- Không cần phải nói nhiều thì có lẽ ai cũng biết về độ khó đọc và khó hiểu của Buồng tắm, một cuốn sách với những tình huống phi lý, buồn cười, kỳ lạ đến mức việc lý giải nó ra cũng trở thành kỳ quặc.
Kể từ khi ra mắt, Buồng tắm đã là một thách thức lớn đối với công chúng, bởi vì thật khó để áp vào tác phẩm một diễn giải nào đó, những quan niệm triết học thì tưởng chừng là kỳ quặc, những lý luận phức tạp thì chỉ là trò cười. Đến nỗi chính mình đã cố thử tìm mối liên hệ giữa việc đánh số thứ tự các câu trong tác phẩm với định lý “Bình phương cạnh huyền bằng tổng bình phương hai cạnh còn lại” được nhắc ở phần đề từ, để rồi nhận ra 40-50-80 không phải là ba cạnh của một tam giác vuông. Và thế là mọi thứ đi vào bế tắc, biết ngay là không dễ ăn như vậy mà.
- Câu chuyện kể về một người đàn ông dọn vào ở trong buồng tắm, rồi đến một lúc anh ta bất ngờ bắt máy bay đi qua Ý. Bạn gái anh phải đi tìm, rồi một số chuyện “vụn vặt” xảy ra như anh “lỡ” phóng phi tiêu vào trán bạn gái, phát hiện mình bị xoang phải phẫu thuật (nhưng không phẫu thuật) rồi làm thân với gia đình bác sĩ và cùng hai vợ chồng nhà đó đi đánh tennis. Cuối cùng anh ta lại bay về Paris và trở lại ở tiếp trong buồng tắm.
Dạng tiểu thuyết phi lý, mang tính thể nghiệm và khó lý giải thì không phải lần đầu mình tiếp xúc, nhưng ở Buồng tắm có một thứ thu hút mình, đó là những tình huống xảy ra bất ngờ đến mức thú vị. Và còn một điều nữa, là có những ngày chính mình cũng cảm thấy muốn làm những điều như nhân vật chính trong truyện. Mình muốn chui vào một nơi tuyệt đối riêng tư (vâng, nhà tắm là một không gian tuyệt đối riêng tư, hơi dị nhưng nó đúng), muốn trốn cuộc sống đơn điệu lặp đi lặp lại với những người mà bản thân gặp mỗi ngày, chẳng thiết giao tiếp, chẳng muốn giải thích, đụng chuyện gì cũng làm mình làm mẩy, làm trịch làm thượng, khó ăn khó ở, khó hầu khó hạ. Thế nên mình nghĩ – có thể sai nhưng biết đâu – Buồng tắm là câu chuyện kể về một người đang trong giai đoạn khó ở chẳng muốn gặp ai.
- Trong tác phẩm, những người xung quanh đều rất mở lòng với nhân vật chính, đến mức có thể cho là dễ dãi, khi họ thân thiện mời anh đi đánh tennis, những người phục vụ cũng nhanh chóng kết thân với anh, bạn gái thì cố gắng để rút ngắn khoảng cách, đến đại sứ quán Áo cũng gửi thư mời cho anh. Nhưng vấn đề là nhân vật chính chẳng có ý định sẽ xem những người xung quanh là một phần cuộc sống của mình, anh lơ đãng, vô vị, có cảm giác đôi mắt anh nhìn những con người kia thật tạm bợ, sẵn sàng để rời khỏi họ hoặc để họ rời khỏi bất cứ lúc nào.
Khi bạn gái điện bảo anh về thì anh liền bảo cô nếu muốn thì hãy đến đây gặp anh, một sự giận dỗi và làm mình làm mẩy đến mức kỳ quặc. Cả tác phẩm diễn ra như thể thế giới này mắc nợ gì với anh. Và chính anh cũng vô cùng khó ở với những người xung quanh, tất nhiên là không nói ra miệng, anh phán xét họ trong tâm, có khi là chịu đựng họ.
Chi tiết theo mình là đắt giá nhất trong tác phẩm là khi nhân vật chính phóng phi tiêu vào mặt bạn gái khi cô nàng dai dẳng bảo anh hãy trở về Paris. Nó làm bùng nổ trong nhân vật một điều gì đó, một thái độ bài xích kỳ quặc, đến mức không hiểu nổi. Và nếu như để ý, bạn có thể thấy những hành động và việc làm bất thường của nhân vật đều có thể quy về một nguyên nhân, anh ta đang cực kỳ khó ở trong người, chỉ muốn trốn tránh giao tiếp với mọi người, khiến bản thân trở nên trì trệ để chờ đợi cảm giác khó chịu này qua đi. Bởi vì thế mà khi những người xung quanh càng xấn xổ đến gần anh bao nhiêu thì anh lại tìm cách chạy trốn khỏi họ bấy nhiêu, đến mức không còn tự chủ được hành vi. Đến mức khi bạn gái bị thương chảy máu đầm đìa thì việc anh làm cũng chỉ là lánh đi khỏi chỗ đông người vì chẳng muốn gặp ai, “Một người khẽ bảo tôi nàng sẽ được đưa đi viện, xe cứu thương chuẩn bị tới nơi. Tôi thấy mình xuội xuống, không muốn gặp ai nữa, tôi bước đi trong khách sạn, ra quầy bar uống whisky.” (Và vâng, dịch giả dùng từ “xuội”, tra từ điển không thấy, chẳng biết ở đâu ra, mà không phải chỉ có một chỗ, cả cuốn dịch đọc phát mệt vì cái sự đồng bóng này)
- Thế thông điệp ở đây là gì? Liệu có phải nó đang nhắc chúng ta rằng ai cũng sẽ có những giai đoạn quá tải và có thể trở thành kẻ đáng ghét bất cứ lúc nào? Hay nó đang muốn bảo rằng hãy để cho những người đang khó ở được yên thân, đừng có làm phiền họ nữa nếu không muốn nhận lại sự chán ghét? Theo mình, tác phẩm muốn nói rằng “khó ở” là một căn bệnh của thời đại, và sẽ không thiếu những người chỉ muốn chui vào buồng tắm, tìm kiếm một không gian của riêng mình, một nơi chốn riêng tư để lảng tránh những tình huống giao tiếp hay những cuộc gặp mặt phiền phức.
Hẳn là rất nhiều lần phụ huynh thắc mắc tại sao bạn chỉ thích ru rú trong phòng riêng, chẳng muốn gặp mặt và giao tiếp với họ hàng khách khứa, đến nơi đông người thì chỉ ủ ê ngồi một góc ôm điện thoại. Mà chính bạn đôi khi cũng chẳng hiểu bản thân tại sao lại như thế, chỉ đơn giản là không thích mà thôi. Sống đôi khi cũng là một việc thật phiền phức, nhỉ?
Chỉ là nhân vật chính không giống chúng ta, anh đã có người yêu, căn phòng của cả hai không thể nào trở thành một “vùng an toàn” nữa, anh buộc phải vào buồng tắm, bởi vì dẫu sao buồng tắm cũng là nơi đảm bảo sự riêng tư cực kỳ tốt. Song tiếc cho anh là chẳng ai hiểu được điều đó cả, vì một là anh không nói, và hai là vì cũng chẳng ai tỏ vẻ thắc mắc và muốn nghe.
- Tất cả chúng ta, ai rồi cũng sẽ có những ngày như thế, cực kỳ bứt rứt mà chẳng rõ nguyên do. Bỗng nhiên một sáng thức dậy, bạn có cảm giác như cả thế giới đang chống lại mình, nhìn gì cũng không thuận mắt, chẳng ham được nói chuyện, chẳng mong cầu những cuộc gặp gỡ. Nhưng dẫu sao thì, hãy tin rằng giai đoạn này rồi cũng sẽ qua, đến một lúc buồng tắm sẽ buông tha cho bạn.
Chúc bạn có những ngày khó ở vui vẻ và thuận lợi!
4.9.2022
Review của độc giả Giàu Đặng – Nhã Nam reading club
Bạn có thể tìm mua sách tại:
TÊN SÁCH | NHÃ NAM | TIKI | FAHASA |
BUỒNG TẮM | http://bit.ly/buongtamNhaNam | http://bit.ly/buongtamTiki | http://bit.ly/buongtamFHS |
Leave a Reply