Toàn bộ câu chuyện là 4 câu chuyện nhỏ, tưởng không liên quan gì nhau nhưng hóa ra lại liên kết chặt chẽ về không-thời gian, để rồi, như nhiều người đã nhận xét, nó mang đến cái kết viên mãn, trọn vẹn cho toàn câu chuyện, cũng là cảm giác nó để lại trong lòng người đọc. Nhẹ nhàng, sâu lắng, những câu chuyện về lòng người và một tượng đài nhân hậu, sâu sắc, làm mọi thứ bằng tâm trí – tức ông chủ tiệm tạp hóa.
Người đọc hẳn mong có một tiệm tạp hóa Namiya như vậy trong đời thực, như người ta đã từng mong có cánh cửa thần kỳ hay cỗ máy thời gian khi đọc Doraemon. Gửi thư tư vấn, nhờ gỡ rối tơ lòng, hóa ra lại là một tập quán có từ rất lâu và trong thời mạng xã hội này nó vẫn còn chỗ đứng, ngay cả theo cách truyền thống nhất là gửi thư cho báo hay radio. Là bởi ai mà không có những lúc phân vân, lúng túng, đứng giữa các lựa chọn,hay đơn giản chỉ muốn giãi bày, trút lòng mình cho ai đó sẵn sàng lắng nghe.
Một câu chuyện hay, và khiến mình nghĩ nhiều về việc nhờ tư vấn, từ những triết lý riêng của ông chủ tiệm về vì sao người ta lại nhờ tư vấn và phải trả lờ tư vấn như thế nào.
Khi con trai chất vấn bố mất thời gian trả lời cả những thư rõ là nhầm đùa cợt, chọc phá, ông Yuji đáp: “Dù mục đích là quấy rối hay trêu đùa thì người gửi thư cho tiệm tạp hóa Namiya về cơ bản cũng giống như những người nhờ tư vấn bình thường khác. Tâm hồn họ hé mở ở đâu đó, những thứ quan trọng theo đó mà chảy ra.”
Và người sẵn sàng lắng nghe và gỡ rối tơ lòng cho bá tánh, cũng có nỗi niềm cho riêng mình. Câu trả lời của mình như vậy có đúng không, có giúp người ta hài lòng? Lời khuyên ta đưa ra, thật ra là giúp ích cho người hay khiến họ thêm bế tắc?
Rốt cuộc, chỉ cần viết ra nỗi lòng, thì xem như đã nhẹ nhàng một nữa, câu trả lời tư vấn có hay không cũng được. Nhưng giờ phải gửi cho ai đây, khi không có “tiệm tạp hóa Namiya” và những điều kỳ diệu của nó trong đời thật?
Leave a Reply