Miếng ngon Hà Nội, vì thế, nhiều khi làm cho ta yêu Hà Nội thấm thía, nhớ Hà Nội ê chề, và làm cho ta cảm giác ta là người Hà Nội hơn… Có ai đã xa Hà Nội lâu ngày, một chiều hiu hắt vọng về Hà Nội nhớ từng cái ngõ, từng cái nhà, nhớ từng vườn Bách Thảo, hồ Hoàn Kiếm nhớ đi, nhớ từ những hoa sấu rụng ở trên đường đầu thu nhớ xuống, mà tự nhiên ở đâu có người tìm đến mang “một chút quà Hà Nội” đến cho mình, người ấy mới có thể biết “quà Hà Nội” giá trị như thế nào!
[…] Ta cầm lấy mà thấy như ôm một chút hương hoa của đất nước vào lòng. Ai đã bảo ăn uống là một nghệ thuật? Hơn thế, ăn uống là cả một nền văn hóa đấy.
Ấn tượng về chất thơ trong văn của Vũ Bằng vẫn vẹn nguyên trong mình. Đọc từng con chữ mà như thấy được hết cái tình của tác giả gửi gắm vào trong đó. Nghệ thuật ẩm thực kết tinh cùng với những nét đẹp văn hóa con người Hà Nội đã tạo nên cái “hồn” cho mảnh đất thủ đô. Có những thức quà Hà Nội mà hầu khắp Bắc Việt đều có và đều ngon, nhưng có những thức quà mà có lẽ chỉ Hà Nội mới có và mới ngon, ví như: cốm vòng, chả cá hay rươi… Cái cách ông tả những bánh, những nhân của chiếc bánh cuốn bà cụ Còng; tả bát phở nóng nghi ngút khói với “bí mật” nước dùng ngon ngọt; mùi bún chả thơm, mùi nem nướng ngậy; hay những hạt cốm non gói trọn trong mình những hương đồng gió nội quê hương… sao mà ngon, mà thèm đến vậy. Mà miếng ngon Hà Nội đâu chỉ có mấy thứ đó mà thôi, mà còn ngon là ngon từ cái dưa, quả cà, ngon từ bát canh hoa lý nấu suông, mấy cái trứng cáy chưng, ngon từ miếng cát thu kho với nước mía ăn với gạo tám thơm…
NHƯNG… có lẽ do tác phẩm được viết từ những năm 50 của thế kỷ trước, tức đã cách đây hơn 70 năm trời nên có những phần nội dung mình cảm thấy không được đồng tình cho lắm, và làm thiện cảm của mình về ông giảm đi 1 nửa. Ví như bài thịt cầy, hay tư tưởng trọng nam khinh nữ cũng như lối so sánh đồ ăn ngon với da thịt đàn bà con gái (?). Một vài lần trong suốt cả tác phẩm thì cũng được, nhưng tần suất so sánh thường xuyên quá, mỗi món có khi so sánh trên 2-3 lần khiến một người đọc nữ mình cảm thấy… không được tôn trọng, và đôi chỗ thậm chí còn thấy khó chịu.
Chung quy lại, đây vẫn là một cuốn sách khá hay về ẩm thực nhưng khi đọc nên đặt vào bối cảnh những năm tác phẩm ra đời và nên có tấm lòng bao dung một chút trước những lời ví von của tác giả.
Kết lại bằng một đoạn lyrics bài Ăn gì đây, khá hợp với mood đọc cuốn này:
“Lang thang lang thang
Văn hóa ẩm thực con người Tràng An
Ăn ngon, không thiếu
Tiền ít, haу nhiều
Vỉa hè haу cửa hiệu
Thì từ xưa đến naу cũng không quan trọng hóa và cũng không cần mỹ miều…”
TÊN SÁCH | NHÃ NAM | TIKI | FAHASA | SHOPEE |
MIẾNG NGON HÀ NỘI (VIỆT NAM DANH TÁC) | http://bit.ly/miengngonhanoiNhaNam | http://bit.ly/miengngonhanoiTiki | http://bit.ly/miengngonhanoiFHS | http://bit.ly/miengngonhanoiShopee |
Leave a Reply