Nữ nhân viên văn phòng thế kỷ XXI Trương Hiểu bất ngờ bị một tai nạn khiến cô hôn mê, và khi tỉnh lại, cô thấy mình trở thành Mã Nhĩ Thái Nhược Hy, em vợ của Bát a ca Dận Tự, con trai vua Khang Hy. Xuyên không về quá khứ, lại rơi vào thời kỳ “Cửu long đoạt ngôi”, Trương Hiểu không chỉ phải học tập các lễ nghi phép tắc, học cách thích nghi với điều kiện sống quá đỗi khác biệt, mà cô còn phải tính toán để giữ được mạng sống của mình. Từ một cô gái thời hiện đại hết sức bình thường, cô trở thành nàng Nhược Hy phóng khoáng, trượng nghĩa mà cũng thật khôn ngoan, tinh tế. Hơn chục năm sống trong Tử Cấm Thành, từng hàng cây, từng mái ngói nơi đây đã ghi dấu thanh xuân, tuổi trẻ cùng mối tình tay ba lắm oan trái của cô với 2 vị a ca. Đến cuối cùng, chỉ còn lại thật nhiều những nhớ nhung, tiếc nuối, khắc khoải…
“Bộ bộ kinh tâm”, trước tiên, là bức tranh chân thực về cuộc chiến khốc liệt chốn cung đình nghiệt ngã. Quyền lực, địa vị đẩy con người ta ra xa nhau, khiến huynh đệ tương tàn, bằng hữu phản bội lẫn nhau. Thay vì đi sâu vào những âm mưu tranh quyền đoạt vị, tác giả lại tập trung vào việc miêu tả những nỗi đau, mất mát mà mỗi người phải hứng chịu từ vòng xoáy tranh đoạt ấy. Thật khó để trách cứ bất kì nhân vật nào, bởi ai cũng đều có một hoàn cảnh, một nguyên cớ buộc họ phải hành động như vậy. Ai có quyền trách Tứ gia khi chàng đối xử tàn nhẫn với kẻ khác, sau tất cả những cay đắng, uất ức mà chàng cùng Thập Tam, Nhược Hy phải chịu đựng suốt 10 năm. Cũng không thể trách Ngọc Đàn phản bội tỉ muội thân thiết khi nàng chỉ đang cố trả ơn cho ân nhân, cho người mà nàng yêu.
Không chỉ là bi kịch của cuộc chiến tranh giành quyền lực, “Bộ bộ kinh tâm” còn là bi kịch của những con người sinh ra đã được sống trong nhung lụa, đổi lại vĩnh viễn không thể tự do sống, tự do yêu, tự do làm chính mình. Biết bao mối tình vĩnh viễn ngủ yên chỉ vì thứ gọi là “hôn nhân sắp đặt”, “môn đăng hậu đối”. Biết bao tâm hồn đã bị giam cầm héo mòn trong chiếc lồng son mang tên “trách nhiệm, địa vị” với dòng họ, gia tộc. Với những con người thời đó, bị người khác định đoạt đã là bi kịch, thì với Nhược Hy, nó còn bi kịch hơn gấp chục lần. Mang tinh thần một cô gái hiện đại, thật khó để nàng chấp nhận cuộc sống của mình bị người khác sắp đặt, định đoạt. Cũng bởi vậy mà cuộc đời nàng mới cay đắng đến thế. Nếu chỉ là một thiếu nữ nhà Thanh bình thường, có lẽ Nhược Hy đã chẳng sống chết đòi Bát gia chọn lựa giữa nàng và hoàng quyền. Nàng sẽ trở thành vợ của chàng, không lo nghĩ gì đến tương lai. Hoặc, nàng sẽ chấp nhận sự trả thù của Tứ gia với Bát gia, mặc kệ những vấn vương, chỉ an phận yêu chàng mà thôi. Đáng tiếc, chẳng có “Nếu…” nào ở đây cả.
Đồng Hoa xây dựng Nhược Hy là một cô gái rất lý trí. Cuộc sống của nàng không chỉ xoay quanh chuyện yêu đương, ngoài tình yêu ra nàng còn coi trọng tình bằng hữu, tỉ muội. nàng không phải loại người có thể vì yêu mà bỏ qua hết thảy những tình nghĩa khác. Trở về quá khứ, Nhược Hy đem lòng yêu Bát A Ca trước tiên. Mối tình ngọt ngào, lãng mãn, dịu dàng ấy chắc chắn sẽ khiến bất kì cô nương Thanh triều nào yên lòng. Nhưng Nhược Hy lại biết trước kết cục của Bát gia, nàng không thể chỉ chìm đắm trong yêu đương mà quên đi cái mạng của mình. Bát gia cũng không thể vì chuyện nữ nhân mà bỏ đi chí hướng bao năm. Nhiều người sẽ nói nàng ích kỷ, hèn nhát, không dám sống chết cùng người mình yêu. Nhưng một cô gái hiện đại trở về quá khứ, chật vật tìm cách sống sót như Trương Hiểu, liệu có thể cam lòng chết vì tình yêu dành cho một người khác không? Cuộc sống vốn đâu chỉ có tình yêu.
Cũng bởi lý trí như vậy mà mỗi hành động đều được Nhược Hy tính toán kĩ lưỡng. Bước chân vào Tử Cấm Thành, nàng nhanh chóng trở thành cung nữ được vua Khang Hy yêu quý nhất. Nhược Hy tính toán trước sau, chỉ không tính được bản thân lại có thể yêu Tứ A Ca. Vốn chỉ mong nhờ người ấy giữ hộ một cái mạng, ngờ đâu lại trao luôn cho chàng cả trái tim mình. Mối tình của nàng và Dận Chân, trong nóng ngoài lạnh, điềm đạm mà bền lâu, kín đáo mà nồng nàn. Tình yêu ấy được ươm mầm từ một buổi chèo thuyền ngắm cảnh đẹp như mơ, từ cái hôm mưa gió chàng dầm mưa cùng nàng, từ một lần chàng không tiếc thân mình đỡ tiễn cho nàng. Tình yêu ấy lại bén rễ mạnh mẽ suốt 10 năm cực khổ, âm thầm mà bền bỉ nảy nở dưới tường vàng ngói đỏ nơi hoàng cung hoa lệ.
Đó là lần đầu tiên, Nhược Hy quyết định nghe theo trái tim mình. Dẫu tự chuốc lấy đau khổ, nhưng nàng không hề hối hận. Đáng tiếc, tình yêu có thể vượt qua 10 năm đằng đẵng cách xa, lại chẳng thể bỏ qua được oán, hận cùng sự dằn vặt. Nàng bám trụ lại Tử Cấm Thành, vì nơi ấy có người mà nàng yêu. Giờ đây, cũng chính vì người ấy, nàng lại quyết định ra đi. Những tưởng đi rồi sẽ có thể an yên sống nốt quãng đời còn lại, vậy mà nàng lại chẳng thể xóa bỏ hình ảnh Tứ gia ra khỏi đầu. “Vì yêu mà giận, vì yêu mà hận, vì yêu mà khờ, vì yêu mà chấp. Rời xa rồi mới thấy, giận khờ hận chấp, tấc tấc đều hoá thành nỗi nhớ tương tư”. Thực sự cách xa rồi, Nhược Hy mới ý thức được nàng yêu Tứ Gia đến nhường nào. Nàng yêu đau đớn, yêu tuyệt vọng, yêu mòn mỏi. Là người chọn ra đi, nhưng đến trước khi nhắm mắt, nàng chỉ mong Dận Chân tha thứ cho mình, mong chàng đến gặp nàng một lần. Chàng là Vua của một nước, nhưng cũng là người nắm giữ trái tim của nàng kia mà…
Giá như năm xưa, Nhược Hy xuyên không về phủ của Tứ gia, không gặp gỡ Bát gia để rồi lưu luyến tình nghĩa mà tự làm khổ mình về sau. Nhưng vì “Giá như…” không thành sự thật nên chúng ta mới có một Nhược Hy “đẹp” đến thế. Một cô gái vốn tinh nghịch, phóng khoáng, đã học cách suy nghĩ chín chắn hơn, trưởng thành hơn rất nhiều. Một cô gái sống lý trí, thực tế nhưng cũng rất đỗi chân thành, trọng tình nghĩa. Một Nhược Hy từng bước đi luôn cẩn trọng lại có thể vì Thập Tam gia mà không màng đến sống chết. Cả triều đình không một ai dám lên tiếng cầu xin cho Thập Tam, chỉ riêng có Nhược Hi quỳ dưới trời mưa, quỳ tới khi hai chân tê dại chỉ mong đổi lại cho Thập Tam gia một người bạn bên cạnh xua tan cô đơn, hoang vắng. Cái tên Nhược Hy nghĩa là “giống như ánh nắng mặt trời”. Và Nhược Hy đúng là như vậy: nàng xuất hiện tựa tia nắng tinh nghịch mà mềm mại, trong trẻo, đem niềm vui cùng ấn tượng khó quên đến cho mọi người. Chỉ tiếc ánh mặt trời rực rỡ ấy cuối cùng lại lụi tàn trong cái lồng vàng mang tên Tử Cấm Thành. Tử Cấm Thành khắc ghi những khoảnh khắc ngọt nào, hạnh phúc nhất cuộc đời Nhược Hy, nhưng cũng chính nơi ấy đã gây nên biết bao đau khổ, mất mát, oán hận nàng không sao quên được. Với những người từng gặp gỡ, Nhược Hy đã để lại dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời họ, nhưng đối với hậu nhân, thậm chí đến tên của cô họ còn không biết. Nhược Hy, chẳng qua chỉ là hạt cát nhỏ bé giữa sa mạc lịch sử rộng lớn, nhưng là hạt cát hiếm hoi đã len lỏi được vào trái tim băng giá của Ung Chính Đế.
“Bộ bộ kinh tâm”, đúng như cái tên của nó, từng bước từng bước khiến người ta kinh ngạc, để rồi rung động cả cõi lòng. Lồng ghép câu chuyện tình yêu hư cấu vào bối cảnh lịch sử, Đồng Hoa đã hạn chế hết mức có thể việc “xào nấu” các chi tiết có thực. Trương Hiểu xuất hiện nhưng không làm thay đổi dòng chảy lịch sử, cũng không có danh phận chính thức gì với Ung Chính khiến sử sách bị sửa đổi. Góp phần thúc đẩy cảm xúc của độc giả còn phải kể đến văn phong của Đồng Hoa nữa, nó không quá hoa mỹ mà vừa đủ “cổ”, vừa đủ mềm mại để khơi dậy cảm xúc cho người đọc. Những trang sách cuối khiến mắt mình cay xè. Chốn cung đình lạnh lẽo vẫn có những tình cảm khiến người ta ấm áp: tình huynh đệ sống chết có nhau giữa Tứ A Ca và Thập Tam; tình tri kỉ của Nhược Hy và Thập Tam, giữa phồn hoa, bi kịch, tranh đấu của Tử Cấm Thành, họ vẫn giữ được thứ tình cảm chân thành không vụ lợi toan tính; tình yêu khắc cốt ghi tâm,.. Nhưng hoàng cung cũng quá đỗi tàn khốc, nó hủy hoại tình cảm, bào mòn tâm hồn biết bao con người. Nhược Hy và Dận Chân, mối tình chân thành, sâu sắc mà sao lại đau đớn, tuyệt vọng đến thế? Từ đầu đến cuối, chẳng có ai sai cả, chỉ là trời xanh trêu đùa kiếp người mà thôi. “Đa tình thì khổ hơn vô tình”, tơ tình vấn vương đến trăm năm sau liệu có buông được không? Yêu, hận, oán thán rồi cũng theo người mà ra đi,…Nhưng nếu được làm lại, tin rằng Nhược Hy vẫn sẽ chọn yêu chàng: “Chỉ sợ rằng nếu được chọn lần nữa, vẫn sẽ chọn tương phùng”, vì “Thiên đường ấy là nơi ta đã yêu người”.
“Thôi không nhìn, ánh mặt trời xuyên thấu tầng mây
Thôi không tìm, thiên đường đôi ta từng hẹn ước
Thôi không oán thán, nhân gian thế sự vô thường mà người vẫn nói
Chẳng thể mượn được ba tấc ánh dương nữa rồi”
Instagram: @skythienbinh
Leave a Reply