Review Ảo dạ – Higashino Keigo

Review Ảo dạ – Higashino Keigo

Đó là một tối thứ 7 hiếm hoi mà mình biết rằng sẽ có chủ nhật trọn vẹn vào hôm sau, nên mình bèn đọc nốt 100 trang cuối của Ảo dạ. Kết thúc lúc 12h48, và dĩ nhiên mình không thể ngủ ngay sau đó. Giữa đêm mình ngồi nhớ lại tất cả những gì đã được biết về Shinkai Mifuyu về những chuyện cô đã làm, và mình thoáng rùng mình khi nhìn lại bìa sách một lần nữa. ▫️
Cho đến khi ngủ, mình mơ thấy Shinkai Mifuyu tìm cách hại mình, vì mình đã trót biết quá nhiều. Cũng đúng, vì như thói quen lâu nay, mình không bao giờ đọc lời giới thiệu ở bìa 4, sợ bị đóng khung suy nghĩ trước khi đọc. Tối ấy sau khi kết thúc quyển sách, mình mới đọc bìa 4 và thấy cái ý “mọi người tiếp cận Mifuyu đều gặp chuyện không may, những ai chạm đến quá khứ của cô đều mất tích” trong lời dẫn. Vậy là mình đã lỡ “động đến” cô gái bí ẩn luôn trong bóng đêm, mà lòng dạ, thủ đoạn thì ngút trời mất rồi. Thật khó để review sách của Keigo Higashino mà không nói nhiều về nội dung, nên các bạn cân nhắc trước khi đọc tiếp nhé.

Ảo dạ được xem là tác phẩm sinh đôi với Bạch dạ hành nhưng ngoài việc có một cặp nhân vật và người nữ nhiều thủ đoạn để đạt được cái mình muốn, thì có nhiều khác biệt. Dù Mifuyu chọn đứng trong bóng tối nhưng Keigo Higashino không giấu tham vọng, các âm mưu và thủ đoạn của cô với độc giả, trái lại dành rất nhiều đất để Mifuyu nêu lên “tuyên ngôn” của mình. Thông qua điều tra viên Kato, Higashino sensei cũng nhiều lần hệ thống lại quá trình, khiến câu chuyện dễ nắm bắt. Hệ thống các nhân vật cũng không quá nhiều, đến nỗi khó nhớ như Bạch dạ hành.

Như nhiều câu chuyện khác, Higashino sensei luôn làm như vô tình để các nhân vật nhắc đến một giai đoạn đáng chú ý nào đó, như một cách ngầm thông tin với người đọc bối cảnh của câu chuyện. Với Bạch dạ hành là thời điểm máy tính cá nhân bắt đầu phổ biến, với Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya là kỳ thế vận hội sắp diễn ra, còn Ảo dạ là thời điểm bong bóng bị vỡ và nhân loại chuẩn bị bước vào thiên niên kỷ mới cùng nỗi sợ sự cố Y2K.

Câu chuyện bắt đầu bằng một bi kịch – một trận động đất kinh hoàng, khiến Masaya phải giết người và từ đó gắn đời mình với Mifuyu, người đã chứng kiến khoảnh khắc anh ra tay sát nhân. Mifuyu sẽ dẫn dắt Masaya cùng xây dựng kế hoạch tương lai mà cô đã vạch ra, sống “theo cách sinh tồn của riêng mình”. “Chúng ta chỉ có thể đi trên con đường ở trong bóng tối. Dẫu cho bốn phía xung quanh sáng rực như ban ngày, cũng chỉ là ánh sáng không chân thực mà thôi”. Và từ đó hai người bắt đầu một mối quan hệ mà “khi một người đau khổ, người còn lại sẽ có thể ở phía sau đưa tay giúp đỡ” và “chỉ ở trong bóng đêm mới bộc lộ bản tính với người còn lại”. Hay chỉ là Masaya tin thế.

Không như câu chuyện cộng sinh kỳ lại của “tôm pháo-cá bống trắng” trong Bạch dạ hành, mà ở đó Ryoji coi mình là tôm pháo, có nhiệm vụ bảo vệ cá bống trắng Yukiho đến chết, mối quan hệ của Masaya và Mifuyu là kẻ thao túng và kẻ phục tùng. Nếu Ryoji xem việc bảo vệ Yuhiko là mục tiêu duy nhất của đời mình, thì Masaya tình nguyện làm “một tên đồng bọn trung thành” không phải vì muốn bảo vệ lớp mặt nạ của Mifuyu, mà “chỉ vì yêu, vì ‘hạnh phúc của hai người’ mà cô luôn nhắc đến, ngoài ra không có lý do nào khác.” Tất cả chỉ đổi đến đắng cay và cay đắng nhất là gen’ya – ảo dạ, những đêm tưởng là hạnh phúc trần đời nhưng hóa ra chỉ là hư ảo.

Và giống như nhiều quyển khác của Keigo, mỗi nhân vật đã xuất hiện thì chắc chắn sẽ có vai trò. Luôn sẽ có người làm nhiệu vụ connecting the dot – kết nối các điểm rời rạc với nhau để vén màn bí ẩn. Trong Ảo dạ, không chỉ điều tra viên Kato, là anh chàng Soga mà còn cả chính Masaya, người đã thề trung thành với Mifuyu và tin tưởng có thể cùng Mifuyu có được hạnh phúc, làm công việc đi tìm sự thật đằng sau những bí ẩn đó.

Mình ghét Masaya quá nhu nhược nhưng nghĩ lại rằng có phải vì Mifuyu quá đáng sợ? Masaya đáng thương hơn là trách vì bị nắm điểm yếu từ đầu và đã thực lòng mong có thể cùng Mifuyu đắp xây hạnh phúc. Nhân vật Shinkai Mifuyu được xây dựng tận cùng tàn ác, lạnh lùng, mưu mô, thường xuyên làm người đối diện “không rét mà run”. Mifuyu “tuyệt đối không mềm lòng với bất cứ ai. Mặc cho người khác gặp phải bất hạnh thế nào, cô ta hoàn toàn không quan tâm”.

Cách xây dựng nhân vật quả thật để lại nhiều ấn tượng. Đến mức mình có lúc nghĩ giả thử có gặp một Shinkai Mifuyu trong đời thực, mình sẽ bị bùa mê đến mức nào và gục ngã trước cô ta ra sao? Nhưng điều mình cho rằng còn thiếu là lý do Mifuyu lại hành xử như vậy, dù đã có khát khao từ trước nhưng chẳng lẽ chỉ vì đeo đuổi tham vọng mà táng tận lương tâm đến vậy ư?

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *