Một quản gia chuyên nghiệp, cúc cung tận tụy để rồi cuối đời nhận ra mình chẳng có gì hơn những hoài niệm xưa cũ.
Kazuo Ishiguro là một tiểu thuyết gia, nhà biên kịch, nhà văn người Anh gốc Nhật Bản, người đoạt giải thưởng Nobel Văn học năm 2017. Bạn đọc Việt được thưởng thức một số tác phẩm của ông như: Mãi đừng xa tôi, Dạ khúc, Cảnh đồi mờ xám, Người khổng lồ ngủ quên.
Tàn ngày để lại là một tiểu thuyết quan trọng của ông. Tác phẩm vừa đến tay độc giả qua bản dịch của An Lý, Nhã Nam và NXB Văn học phát hành.
Người quản gia chuyên nghiệp
Năm 1958, một người đàn ông lớn tuổi trên chiếc xe sang trọng rong ruổi rên khắp mọi miền của nước Anh xinh đẹp. Tên ông là Stevens, một quản gia trứ danh của Dinh Darlington, tự hào vì thâm niên trong nghề và tinh thần phụng sự chủ nhân tối cao.
Hành trình của Stevens là tới thăm một người bạn cũ, cô Kenton, nội quản của Dinh Darlington năm xưa. Ông đến với mục đích vấn an cố nhân, đồng thời mời bà về cùng hợp tác với ông một lần nữa.
Qua mỗi nơi, Stevens lại hồi tưởng về những ngày xưa vang bóng, khi Dinh Darlington tiếp đón toàn nguyên thủ quốc gia, có vẻ như tương lai của nước Anh hay toàn cõi châu Âu đều được quyết định tại đây.
Nhưng dần dần, Stevens nhận ra, những suy nghĩ tuyệt đẹp nhất về ông chủ của Dinh Darlington có vẻ không hoàn hảo như ông nghĩ, ông đã tự ảo tưởng về một thực tế có phần kém dễ chịu xung quanh ông.
Phần lớn câu chuyện trong Tàn ngày để lại là từng mảng ký ức rời rạc của Stevens, những suy luận thực tế qua lăng kính của một người đàn ông có chút ích kỉ, tham công tiếc việc và đầu óc duy tâm.
Ngài Darlington là một quý ông thực thụ, hào sảng và luôn đối tốt với những người xung quanh. Tuy nhiên ông Darlington lại có thiện cảm với người Đức, trong những năm trước Thế chiến thứ hai và hy vọng mang lại nền hòa bình trên cơ sở cùng nhau phát triển giữa Anh quốc và Đức quốc xã.
Darlington không phải là kẻ xấu xa, nhưng ông bị phỉnh phờ bởi những lời như rót mật vào tai về một tương lai hứa hẹn mà người Đức sẽ dành cho ông. Ông dễ dàng bị thuyết phục bởi những kẻ thường xuyên viếng thăm dinh thự, những kẻ có cảm tình với Đức quốc xã và bài Do Thái.
Darlington dấn sâu vào sự nghiệp ủng hộ bằng cách tổ chức các hội nghị quốc tế, những cuộc gặp mặt của những kẻ thân Đức ngay tại dinh thự, khiến cho Dinh Darlington bị xem là hang ổ của những kẻ phản bội. Stevens cũng không tránh khỏi liên can.
Nhưng thay vì khuyên nhủ ông chủ, Stevens – con người luôn coi phẩm cách của một quản gia được đánh giá qua sự trung thành – lại không hề muốn tham gia vào quyết định của ngài Darlington.
Việc của quản gia là chuyên tâm phụng sự ông chủ kể cả khi những kẻ vẫn thường lui tới Dinh Darlington nhạo báng, coi khinh ông thế nào đi nữa.
Hoài niệm xưa cũ từ một ngày tàn
Mâu thuẫn chính trị đến cao trào khiến Dinh Darlington bắt đầu rệu rã, bộ máy quản lý cũng chớm ngưỡng khủng hoảng. Bắt đầu bằng việc nội quản, cô Kenton, một con người hoàn hảo đã gắn bó nhiều năm, quyết định nghỉ việc.
Điều gì đã khiến cho bà Kenton muốn rời xa Dinh Darlington? Mối quan hệ giữa bà Kenton và ông Stevens nhìn qua thì tưởng là địch thủ, họ luôn có những xung đột trong suy nghĩ, trong cung cách làm việc.
Stevens là con người luôn đề cao phẩm cách. Đó là thứ trở đi trở lại trong suốt tác phẩm, định hình nên tính cách của Stevens, cúc cung tận tụy, phục tùng mệnh lệnh tuyệt đối với chủ nhân. Chỉ khi ở một mình, tháo bỏ bộ đồng phục trên người, người quản gia trứ danh mới chịu bỏ lớp mặt nạ vẫn luôn thường trực trên mặt.
Vậy nên, những cảm xúc không phù hợp với công việc đều bị gạt bỏ. Ông không kề cận bên cha trong giây phút lâm chung. Người cha già, cũng đã sống cả cuộc đời tận tụy với nghiệp quản gia, trước khi từ giã cõi đời, chẳng một ai bên cạnh. Lúc này, cha ông mới thảng thốt nhìn lại, mình thật cô độc, và Stevens, con ông sau này cũng sẽ sống trong cô độc như vậy.
Phong cách lạnh lùng, cẩn trọng trong ngôn từ của Stevens được thể hiện rõ ràng qua từng trang hồi ký của Tàn ngày để lại. Ông ngại ngùng đưa ra lời an ủi khi dì của bà Kenton qua đời, cũng không níu giữ bà ở lại khi bà Kenton, sau cả nghìn lần ẩn dụ về tình cảm của mình, đã quá mệt mỏi và muốn buông xuôi, tự đưa chân vào một cuộc hôn nhân vội vã.
Hình ảnh bà Kenton khi thông báo cho Stevens biết mình sắp rời khỏi Dinh Darlington để kết hôn, ông chỉ lạnh lùng nhắc nhở bà phải hoàn thành công việc rồi khép cửa lẳng lặng rời đi như một con dao sắc lẹm cắt toàn bộ đoạn ái tình mà bà dày công vun đắp.
Ông chỉ tuân theo những quy tắc để trở thành một quý ngài quản gia như ông mong muốn, che giấu đi tình cảm chân thực, chối bỏ người con gái ông yêu. Có lẽ, những phút giây dùng chocolate nóng sau một ngày làm việc vất vả cùng bà Kenton sẽ là kỉ niệm đẹp nhất theo Stevens đến suốt cuộc đời.
Phút cuối, khi để cho tâm hồn lang thang miền viễn du, Stevens bồi hồi nhận ra, ông đã già, chẳng có gì hơn những hoài niệm xưa cũ để lại từ một ngày tàn.
Kazuo Ishiguro, là một trong những tác gia nổi tiếng, từng nhận bốn đề cử của giải Man Booker mà một trong số đó là cuốn Tàn ngày để lại, cuốn sách vinh dự giành giải năm 1989, được chuyển thể thành phim điện ảnh năm 1993 và nhận tới tám đề cử Oscar với sự tham gia diễn xuất của Anthony Hopkins và Emma Thompson.
Tàn ngày để lại cũng tiêu biểu cho tinh thần sáng tác của Kazuo Ishiguro, về ký ức, thời gian và sự tự huyễn hoặc, nỗi niềm hoài niệm về thời quá vãng.
Tờ The Guardian đã xếp Tàn ngày để lại vào danh sách “100 quyển sách mà người ta không thể không đọc” vào năm 2007, đánh dấu “một kiệt tác văn chương thực thụ” được công nhận bởi thư ký thường trực Viện Hàn lâm Thụy Điển.
ZingNews
Leave a Reply