các thị trường hoàn toàn tự do, chúng ta không chỉ tự do lựa chọn, mà còn tự do lừa gạt.

Và vì thế, trong cuốn sách này, hai tác giả sẽ mang đến một thách thức nền tảng đối với quan điểm trên, với lý luận rằng thị trường vừa có ích vừa có hại cho chúng ta.

Chừng nào còn có thể thu được lợi nhuận, những người bán hàng sẽ còn khai thác những điểm yếu tâm lý và sự thiếu hiểu biết của chúng ta một cách có hệ thống thông qua những trò thao túng và lừa gạt.

Thay vì căn bản là tốt đẹp và luôn tạo ra những điều tốt đẹp hơn, các thị trường gắn bó cố hữu với những mánh khóe cùng những chiếc bẫy giăng sẵn để lừa chúng ta như những con lừa.

Finh fo lu ngoc anh 2
George Akerlof – một trong hai tác giả cuốn sách. Ảnh: Economicthinking.

Lợi dụng điểm yếu của người tiêu dùng để phỉnh, gạt

Fỉnh fờ lũ ngốc do đó đã gợi ra một hướng đi mới trong kinh tế học dựa trên ý tưởng rằng các thị trường vừa trao tặng vừa lấy đi. Hai nhà kinh tế học đưa ý tưởng đó vào trong cuộc sống thường ngày của chúng ta để chỉ cho ta thấy sự lừa phỉnh của thị trường ảnh hưởng tới mọi bước đi trong đời sống của chúng ta ra sao.

Chúng ta chi tiêu tới hạn rồi sau đó đến cuối tháng lo lắng tìm cách thanh toán các hóa đơn. Chúng ta bị thu hút bởi các quảng cáo nhiều hơn những gì chúng ta nghĩ.

Hệ thống quản lý xã hội của chúng ta bị bóp méo bởi tiền. Chúng ta trả quá nhiều tiền cho các thẻ thành viên phòng tập gym, cho xe cộ, nhà cửa và thẻ tín dụng. Các công ty dược khéo léo tiếp thị và chào bán cho chúng ta những loại dược phẩm chẳng tốt cho chúng ta chút nào, và đôi khi thậm chí còn gây hại.

Cuốn sách khám phá vai trò trung tâm của thao túng và lừa phỉnh một cách chi tiết đến thú vị trong rất nhiều lĩnh vực, từ quảng cáo; bán xe hơi, nhà cửa, thẻ tín dụng với giá cao; những trò lừa phỉnh trong chính trị; thực phẩm, dược phẩm; thuốc lá và rượu bia; đến trái phiếu rác…

Từ đó giải thích một nghịch lý: Tại sao, khi chúng ta đang ở giai đoạn tốt đẹp hơn bao giờ hết trong , lại quá nhiều người trong chúng ta sống một cuộc đời tuyệt vọng không nói nên lời.

Theo hai tác giả, đó là bởi các tập đoàn lớn đã lợi dụng “những câu chuyện mà ta tự kể cho chính mình” và thị hiếu “con khỉ ngồi trên vai” (những lựa chọn không có lợi cho bản thân) của chúng ta. Thiên hướng đưa ra các lựa chọn dựa trên thiên kiến nhận thức và thiên kiến tâm lý khiến chúng ta dễ dàng trở thành con mồi cho những kẻ đi câu.

Finh fo lu ngoc anh 3
Robert Shiller – một trong hai tác giả, người đoạt giải Nobel kinh tế năm 2013. Ảnh: leighbureaultd.

Như chính các tác giả đã viết: “Thị trường tự do không chỉ mang đến sự phong phú mà mọi người ao ước. Chúng còn tạo nên thế cân bằng kinh tế cực kỳ phù hợp với những doanh nghiệp chuyên thao túng hoặc bóp méo phán đoán của chúng ta, vận dụng các phương thức giống như cách bệnh ung thư tạo ra chỗ trú ngụ trong thế cân bằng bình thường ở cơ thể người…

Chừng nào chúng ta còn có điểm yếu là không biết mình thật sự muốn gì, và chừng nào điểm yếu đó còn có thể tạo ra và châm ngòi cho lợi nhuận, thì các thị trường sẽ chớp thời cơ lợi dụng những điểm yếu đó. Chúng sẽ soi kỹ và lợi dụng chúng ta. Chúng sẽ fỉnh fờ ta như lũ ngốc”.

Dựa trên rất nhiều nghiên cứu, các phân tích với các số liệu thống kê đầy đủ, hai tác giả đưa người đọc đi từ những trò phỉnh này tới những trò phỉnh khác, mà chúng ta, “những con cá ngáo”, sẽ rất dễ dàng dính mắc vào mồi câu của những kẻ thả mồi.

Câu hỏi đặt ra cuối cùng là làm thế nào chúng ta tạo ra được quy định hiệu quả và bền vững, bảo vệ chúng ta khỏi những trò lừa gạt mà không hạn chế sự tự do của chúng ta? Để trả lời được câu hỏi này không dễ, bởi hành vi của con người vô cùng lộn xộn, và các tác giả của chúng ta trong cuốn sách này cũng không đưa ra lời giải cho câu hỏi đó.

Thay vào đó, họ đề xuất rằng chúng ta cần thay đổi sự tập trung của một người, và người đó có thể thay đổi các quyết định mà họ đưa ra.

ZingNews


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *