Nhà thơ Trần Vàng Sao |
Trong 25 bộ sách, cuốn sách được trao giải thưởng Sách Quốc gia 2021 có tập thơ “Bài thơ của một người yêu nước mình” của nhà thơ Trần Vàng Sao. Tập thơ này được xuất bản vào năm 2020, hai năm sau khi nhà thơ Trần Vàng Sao qua đời.
Tập thơ gồm 32 bài thơ, đầy đủ nhất trong số gia tài thơ của nhà thơ Trần Vàng Sao. Trong đó, có những bài đã in trên một số báo và tạp chí, nhiều bài thơ công chúng ít biết đến, được gia đình lưu giữ, như: Đồng chí, Những ngày tôi còn nhỏ ở Vỹ Dạ, Nhớ Ức Trai, Khoảng trống ngoài sân khấu, Mạ ơi, Gọi tìm xác đồng đội, Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình,…
Người tuyển tập toàn bộ những bài thơ này là nhà thơ Nguyễn Khoa Điểm, một người đồng hương với nhà thơ Trần Vàng Sao. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm mong muốn NXB Hội Nhà văn in tập thơ này bởi đó là những bài thơ của một người yêu nước với cuộc đời quá nhiều thăng trầm – nhà thơ Trần Vàng Sao. Đây cũng là tập thơ mang đến cái nhìn thuần nhất cũng như toát lên âm hưởng chủ đạo trong sự nghiệp thơ ca Trần Vàng Sao.
Có những điều đặc biệt về thơ của nhà thơ Trần Vàng Sao chính là giọng thơ của ông đặc sệt giọng Huế. Gần như cái gì trong cuộc sống thường nhật của người dân Huế cũng được ông đưa vào thơ một cách hết sức tự nhiên và cảm xúc.
Nhà thơ Trần Vàng Sao thường viết tiêu đề cho bài thơ bằng chữ thường. Chẳng hạn như: bài thơ của một người yêu nước mình; người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình; trong cơn sốt đưa chị Miên về Đông Xuyên; đưa vợ đi đẻ…
Đọc thơ Trần Vàng Sao, độc giả sẽ cảm nhận được người và thơ như vịn vào nhau, có những bài người và thơ trở thành nguồn sống duy nhất nuôi nhau. Tất cả những nét khác biệt ấy làm nên cá tính sáng tạo, bản sắc, phong cách thơ Trần Vàng Sao.
Trong lời đề tựa tập thơ “Bài thơ của một người yêu nước mình”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết: “Thơ của Trần Vàng Sao là chính cuộc đời ông. Tôi luôn mang cảm giác ông không hề theo bất cứ một trường phái nào, không dùng bất cứ một kỹ thuật hay phép tu từ nào…
Thơ ông hiện ra như chính áo quần ông, tóc tai ông, hơi thở ông, ánh mắt ông, giọng nói ông, cảm giác ông, mồ hôi ông, đau ốm ông, giận dữ ông, dày vò ông, tuyệt vọng ông, khát vọng ông….Và nhịp đập trái tim ông là thứ kỳ diệu nhất gắn kết toàn bộ những gì thuộc về ông để vang lên thành thi ca. Bởi thế, thơ ông chân thực và mãnh liệt như máu chảy trong huyết quản ông”.
Tập thơ “Bài thơ của một người yêu nước mình” |
Nhà thơ Mai Văn Hoan cũng nhận định: “Trần Vàng Sao làm thơ chủ yếu theo điệu nói. Có cảm giác như ông nói thành thơ chứ không phải viết ra thơ. Giọng thơ ông đặc sệt giọng Huế. Gần như cái gì trong cuộc sống thường nhật của người dân Huế cũng được ông đưa vào thơ một cách hết sức tự nhiên. Ông đặt tiêu đề cho các bài thơ cũng không giống ai.
Hình thức trình bày các bài thơ cũng không giống bất kỳ tác giả đương đại nào. Chỉ trừ tên riêng, tên địa danh là ông viết hoa, còn thì chữ đầu của tiêu đề, chữ đầu mỗi đoạn ông đều viết thường. Cả bài tuyệt không hề có bất cứ dấu chấm, dấu phẩy, dấu hỏi, dấu chấm than, dấu ba chấm, dấu ngoặc đơn ngoặc kép nào. Tất cả những nét khác biệt ấy làm nên cá tính sáng tạo, bản sắc, phong cách thơ Trần Vàng Sao”.
Hơn 200 trang thơ của “Bài thơ của một người yêu nước mình” đã gói tương đối đầy đủ về chân dung của một thi sĩ đất Huế. Chính nhà thơ Trần Vàng Sao đã vẽ lại cuộc đời của mình, vẽ lại thế giới xung quanh mình với một màu sắc lạ lùng, khó tả và cũng đầy xúc cảm.
“Xin cám ơn một cách sâu sắc những thành viên của Ban giám khảo các cấp. Họ đã làm việc một cách công tâm nhất và vì những tác phẩm văn chương thực sự. Họ là những người yêu nước cũng như Trần Vàng Sao đã yêu nước”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ về giải B của nhà thơ Trần Vàng Sao.
Nhà thơ Trần Vàng Sao, tên thật là Nguyễn Đính, sinh năm 1941 ở thôn Vỹ Dạ, Huế. Ông từng tham gia phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên. Từ năm 1965-1970, ông lên chiến khu công tác tại Ban Tuyên huấn Thành ủy Huế và bắt đầu nổi tiếng với “bài thơ của một người yêu nước mình”.
Từ năm 1970-1975, ông ra miền Bắc an dưỡng. Sau khi đất nước thống nhất (1975), Trần Vàng Sao trở về quê, công tác tại Phòng Văn hóa thành phố Huế, rồi làm chân giao liên của xã Hương Lưu (nay là phường Vỹ Dạ) cho đến khi nghỉ hưu năm 1984. Ông mất ngày 9-5-2018 tại thành phố Huế. |
Leave a Reply