“Những anh hùng của lịch sử” – Lược sử văn minh từ cổ đại đến buổi bình minh của hiện đại

“Những anh hùng của lịch sử” – Lược sử văn minh từ cổ đại đến buổi bình minh của hiện đại

“Những anh hùng của – Lược sử văn minh từ cổ đại đến buổi bình minh của hiện đại” là một tác phẩm cho thấy rất rõ quan điểm của tác giả Will Durant về việc sử gia phải đồng thời là một triết gia. Durant nỗ lực nghiên cứu, nghiền ngẫm để truy tìm những viễn tượng chứa đựng trong các lịch sử, từ các vấn đề tôn giáo, chính trị tới xã hội.

Trước khi qua đời bốn năm, sử gia, triết gia, nhà văn nổi tiếng người từng được trao giải Pulitzer – Will Durant đã bắt tay vào công trình mà sau đó thực sự là công trình cuối cùng của ông. Đây là phiên bản rút gọn của loạt sách đã được công chúng nhiệt liệt tán dương trước đó: Câu chuyện của các nền văn minh, do chính Durant và người vợ yêu của ông, Ariel viết. Durant đã từng dự kiến rằng ông sẽ hoàn thiện 23 chương cho cuốn sách này, nhưng định mệnh có những kế hoạch khác cho ông. Ông chỉ hoàn thiện được 21 chương. Vợ chồng ông mất cách nhau hai tuần. Câu chuyện tình yêu của họ là một thiên tình sử hiếm có trong giới học thuật.
Công trình đó nay được xuất bản, với tên tiếng Việt là ” Những anh hùng của lịch sử – Lược sử văn minh từ cổ đại đến buổi bình minh của hiện đại”. Sách đã được công ty phát hành và giới thiệu đến độc giả.

Will Durant nhìn con người như một chủng loài mà, khi được truyền đủ cảm hứng, có thể vươn tới sự vĩ đại ở đẳng cấp ngang với cả thần thánh. Bởi vậy, trong cuốn sách này, bạn đọc sẽ gặp rất nhiều kiểu hình tượng anh hùng, anh hùng trên chiến trường, anh hùng chính trị, anh hùng – nghệ thuật, anh hùng triết học và tôn giáo v.v. Họ chính là những người khơi nguồn và giữ lửa văn minh.

Durant không hướng tới tạo dựng một thứ gọi là “lịch sử toàn bộ”, không biến cuốn sách thành bộ sưu tập ngày tháng hay bản tóm lược những điểm quan trọng nhất trong loạt sách kiệt tác trước đó. Sở dĩ ông muốn đưa ra phiên bản này vì ông nhận rõ những biến động của truyền thông đại chúng, khi truyền hình, phát thanh, phim điện ảnh cạnh tranh công chúng với văn chương. Ngay cả trong ngành xuất bản, công chúng cũng không còn cảm thấy muốn dành thời gian nhiều cho những cuốn sách dày, họ xem việc đọc chúng như một nhiệm vụ hơn là những giây phút thư thái.

Theo Durant, văn minh là một trạng thái ổn định về trật tự xã hội tạo điều kiện cho sự kiến tạo về văn hóa. Tiền bạc là gốc rễ của tất cả các nền văn minh. Lấy ví dụ như thời Phục hưng với các tên tuổi như Leonardo, Raphael, Michelanglo. Thời đại này đã đòi hỏi không chỉ việc hồi sinh những giá trị của văn minh cổ đại. Trước tiên, nó cần đến tiền bạc của giai cấp trung lưu trưởng giả: lợi nhuận từ những người quản lý điêu luyện và lao động hèn kém; từ những hành trình viễn dương đầy bất trắc tới phương Đông, và những chuyến đi gian khổ để vượt qua dãy Alps, để mua rẻ và bán đắt; từ những khoản tính toán, đầu tư, và cho vay cẩn trọng; từ lợi nhuận và cổ tức tích lũy cho đến khi có thể tạo ra đủ giá trị thặng dư, để rồi trả công cho Michelangelo hay Titian để họ chuyển của cải thành cái đẹp, và xức mùi hương của nghệ thuật vào cả một đống tiền.

Durant suy ngẫm về Ấn Độ dưới thời Mohandas Gandhi và Indira Gandhi, khi mà các nghiên cứu và sử học, cùng sự tiếp xúc của Ấn Độ với chủ nghĩa hoài nghi và thái độ dễ dãi của châu Âu và Mỹ, đã bào mòn những tín ngưỡng và quy chuẩn luân lý của đất nước này, và nước Ấn Độ mới khi ấy có đời sống , chính trị, và xã hội rất hỗn loạn, với lao động chất lượng kém, hệ thống hành chính thối nát, và sự mục ruỗng về xã hội.

Ông đưa ra vấn đề Cải cách Giáo hội mà gương mặt tiêu biểu không thể không nhắc đến là Luther. Sự suy yếu của ngôi giáo hoàng do sự kiện Giáo hoàng phải lưu đày tới Avignon và tình trạng Ly giáo Giáo hoàng; sự sụp đổ của kỷ cương trong giới tu sĩ và nguyên tắc không kết hôn của giới tăng lữ; sự xa hoa của các giám mục, sự mục ruỗng của Giáo triều Rome, những hành động phàm tục của các giáo hoàng; việc dịch và giải nghĩa Kinh Thánh; những sự tương phản mới được nhận ra giữa đời sống nghèo khổ và đơn giản của các Tông đồ và sự giàu có kiểu cách của Giáo hội; yêu cầu có tính thần bí về một tôn giáo ít câu nệ nghi thức hơn, riêng tư hơn, hướng vào bên trong hơn, và thẳng thắn hơn v.v – tất cả những yếu tố này giờ đây hợp thành dòng nước lũ mà trong tương lai sẽ làm vỡ lớp vỏ bọc trơ tráo của phong tục Trung cổ, nới lỏng tất cả các tiêu chuẩn và mối ràng buộc, khiến châu Âu vỡ vụn thành nhiều quốc gia và giáo phái, quét đi ngày càng nhiều những tiện nghi và nền móng chống đỡ cho những đức tin truyền thống – và có lẽ sẽ đánh dấu khởi đầu của phần kết cho sự thống trị của Cơ Đốc giáo trong đời sống tinh thần và luân lý của con người Tây Âu.
“Những anh hùng của lịch sử” - Lược sử văn minh từ cổ đại đến buổi bình minh của hiện đại ảnh 1
Theo sau một giai đoạn của sự tự do đa thần là một thời kỳ của sự kiềm chế khổ hạnh và kỷ cương về luân lý. Vì thế, sự chìm đắm trong đê mê bất cần của nước Anh thời Elizabeth đã mở đường cho sự thống trị của tư tưởng Thanh giáo dưới thời Cromwell, thứ dẫn đến tư tưởng đa thần của nước Anh dưới thời Charles II. Sự sụp đổ của chính quyền, hôn nhân, và gia đình trong 10 năm của Cách mạng đã kết thúc bằng sự phục hồi của luật pháp, kỷ cương, và thẩm quyền của cha mẹ dưới thời Napoleon I; theo sau tư tưởng đa thần  của Byron và Shelley, và những hành vi phóng đãng của hoàng tử xứ Wales, người đã trở thành George IV, là sự đúng mực trong cách cư xử trên toàn nước Anh thời Victoria. Nhưng nếu lịch sử diễn biến tiếp tục như vậy, các thế hệ sau sẽ trở thành những người khổ hạnh. Durant có một cái nhìn lạc quan khác về vấn đề này, bởi theo ông, lịch sử có những viễn tượng khác, dễ chịu hơn sự xoay chuyển liên tục giữa những thứ thái quá và cái đối nghịch với nó. Trên dòng sông đầy hỗn loạn, ẩn tàng giữa những đau khổ và ngu xuẩn là một “thiên giới” thật sự, trong đó những linh hồn sáng tạo của quá khứ, nhờ có những phép mầu của ký ức và truyền thống, vẫn sống và làm việc, đẽo khắc và xây dựng và ca hát. Ở đó, Khổng Tử vẫn cho người ta một mục tiêu để hướng tới, một cái thang để trèo lên, đó là triết lý: cải tạo bắt đầu từ gia đình, gia tộc. Ở đó, Plato chơi đùa với triết học cùng Socrates, Aristotle cần mẫn làm việc với triết học; Shakespeare ở đó, mỗi ngày lại đem đến những kho báu mới; Nietzsche ở đó, say sưa phát biểu và hé mở những tri thức; Jesus Christ “rất người” ở đó, mời gọi chúng ta tới và chia sẻ những miếng bánh mì của Ngài. Những người này và cả nghìn người khác, và những món quà họ ban tặng, là Di sản Phi thường của chủng loài chúng ta, sợi tơ vàng trong chiếc lưới lịch sử. Đây chính là góc nhìn triết học của sử gia Durant, ông nỗ lực đạt tới một góc nhìn rộng lớn về cuộc sống và hiện thực, nó sẽ quyết định thái độ của chúng ta đối với bất cứ phần nào của hiện thực hoặc cuộc sống. Ông muốn nghiên cứu lịch sử để khám phá xem con người là gì, về sự phát triển những tư tưởng nhất định để nhân loại trở nên tốt hơn, và rằng phán xét cuối cùng về hiệu quả của những tư tưởng này vốn đã được đưa ra bởi tòa án lịch sử. Thay vì dành nhiều giờ cho vấn đề trừu tượng có tính lý thuyết về một vấn đề triết học – ví dụ, của cải tập trung trong tay của số ít có nên được tái phân phối cho quần chúng chiếm số đông hay không, ông đưa ra những ví dụ cụ thể về việc những nguyên tắc như vậy có tạo ra kết quả như mong muốn hay không, hoặc có khiến những thảm họa không được lường trước đến mau hơn hay không. Theo đó, chúng ta không cần nhắm mắt quay lưng trước những xấu xa đang thách thức mình – chúng ta nên lao động với tinh thần kiên định tuyệt đối để tiêu trừ những xấu xa ấy – nhưng chúng ta có thể lấy sức mạnh từ những thành tựu của quá khứ; hào quang chói lọi của những di sản của chúng ta. Qua ngôn từ đầy sức cuốn hút của Durant, chúng ta có thể thấy những viễn tượng triết học, những bài học về di sản được truyền lại vì sự khai trí và lợi ích của các thế hệ tương lai, cũng như có thể hé nhìn vào “một thành phố trên thiên giới”, “đất nước của tâm trí” với một tầm nhĩn vĩ đại, cao quý, bao dung, đầy tình yêu. “Những anh hùng của lịch sử – Lược sử văn minh từ cổ đại đến buổi bình minh của hiện đại” là một tác phẩm cho thấy rất rõ quan điểm của Durant về việc sử gia phải đồng thời là một triết gia. Durant nỗ lực nghiên cứu, nghiền ngẫm để truy tìm những viễn tượng triết học chứa đựng trong các sự kiện lịch sử, từ các vấn đề tôn giáo, chính trị tới xã hội, chẳng hạn như đấu tranh giai cấp và thậm chí cả cuộc tranh cãi có tính thời sự hơn, về tính khả dĩ của việc để người đồng tính làm việc trong quân đội như trong sự kiện Sparta nỗ lực tìm cách thống trị Thebes. Tầm vóc của Will Durant vượt xa hình ảnh một cây viết với những giải thưởng lẫy lừng (ông cũng nhận được Huân chương Tự do, phần thưởng cao quý nhất là chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ có thể trao cho một công dân), ông là một triết gia đấu tranh vì sự minh bạch hơn là vì danh tiếng.

VỀ TÁC GIẢ

Will Durant tên thật là William James Durant (1885-1981), sử gia, triết gia, nhà văn nổi tiếng người Mỹ, từng được trao giải Pulitzer. Ông có ảnh hưởng lớn đến các vấn đề xã hội, chính trị, tư tưởng đương thời cũng như sau này. Ông là tác giả của nhiều đầu sách giá trị, trong số đó phải kể đến tác phẩm được ông viết vào những năm tháng cuối cùng của đời mình: “Những anh hùng của lịch sử – Lược sử văn minh từ cổ đại đến buổi bình minh của hiện đại”. Đây là phiên bản rút gọn của loạt sách đã được công chúng nhiệt liệt tán dương trước đó: Câu chuyện của các nền văn minh, do chính Durant và người vợ yêu của ông, Ariel viết.

Tiền Phong


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *