Review Người đua diều – Khaled Hosseini

Review Người đua diều – Khaled Hosseini

Nhờ “đà” sau khi đọc Ngàn mặt trời rực rỡ mà mình đã quay lại với Người đua diều, quyển mà mình đã tạm drop ngay khi còn chưa kết thúc phần 1 của quyển sách 3 hồi, cũng là 3 giai đoạn trong đời những nhân vật chính, này. Lúc đó mình đọc trên Kindle trong 1 chuyến đi ngắn nên bây giờ vẫn có thể mở ra đọc tiếp nơi mình đã dừng lại. Sau đó thì cũng lục ra được sách giấy, chắc là mua từ thời 2013, lúc đó Tiki còn free bọc sách. Lần này thì mình đã có thể kết thúc quyển sách, hoá ra nó không phải chuyện thiếu nhi như ban đầu mình tưởng.

Người đua diều là tác phẩm đầu tay của , trước quyển thứ 2 Ngàn mặt trời rực rỡ. Cả 2 quyển đều chung một dòng thời gian ở Afghanistan, từ trước khi Liên Xô đổ bộ đến sau sự cố 11-9-2001 (cũng là lý do mình chọn đăng bài review này vào hôm nay, 11-9-2021). Với Ngàn mặt trời là chuyện những người phụ nữ, tình mẫu tử, còn ở Người đua diều là tình cha con, huynh đệ. Amir lớn lên cùng người bạn thân nhất Hassan, con của người hầu nhưng lại được Baba (cha) cậu yêu quý và có phần ưu ái hơn. Amir sợ nhất là không được Baba công nhận, và sự ám ảnh này có lúc sẽ làm thay đổi quan hệ của cậu và Hassan. Sau phần đầu ấu là giai đoạn 2, khi Afghanistan trải qua nhiều biến động và cuộc đời Amir với Hassan cũng thế, trước khi đến phần cuối, khi Amir phải đối mặt với bóng ma quá khứ.
▫️
Càng đọc về sau mình càng nhận ra lý do mình đã drop lúc đầu: mình không ưa Amir. Mình mượn lời trong bài bình của Michiko Kakutani trên The New York Times: “Nhân vật chính của Người đua diều là một kẻ hèn nhát không ưa nổi, kẻ không thể đến giúp người bạn thân nhất của mình”. Amir là kẻ đã lừa dối bạn thân để đổi lấy tình thương của cha. Nhiều bạn khuyên nên cố gắng đọc qua phần đầu thì mới thấy quyển này hay, vì quả vậy, dần dà ta sẽ thấy Hosseini khiến người đọc cảm thông hơn với Amir bằng cách để cậu đi theo một hành trình tội lỗi và chuộc lỗi; sống cả đời với một mối day dứt lớn, liệu khi có cơ hội chuộc lại lỗi lầm, Amir sẽ lựa chọn thế nào và thực hiện nó ra sao? Hosseini đã sắp đặt mọi thứ như thế, và nó thật sự giúp mình bớt ghét Amir hơn.

Mình lại phải nói 1 chút về dịch thuật. Mình đang đọc ngon trớn thì có câu này làm khựng lại: “Tôi nhận được chứng chỉ tại tiểu bang San Jose mùa hè sau đó và chọn chuyên ngành tiếng Anh”. Sau đó mươi dòng là “Năm sau, Soraya đến tiểu bang San Jose với tôi, và đăng ký vào trường sư phạm”. San Jose chắc chắn không thể là “tiểu bang”, và đã “nhận chứng chỉ” rồi thì sao còn chọn chuyên ngành? Mình đã tìm bản gốc để tra, hoá ra chỗ đó là “I got my acceptance at San Jose State and declared an English major ” và “Soraya joined me at San Jose State the following year…”. San Jose State ở đây là San Jose State University, 1 đại học công ở thành phố San Jose, bang California, và acceptance là được nhận vào học chứ không phải chứng chỉ. Trước đó, cụm “(two-bedroom Victorian house) in San Francisco’s Bernal Heights” cũng được dịch là “Đồi Bernal, tiểu bang San Francisco”. Mình nghĩ 2 thành phố này rất quen thuộc nhưng người dịch nhầm thành bang và biên tập viên cũng không phát hiện, dù đọc vô thấy sai liền, là một điều đáng tiếc.

Kết lại, mình vẫn thích Ngàn mặt trời rực rỡ hơn; ở đó, mình đồng cảm với những nhân vật nữ và thân phận của họ hơn những cảm giác tội lỗi, lừa dối, che giấu bí mật của những người đàn ông trong Người đua diều. Sau 2 quyển rồi, có lẽ mình sẽ đọc nốt Và rồi núi vọng cho trọn bộ 3 về Afghanistan của Hosseini.

Instagram: xuxudocsach

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *