80 năm trước, trong một tác phẩm đầy thách đố của mình, Jorge Louis Borge đã tưởng tượng ra một thư viện trong đó chứa đựng những cuốn sách dày 410 trang, mỗi cuốn sách bao gồm những chỉnh hợp của 23 chữ cái, dấu câu và dấu cách – nghĩa là mọi cuốn sách đã từng có và sẽ có trên đời, về tất cả những gì đã biết và sẽ được biết tới. Nói cách khác, đó không phải là một vũ trụ sách, đó là một vũ trụ. Thư viện là cõi vũ trụ.
Nhà văn người Tây Ban Nha Carlos Ruiz Zafón. Nguồn: NYT.
Cố nhà văn người Tây Ban Nha Carlos Ruiz Zafón nói rằng ông không thấy có lí do chi để Borges (sự uyên bác) không thể trộn cùng với Neil Gaiman (tính giải trí), “chỉ là kể chuyện thôi; những cách khác nhau để sử dụng mật mã và hình ảnh và ngôn từ và tiếng động”. Và vì không có lí do chi để không làm vậy, nên ông liền làm vậy, bằng cách viết Nghĩa trang những cuốn sách bị lãng quên, chuỗi tiểu thuyết bốn tập độc lập tựa một biên niên u huyền về Barcelona, nơi những kẻ mộng mơ sẽ bị kéo về phía một mê cung thư viện bí ẩn để cất giấu những cuốn sách mà không hay đó chỉ là chương đầu cho những ngày thẫm tối. Bộ tiểu thuyết như tòa lâu đài làm bằng thủy tinh giữa một vương quốc bị bỏ quên, lộng lẫy vô cùng và cũng mong manh vô kể, sẵn sàng bốc cháy mọi ngọc ngà thành tro bụi ngay khi đến lúc.
Được đọc những tập tiểu thuyết như thế này luôn là một ân điển, khiến ngay cả một vài đêm không ngủ cũng chỉ là chuyện phù du, ta chấp nhận cái giao kèo mơ hồ đổi lấy vài đêm thức trắng ấy để quăng mình vào một giấc chiêm bao lưu huyết, và ta nhận lại một thứ gì đẹp đẽ – vâng, những cuốn sách của Carlos Ruiz Zafón là minh chứng rằng rốt cuộc vẫn còn một thứ gì dẫu điêu tàn, nhưng đẹp đẽ. Cho nên sẽ quá tham vọng nếu định viết về cả bốn tập sách của ông trong khuôn khổ một bài viết đôi ngàn từ, thay vì thế, hãy chỉ ngẫu nghiên chọn ra một trong số đó, Trò chơi của thiên thần.
David Martín, một nhà văn trẻ trên bờ vực lụn bại nhận được một đề nghị không-thể-từ-chối từ một người đàn ông bí hiểm: một trăm ngàn france đổi lại việc anh sẽ sáng tác một câu chuyện khiến mọi người có thể sống vì nó, chết vì nó, giết chóc vì nó và để mặc cho mình bị giết chóc vì nó, một câu chuyện khiến người ta tin, mơ, dâng hiến, hy sinh, chuộc tội – hay, một tôn giáo mới, một Kinh Thánh mới. Giống như Faust, anh bằng lòng, đâu hay biết mình đã bán linh hồn cho quỷ dữ.
Đó trước hết là một tiểu thuyết noir, lắt léo những ngóc ngách và nấp trong ngóc ngách là những kẻ truy lùng giấu mặt, gợi nhớ về những bộ phim thời kỳ đỉnh cao của Jean-Pierre Melville, tàn nhẫn mà cũng băn khoăn triết lí. Đó tiếp theo là một bảo tàng ngây thơ về Barcelona thế kỷ 20. Cuộc điều tra, rượt đuổi và chạy trốn của David Martín đưa anh xuyên qua thành phố được làm nên từ tội ác và hoài niệm, từ thiên thần và địa ngục, từ tâm hồn si tình đến chết của những cư dân hữu tử và từ những bóng ma bất tử nán lại trong hoang phế, từ những ngôi nhà bị nguyền rủa và những cuốn sách bị vùi quên, từ những ô cửa sổ nhìn ra sương mù và những đại lộ trong hũ nút. Trên tư cách nhà văn của một nơi chốn, Carlos Ruiz Zafón ngang hàng với Paul Auster của New York, Patrick Modiano của Paris hay Orhan Pamuk của Istanbul. Số phận của Barcelona là số phận của ông, say đắm nhưng đồng thời đẫm máu như một cuộc đấu súng trong mơ.
Lúc sinh thời, Carlos Ruiz Zafón nhận được rất nhiều lời đề nghị để chuyển thể các tác phẩm của ông thành phim, nhưng lần nào ông cũng từ chối. “Chẳng có gì sai khi chuyển thể sách thành phim nhưng tại sao mọi thứ lại cứ phải là một bộ phim điện ảnh, một mini series hay một series truyền hình? Sao một cuốn sách không thể chỉ là một cuốn sách?”, ông chất vấn. Và ông bảo, những cuốn sách của ông “ổn khi là chính nó”. Đáng để suy nghĩ về một câu hỏi như thế, sao một cuốn sách không thể chỉ là một cuốn sách mà thôi.
Không cần bàn, Carlos Ruiz Zafón là người có khả năng mise-en-scène (dàn cảnh) không thua gì những tiểu thuyết gia vĩ đại của thế kỷ 19. Ông tạo nên những vũ đài điện ảnh ngoạn mục chỉ bằng ngôn từ, nào là hình ảnh trinh bạch u ngục của một người thiếu phụ chết dưới hồ băng, nào là trường đoạn giằng giật dữ dội trên cáp treo giữa bầu trời Barcelona khi trời ngả tối, nào là cảnh tòa dinh thự cũ xưa chìm trong biển lửa. Chúng quá phù hợp để được chuyển thành một bộ phim, nhưng tác giả lại khăng khăng giữ chúng như chúng vẫn là, như thể ông đã lấy được cuốn sách này từ Nghĩa địa những cuốn sách bị lãng quên, nơi mỗi người chọn lấy một cuốn sách và lập lời thề sẽ bảo vệ nó vĩnh viễn.
Cuốn “Trò chơi của thiên thần” (dịch giả Ngô Hoàng Việt), công ty Nhã Nam và Nhà xuất bản Văn học phối hợp xuất bản. Nguồn: Netabook.
Ông muốn bảo vệ sự sinh động vô hình ấy – điều vốn là bản chất tự nhiên của văn chương, dù nghẹt thở, rợn ngợp hay tráng lệ đến mấy thì cũng không nhìn thấy được, tất cả bị gói chặt trong những con chữ màu đen ngay ngắn. Văn chương là giấc mơ, ta hình dung được nó như một người nằm mơ tưởng như đã nhìn rõ vạn vật trong mơ, nhưng tất thảy sẽ tan biến ngay khi ta tỉnh giấc, ta không thể thấy bản lai diện mục của giấc mơ. Khác với mọi môn nghệ thuật thị giác, văn chương tạo nên những phóng chiếu trong đầu mỗi người, nó không dựa trên hình ảnh hiện thực vững chắc nào. Văn chương đích thực là thế đấy, lộng lẫy vô cùng và cũng mong manh vô kể, sẵn sàng bốc cháy mọi ngọc ngà thành tro bụi ngay khi đến lúc.
Cho nên, sau những lớp kịch noir, những hành lang bảo tàng về một thành phố, Trò chơi của thiên thần đến cùng đích là một nghiền ngẫm về văn chương, về sự viết. Hành trình vật lộn để sống của David Martín trùng với hành trình vật lộn để viết của anh. Thỏa thuận giữa anh và người đàn ông bí hiểm tóm lược lại chỉ là: nếu muốn sống, anh phải viết. Và chẳng phải đây là định mệnh không thể tránh khỏi của mọi nhà văn, với họ, sống và viết là một, “không thể sống mà không viết”, nói như Pablo Neruda. Và giống như David Martín, để viết nên một tác phẩm để đời, mọi nhà văn phải đánh bạn với quỷ dữ và bán linh hồn cho cái ác. Sẽ không thể lôi văn chương ra từ một tâm hồn lành lặn an ổn, chỉ những kẻ đã bị bể dập tan tành và trải qua những cuộc đại phẫu hư ảo thì từ những vết nứt toác mới nảy lên được văn chương. Mọi nhà văn đều sống trong ngôi nhà với căn phòng nguyền rủa khóa kín và bị một bóng ma ám ảnh, đôi khi bóng ma ấy là chính họ, họ tự săn đuổi và giam cầm mình. Nhìn xem, David Martín đã lì lợm viết bản thảo nguy hiểm ấy đến cùng bất chấp sự can ngăn và những lời cảnh báo. Tình yêu không ngăn cản được anh, quyền lực không ngăn cản được anh, sự hoài nghi, sự ghê tởm và sự căm phẫn của chính mình không ngăn cản được anh, không gì ngăn được ham muốn kể chuyện của một người kể chuyện, cái ham muốn mãnh liệt không thể gò cương. Tất cả chỉ bởi David Martín tin rằng chỉ câu chuyện ấy mới cứu được đời anh. Không phải biết, mà là tin. Anh đã dấn quá sâu để không thể không tin. Văn chương là một loại cuồng giáo, mà mọi loại cuồng giáo đều đi tới hủy diệt tín đồ.
Biết là vậy, nhưng làm sao khác đi đây với một nhà văn? Trong tác phẩm của Goethe, quỷ Mephistopheles đã nhắn nhủ với Faust rằng: “Đừng âu yếm những nỗi khốn khổ của mình, nó ăn mòn ngươi như một con kền kền vậy”, nhưng không âu yếm những nỗi khốn khổ thì làm sao hoài thai văn chương, làm sao hoài thai cái đẹp? Với một nhà văn, không thể sống mà không viết, không thể viết mà không tự hủy hoại mình. □
Tia sáng
Leave a Reply