Tại tọa đàm “Sự trở lại của văn học đô thị miền Nam: Trường hợp Nguyễn Thị Hoàng”, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho rằng cần cởi mở hơn để bộ phận di sản văn học này được “trở lại bình thường với công chúng”.
Tọa đàm do khoa viết văn – báo chí của Trường ĐH Văn hóa Hà Nội phối hợp với Nhã Nam tổ chức ngày 19-4 tại Hà Nội.
Sự trở lại của văn học miền Nam là sự trở lại tất yếu khách quan. Đã đến lúc rất cần phải vẽ bản đồ văn học miền Nam 1954 – 1975.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên
Sự trở lại tất yếu
Tọa đàm được tổ chức trong bối cảnh gần đây việc in ấn lại một số tác phẩm thuộc nhiều thể loại từ văn chương đến triết học, khảo cứu từng được phổ biến ở miền Nam trước 1975 trở nên nhiều hơn. Mới nhất là 5 tác phẩm của nữ nhà văn Nguyễn Thị Hoàng đã được phát hành vào tháng 4 này.
Trước đó, Giải sách quốc gia năm 2020 đã trao giải B cho bộ sách Lược khảo văn học (3 tập) của tác giả Nguyễn Văn Trung từng xuất bản tại Sài Gòn trước 1975.
Tại tọa đàm, nhà văn Văn Chinh cho biết năm 2017, khi ông còn là tổng biên tập tạp chí Nhà Văn và Tác Phẩm (Hội Nhà văn Việt Nam), tạp chí đã chọn in 10 truyện ngắn miền Nam và 10 truyện ngắn miền Bắc tiêu biểu trong nửa thế kỷ vừa qua, trong đó có các tác giả miền Nam như Nguyễn Thị Hoàng, Dương Nghiễm Mậu, Duyên Anh… đứng cùng các tác giả miền Bắc như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Minh Châu, Đỗ Chu…
Không những được in lại, văn học miền Nam 1954 – 1975 còn bước đầu được nghiên cứu công phu hơn và được giới thiệu trong cuốn sách Lược sử văn học Việt Nam vừa được xuất bản do Trần Đình Sử chủ biên, với 1 chương dài hơn 20 trang.
Theo nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên – một trong những nhà nghiên cứu ở miền Bắc sớm giới thiệu giá trị của một bộ phận văn học miền Nam trước 1975 tại miền Bắc, sự trở lại của văn học miền Nam là sự trở lại tất yếu khách quan, sự khách quan của khoa học lịch sử và sự khách quan của đạo đức. Ông cũng cho rằng đã đến lúc rất cần phải vẽ bản đồ văn học miền Nam 1954 – 1975, chưa nói đến chuyện đánh giá.
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho rằng vẫn cần cởi mở hơn để bộ phận di sản văn học này được “trở lại bình thường với công chúng”.
Không miền Nam, miền Bắc
Nhà nghiên cứu La Khắc Hòa đưa ra một luận điểm quan trọng, cho rằng nên tìm một tên gọi khác thay cho cách định danh “nhuốm màu sắc ý thức hệ” là văn học miền Nam, văn học miền Bắc. Theo ông, nếu tiếp tục phân chia theo cách này thì sẽ “phân rẽ mãi mãi”, mà cần đặt tất cả di sản văn học vào trong tiến trình phát triển chung của văn học dân tộc.
Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng tại buổi tọa đàm cũng có chung nghĩ suy về chuyện phân chia miền Nam, miền Bắc. Bà nói cụm từ “sự trở lại” trong cái tên tọa đàm bà chưa thật đồng ý, bởi bà không trở lại mà trở về, trở về với dân tộc mình, với khối hợp nhất. “Tôi là người ở đây, trên đất nước này. Mình không phải của miền Nam hay miền Bắc, mà mình là của mênh mông thế giới này” – bà Hoàng nói.
Bà mong mỏi mọi người nhận ra nhau và đón lấy nhau, hợp nhất làm một để trường lưu phụng dưỡng dân tộc.
“Tất cả chúng ta hình như đã nhìn xuống mà không chịu nhìn lên. Nhìn xuống thì chỉ thấy lằn ranh và rào cản, nhìn lên thì mới thấy chỉ có không khí bao la, không còn giao tranh, rào cản, chúng ta hợp nhất trên điểm tận cùng. Những người còn sống phải cùng nhau làm điều gì đó nối truyền cho những đời sau, để quá khứ không bị nhìn sai lạc, nếu không chúng ta rất có lỗi với con cháu” – nhà văn Nguyễn Thị Hoàng nói trong niềm xúc động.
Sẽ có tọa đàm về văn học miền Nam
Trò chuyện với Tuổi Trẻ, PGS.TS Phạm Xuân Thạch (trưởng khoa văn học Trường ĐH KHXH&NV – ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận định: “Công chúng cũng như giới làm nghề hiện nay đang có một cái nhìn cởi mở, nhân văn và lý tính hơn về quá khứ. Chúng ta đã vượt qua được rất nhiều định kiến để có được sự bình tĩnh tiếp nhận những giá trị cũ một cách đúng mực. Theo tôi, nên thúc đẩy xuất bản mọi thứ sách vở có giá trị, không riêng một loại sách vở nào”.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ – chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương – cho Tuổi Trẻ biết trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 10 tới, ông sẽ thúc đẩy việc tổ chức một tọa đàm về văn học miền Nam trước 1975.
Ông cho biết cá nhân ông ủng hộ việc phổ biến các giá trị đích thực của văn học, nghệ thuật ở miền Nam trước năm 1975 và của bà con ta sau năm 1975 ở nước ngoài “để hàn gắn vết thương, để mọi người Việt Nam dù ở trong nước hay ngoài nước cũng cùng nhìn về phía trước mà suy nghĩ và hành động vì tương lai dân tộc”.
Tuổi trẻ
Leave a Reply