Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà là một tập truyện gồm 7 truyện ngắn khác nhau, đương nhiên xoay quanh chủ đề chính đã nêu luôn ở tiêu đề: những người đàn ông không có đàn bà.
Murakami vẫn dùng văn phong như vậy – một thứ ngôn ngữ kỳ lạ, điềm tĩnh để dẫn dắt người đọc vào cái không gian không đầu không kết, để cho người đọc tự tưởng tượng, tự phán đoán ra những điều tác giả muốn gửi gắm ẩn sau mỗi câu chuyện.
7 truyện ngắn khác nhau nhưng vẫn mang trong mình những giai điệu của âm nhạc cổ điển, của mùi thuốc lá ám đượm, của vị rượu đọng trên đầu lưỡi, của những cuộc trò chuyện ngắn ngủi hay của những cuộc giao hoan chớp nhoáng. Khi đọc Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà, nhiều khi chỉ có thể thốt lên rằng văn phong này chỉ có thể là hàng “độc quyền” của Haruki Murakami, do chính tay tác giả viết. Bởi chỉ có Murakami mới có thể nghĩ ra những nhân vật kỳ dị chẳng giống ai như thế. Mỗi nhân vật của mỗi câu chuyện đều là những người đàn ông kỳ lạ, u buồn, đôi khi là phẫn uất hay tuyệt vọng, với điểm chung duy nhất là không có đàn bà. Họ lạc lối trong cái thế giới hỗn loạn này, một số thì tìm cách để đương đầu với những suy tư cuồng loạn, chống trọi để vượt qua và đối diện với chính mình; nhưng một số thì lại thả trôi cuộc đời cho nỗi sầu bi cuốn lấy, chảy trôi giữa dòng thời gian bất tận. 👇🏻👇🏻👇🏻
-
Bên cạnh đó, sau khi đọc xong tớ cũng có cảm nhận rằng dường như (một vài) số phận của những người đàn bà được đề cập đến trong truyện cũng không hề hạnh phúc. Mỗi người đàn bà như thể mang trong mình một nỗi niềm riêng, họ thiếu đi màu sắc và sức sống, họ đều u buồn và không hạnh phúc. Và họ đều là “nguyên do” gây nên những niềm đau của cánh đàn ông trong đây.
Tuy nhiên, Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà không đi vào cái thế giới siêu thực, không có những cơn mưa đỉa, mưa cá, những giấc mơ nguyên tội, vv… mà đó lại là những câu chuyện thành đô gần gũi, những suy nghĩ hay những nỗi đau, những suy tư hay những giấc mơ về hạnh phúc nhưng bằng cách nào đó mà chưa cất được thành lời.
-
Cả 7 truyện đều mang âm hưởng tịch mịch, đều được kể với giọng điềm nhiên đến lạ nhưng ẩn sau cái giọng kể bình tĩnh ấy lại là cơn cuồng phong u uẩn trong một thế giới không bình yên.
Đây là đánh giá cá nhân của tớ cho từng mẩu truyện, các bạn có thể tham khảo nhé:Drive my car: 4/5
Yesterday: 4/5
Cơ quan độc lập: 2/5
Scheherazade: 3.75/5
Kino: 4/5
Samsa đang yêu: 3/5
Những người đàn ông không có đàn bà: 3.5/5Tổng kết cả cuốn: 4/5
Haiz, mỗi lần đọc xong sách của Murakami lại có sự bối rối không hề nhẹ. Tuy nhiên theo tớ nhìn nhận thì cuốn này là cuốn “đỡ hại não” nhất của Murakami (chắc là do truyện ngắn nên dễ tiếp thu hơn?), ít ra là so với những tác phẩm tớ đã đọc. Dịch cũng ổn, fan bác già không nên bỏ qua nha.
Leave a Reply