Vì công việc của cha, gia đình Bruno chuyển từ Berlin tới một nơi mà cậu gọi là Ao Tuýt (nhưng thực chất là Auschwitz – trại giam giữ người Do Thái của Đức Quốc Xã). Bruno, khi ấy mới chín tuổi, chưa hiểu hết về sự tàn nhẫn của thế giới nên do vậy, khi trông thấy khối kiến trúc được hàng rào thép gai bao quanh kế bên nhà, cậu chỉ cảm thấy lạ lùng mà không hề hay biết, đó chính là hiện thân của tội ác và nỗi đau.
Từ cửa sổ phòng Bruno, cậu bé có thể nhìn thấy những người phía bên kia. Những người mặc pyjama sọc giống nhau và không bao giờ sang phía bên này. Bruno làm một chuyến thám hiểm và tình cờ gặp gỡ Shmuel, một cậu bé người Do Thái ngồi một mình ở bên kia rào. Hai người làm bạn với nhau trong suốt một năm Bruno ở Ao Tuýt, có đến ngày Bruno định rời khỏi đó và trở về Berlin.
“Chú bé mang pyjama sọc” là một câu chuyện nhỏ nhắn, song cũng đầy sức nặng. Mình đọc rất nhanh, nhưng cái kết lại khiến mình phải trăn trở lâu ngày. Nó đột ngột, day dứt và đầy nỗi buồn, cho dù giọng kể của tác giả vẫn bình tĩnh và giản đơn từ đầu chí cuối.
Câu chuyện chủ yếu diễn ra dưới góc nhìn của Bruno, một cậu bé, do vậy chúng ta sẽ thấy những suy nghĩ của cậu rất ngô nghê. Nhưng cũng chính vì sự ngô nghê ấy nên những việc xảy ra xung quanh cậu lại càng thêm đáng sợ. Tất cả phục vụ vì tổ quốc, tất cả phục vụ vì Quốc trưởng. Ý niệm về một chủng tộc thượng đẳng ám ảnh cha Bruno, những người lính, như Trung uý Kotler, và về sau thậm chí còn manh nha len lỏi vào đầu óc người chị gái hơn Bruno bốn tuổi, “hàng rào không đứng đó để ngăn chúng ta sang bên kia. Nó là để ngăn họ sang bên này”, “Họ không thể hoà trộn vào chúng ta”.[*]
Nếu như trong “Đêm”, Elie Wiesel kể một cách trực tiếp về những việc đã xảy ra trong thảm họa Holocaust (và thực tế là kể rất chi tiết, vì bản thân Elie Wiesel chính là một nhân chứng sống và đã tận mắt nhìn thấy những gì xảy ra ở đó) thì trong “Chú bé mang pyjama sọc”, những điều về trại giam Auschwitz chỉ hiện lên một cách gián tiếp qua lời kể của Shmuel với Bruno. Về việc những người như Shmuel bị bắt rời khỏi nhà, bị tước mất của cải và quyền sống, phải mặc những bộ đồ giống nhau, bị nhốt sau hàng rào thép gai, trong căn phòng chật chội với bao nhiêu là người. Về những người một ngày kia bị dẫn đi và không bao giờ trở về. Về những cái chết im lặng, không một manh mối cho những người ở lại.
Mình mến tình bạn của Bruno và Shmuel. Tình bạn ân cần, thơ ngây và đầy sự quan tâm trong sáng của trẻ thơ. Hai em phải đối mặt với những điều mà thậm chí bản thân còn chưa có cơ hội làm quen hay hiểu ra. Mình cũng thích bà Bruno, người đã không thỏa hiệp trước lý tưởng của con trai cũng như lý tưởng của Hitler khi ấy, và nỗi đau của những người ở lại trong câu chuyện này cũng để lại dư âm thật lâu.
Sau khi đọc “Chú bé mang pyjama sọc”, mình lại nhớ tới một câu trong cuốn sách “Những nhân chứng cuối cùng” của Svetlana Alexievich, “Nước mắt trẻ thơ, dẫu chỉ một giọt thôi, cũng nặng hơn vô vàn lý lẽ chiến tranh nào.”
Instagram: @_satohsai
Bạn có thể tìm mua sách tại:
TÊN SÁCH | NHÃ NAM | TIKI | FAHASA |
Chú bé mang Pyjama sọc | http://bit.ly/chubemangpyjamasocNhaNam | http://bit.ly/chubemangpyjamasocTK | http://bit.ly/chubemangpyjamasocFHS |
Leave a Reply