Đặng Ly
Hầu như giờ đây người ta ít suy tư về hình thái xã hội của các quốc gia, người ta đo tính nó về mặt kinh tế (GDP bình quân đầu người, tỉ giá hối đoái so với ngoại tệ mạnh…) và về mặt xã hội (các quyền tự do, nhân quyền, v.v).
Người ta không còn tranh cãi nhau xem hình thái nào là ưu việt nữa, mọi thứ được thể hiện qua các chỉ số, và người ta chỉ việc so các chỉ số mà không quan tâm đến nền tảng quyết định các chỉ số ấy.
Daniel Immerwahr đã làm một việc vô ích chăng khi đào xới lại bản chất của nước Mỹ, một trong cường quốc nổi lên và vững mạnh mấy thế kỷ nay?
Có lẽ là không, khẳng định bản chất đế quốc của nó không phải là một việc làm vô ích, ông đã chỉ cho chúng ta thấy tại sao nước Mỹ lại là cường quốc; những chặng dài xâm lược và chinh phạt, chiếm lấy những nguồn tài nguyên quý hiếm nhất đã bồi bổ cho nó lớn mạnh nhanh như vậy.
Ông giành giải Nobel Hóa học năm 1918 cho việc phát triển tiến trình Haber, tổng hợp amonia từ hydrogen và nitrogen khí quyển dưới điều kiện nhiệt độ thấp và áp suất cao.
Tiến trình đó được coi là một cột mốc quan trọng trong ngành công nghiệp hóa học, bởi nó giúp việc sản xuất các sản phẩm của nitơ như phân bón, thuốc nổ và nguyên liệu chế biến, không còn phụ thuộc vào trữ lượng nitơ tự nhiên.
Nói gọn lại, công trình của ông đã “mở cánh cửa xả lũ cho sự tăng trưởng gần như không giới hạn với đời sống con người”. Sự bạc màu của đất không còn là mối đe dọa sinh tồn nữa, ta đã có hóa chất, nếu không có tiến trình Haber, trái đất chỉ có thể nuôi sống được khoảng 2,4 tỉ người…
Theo Daniel Immerwahr, thì với phát minh của mình, Fritz Haber có lẽ “đã trở thành sinh thể hữu cơ đơn lẻ để lại hậu quả lớn nhất trên hành tinh này”. Bởi vào năm 1915 ông đã giới thiệu phát minh lớn thứ hai của mình, đó là hơi độc.
Trong trận Ypres thứ hai (một trận đánh trên Mặt trận phía Tây trong Thế chiến I, diễn ra từ ngày 22 tháng Tư đến ngày 25 tháng Năm năm 1915, cũng là chiến dịch tấn công đầu tiên và duy nhất của quân đội Đế quốc Đức trên Mặt trận phía Tây), khoảng 400 nghìn tấn khí chlorine đã được xả vào đầu gió thổi tới một nhóm binh sĩ Algeria; chiến thắng này đã đem lại cho Haber thêm nhiều vinh dự từ tiền thưởng tới huân chương…
Nhưng điều mọi người chú ý nhất là cuộc hôn nhân của Haber, mà theo Daniel Immerwahr thì “là một cuộc hôn nhân kiểu Bức chân dung của Dorian Gray”; vì Clara, vợ Haber cũng là một nhà hóa học người Đức gốc Do Thái, nhưng bà đã bỏ việc nghiên cứu ở nhà làm nội trợ, hỗ trợ Fritz. “Fritz càng thành đạt thì Clara càng tàn úa…”
Ngay sau trận Ypres, Fritz về thăm nhà, cuộc gặp gỡ giữa hai vợ chồng ông không được lưu giữ trong lịch sử, nhưng sau khi Fritz đi ngủ, Clara đã ra vườn tự sát bằng chính khẩu súng của Fritz.
Còn Fritz? Ngày hôm sau ông trở lại mặt trận. Sau cuộc chiến, ông tiếp tục công trình của mình, phát triển một loại thuốc trừ sâu hứa hẹn mang tên Zyklon A. Và một dạng điều chỉnh của nó với tên gọi Zyklon B, sẽ được dùng với đồng bào Do Thái của chính Fritz và Clara trong phòng hơi ngạt sau này.
Người ta bảo cái chết của Clara là sự phản đối với phát minh của chồng bà. Thật là một hành động tiên tri.
May mắn thay, thế giới không vì những vũ khí ấy mà lụi tàn, nhờ thuốc trừ sâu, nhờ phân bón, con người đã sinh sôi và sắp phủ kín tinh cầu này.
Đúng như nhận xét của Daniel Immerwahr: “Trong sự trớ trêu kỳ diệu của lịch sử, người đàn ông đã cứu thế giới khỏi chết đói cũng là cha đẻ của những vũ khí hủy diệt hàng loạt.”
Leave a Reply