Die Welt ist weit, die Welt ist schön,
Wer weiß, ob wir uns wiedersehen.
Thế giới bao la, thế giới xinh đẹp,
Ai biết chúng ta sẽ gặp lại nhau không.
Après le déluge encore nous
Sau đại hồng thủy vẫn còn chúng tôi
Thời điểm hiện tại, mình đã đọc cũng có thể nói là không ít ỏi gì về các các cuốn sách liên quan đến chiến tranh, nhất là về cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai. Tuy nhiên, cảm xúc mà “Còn Chị Còn Em” đem đến cho mình, vẫn là một cảm xúc gì đó hoàn toàn độc nhất và quá đỗi mới lạ. Và kể cả, Heinrich Böll với cuốn “Nàng Anna Xanh Xao” cũng khó lòng khắc họa được nước Đức như thế từ trước cuộc chiến tranh thế giới thứ hai đến sau cuộc chiến này một cách đầy chi tiết và đau lòng đến thế.
“Còn Chị Còn Em” theo chân hai chị em sinh đôi là Anna – người chị, và Lotte – người em, sống tại Cologne, Đức. Vì ba mẹ mất sớm, nên cả hai bị tách ra khi chỉ mới 6 tuổi. Lotte được một gia đình người Hà Lan nhận nuôi, trong khi đó Anne dù được ở lại chính quê hương của mình là Đức nhưng cô lại không may mắn do bị bóc lột lao động bởi chính người thân của mình. 70 năm sau, khi cả Lotte và Anna giờ đã trở thành hai bà lão già, họ gặp lại nhau tại một Spa, nơi họ tìm lại những kỷ niệm đã mất và hàn gắn lại những vết thương do chiến tranh gây ra cho tình chị em của cả hai.
“Còn Chị Còn Em” gây tranh cãi một cách dữ dội tại quê hương của nó là Hà Lan, và khi bạn đọc xong bạn cũng sẽ hiểu rõ tại sao cuốn sách này lại bị thế. Cuốn sách, theo một cách nhìn đúng đắn nhất, đang bênh vực và lấy lại công bằng cho chính người dân Đức và cả binh lính SS – một thứ không hề dễ dàng để đồng cảm, nhất là khi tác giả của cuốn sách này lại là một người Hà Lan; như thể nếu một người Việt nào đó nói rằng, người dân Mỹ và binh lính Mỹ cũng rất đáng thương trong chính cuộc chiến tranh Việt Nam. Thậm chí nó còn làm mình nhớ đến tranh cãi gần đây về cuốn “The Sympathizer” của Viet Thanh Nguyen. Có điều, theo mình, đây mới thực sự là cách đúng đắn nhất nếu muốn nhìn vào một cuộc chiến nào đó.
Khi đó, gần như cả châu Âu lúc bấy giờ đều có một cái nhìn đầy khinh bỉ, kỳ thị và lạnh nhạt với những ai có liên quan đến Đức; rằng, cứ hễ ai nói tiếng Đức đều là người đáng ghét, thậm chí kể cả họ chết họ cũng chẳng đáng được chúc phúc từ thượng Đế. Nhưng chẳng ai quan tâm, xót thương hay đồng cảm với họ; suốt giai đoạn hậu chiến tranh thế giới thứ nhất, có ai giúp đỡ họ không, có ai cho họ một miếng ăn nào không. Sự xuất hiện của tên độc tài Hitler, trong mắt họ, nhất là vào thời điểm đó, như thể được xem đó là sự xuất hiện của một vị cứu tinh, sẽ cứu họ khỏi cái nghèo, cái đói và cái khổ. Mặc cho việc bị chỉ trích, họ vẫn theo Đức Quốc Xã với một lòng tin nào đó, bởi họ đã quá mệt mỏi với những tháng ngày làm việc từ sáng sớm đến chiều tối mà chẳng đủ cái ăn cái mặc rồi.
Tessa De Loo đã cho thấy, chiến tranh chưa bao giờ tàn khốc đến thế trên những trang giấy của “Còn Chị Còn Em”. Chiến tranh phá hủy đi những căn nhà từng là tổ ấm của cả một gia đình, phá hủy cả những con đường từng là nơi mọi người gặp gỡ nhau và phá hủy cả những vẻ đẹp của vùng đất đó; chiến tranh lấy đi những người chồng của những người phụ nữ, những đứa con trai của những bà mẹ, nó còn để những sinh linh bé bỏng phải vật vã sống với cuộc đời; chiến tranh đã biến Lotte, từ một thiếu nữ đang tràn trề sức sống thành một người chỉ mong có một ngày bình yên, và biến Anna, từ một người tưởng chừng đã có tất cả cuối cùng lại chẳng còn gì.
Nhưng chiến tranh không đáng sợ, những gì nó để lại sau đó mới là thứ khiến người ta phải khốn khổ, như thể nó vẫn đơn giản tiếp tục – sau một mặt nạ khác, mà đáng nói nhất là sự chia rẽ sâu sắc giữa những con người với nhau. Hai con người được đẻ ra cùng một mẹ trong cùng lúc và nuôi dưỡng bởi cùng một người cha, sau hàng chục năm gặp lại, lại chẳng thể coi nhau như chị em vì chiến tranh đã tạo ra cho một bức tường cao vô tận trong tâm trí của mỗi người. Đến bây giờ, khi đã gần 80 tuổi, họ đã cạnh nhau mà lại không thể đoàn tụ với nhau. Và cũng sau ngần ấy năm tháng, họ dù được sinh ra giống nhau nhưng lại khác nhau một cách lạ thường, một người thì theo chủ nghĩa vô thần, cưới một người Do Thái, bài xích cực đoan những gì nước Đức gây ra đã gần như thâm căn cố đế; người còn lại thì lại theo Cơ Đốc giáo, cưới một binh sĩ SS, cố gắng giải thích cho người kia hiểu câu chuyện thực hư ra sao một cách bán thống bán tháo với tư cách của một người giơ đầu chịu báng .
Câu nói của Lotte ở cuối cuốn sách, chứng minh cho mọi người thấy rằng, chẳng gì là quá muộn màng để chấp nhận và nói ra.
“Còn Chị Còn Em” đôi khi khiến mình nhớ đến những mối quan hệ của bản thân ngoài đời, nhiều lúc mình đã quá bảo thủ và thiếu sự đồng cảm cho chính những người mình yêu thương. Đồng thời cũng cho mình hiểu thêm về chiến tranh, không có bên nào thắng trong những cuộc chiến phi nghĩa này cả, ai cũng thua và ai cũng mất theo một cách nào đó.
Đánh giá: 9.0/10
Điểm là dựa hoàn toàn trên quan điểm cá nhân của mình nên nếu có ý kiến trái chiều mời bạn bình luận phía dưới.
Leave a Reply