Rừng Na-Uy là một tác phẩm sâu sắc viết về những cá thể lạc lõng và mất phương hướng ở tuổi 20. Tác phẩm đã khắc hoạ lên một xã hội Nhật Bản vào năm 1959-1960 khi ấy tràn đặc các cuộc nổi dậy, lối sống buông thả trong rượu bia hay các chất kích thích, những cám dỗ xác thịt của tuổi trẻ, sự héo mòn của trầm cảm và le lói ở đâu đó là tình yêu, là khát vọng sống và khát vọng vượt qua chính mình để sống một cuộc đời mới đẹp đẽ và mạnh mẽ hơn.
Toru là một cậu bé gần như đã mất phương hướng sau cái chết của Kizuki – người bạn thân nhất của cậu đã ra đi mãi mãi ở tuổi 17. Toru như chìm đắm vào quá khứ cùng tình yêu với Naoko – bạn gái của Kizuki – một cô gái đang lạc lõng trong nỗi buồn vô vọng và âm ỉ mãi trong tâm hồn. Naoko đã ví cuộc sống của cô sau khi mất đi Kizuki như một cái giếng sâu tăm tối nhất, lúc đó, cô đã coi Toru như đấng cứu thế của cuộc đời mình, nhưng Kizuki đã và luôn là một nỗi ám ảnh trong trái tim Naoko, và những cảm xúc mạnh mẽ ấy đã khiến cô gái tuổi 20 mong manh này rơi vào vực thẳm hun hút không lối thoát. Cũng như Kizuki, Naoko chưa sẵn sàng cho tuổi 20, khi mà mọi thứ xung quanh như một cuộn len rối rắm mà cô không thể gỡ ra được. Naoko đã quyết định chạy trốn, bởi cô sợ tương lai, sợ thất bại vấp ngã.
“Tớ đã nghĩ là, tốt nhất thì con người nên chỉ ở tuổi 18 và 19 thôi. Hết 18 tuổi thì sẽ sang tuổi 19, rồi lại quay về tuổi 18.”
Toru cũng như vậy, cậu đã đi lạc vào vùng tăm tối ấy cô độc. Toru đã tưởng như mất đi bản thân mình khi đắm chìm vào tình dục – thứ cám dỗ xác thịt mà cậu cho đó là cách kết nối duy nhất của mình với những người xung quanh. Trong lúc đắm chìm vào bóng tối, Toru đã tìm được Midori – cô gái kì dị học cùng trường đại học với mình.
Nếu như Naoko là giếng sâu hun hút thì Midori chính là ánh sáng toả ra nguồn năng lượng tươi mới, của khát khao sống mãnh liệt của tuổi trẻ – mà cái năng lượng ấy đã gần như cứu thoát Toru – lúc này đang chìm dần vào vũng bùn lầy. Midori đã cứu Toru bằng tình yêu của cô dành cho Toru. Mặt khác, Midori có sự méo mó của mình, cô khát khao tình yêu gia đình, được quan tâm, được để ý, nhưng cô không chọn chạy trốn như Naoko hay Toru, mà Midori chọn cách chiến đấu và sống.
-
Suy cho cùng, Rừng Na-Uy không chỉ là những cuộc chạy trốn tương lai, những đau đớn của tuổi tưởng thành, những cám dỗ của xác thịt mà trên cả, Rừng Na-Uy mang âm hưởng của tình yêu, tình yêu đã khiến cho Toru buộc phải chọn giữa quá khứ và tương lai, khiến cho Naoko mãi mãi chìm vào vực thẳm, tình yêu mang cho Midori khát vọng sống và được yêu thương. Tình yêu là liều thuốc chữa lành, nhưng mặt khác, tình yêu cũng là liều thuốc độc chết người. Rừng Na-Uy đã cho thấy cả hai yếu tố đó, vì tuổi trẻ ở thời gian nào cũng chênh vênh, cũng lạc lối, chỉ do cách lựa chọn của mỗi người. Lựa chọn Naoko hay Midori cho chính mình.
-
Có nhiều bạn không thích Rừng Na-Uy, nhưng mình cực kì thích lối hành văn của Haruki Murakami, một giọng văn nhẹ nhàng, sâu lắng nhưng lại đầy da diết và ám ảnh của tuổi trẻ vô định. Mình thông cảm và hoà vào nỗi đau đớn của từng nhân vật trong tác phẩm qua giọng văn của ông. Bởi mình nghĩ rằng một khắc nào đấy, chính bản thân mình đã, đang và sẽ lạc lối, nhưng chỉ cần một ánh sáng dù le lói của niềm hy vọng, một Midori căng tràn sự sống thì chúng ta sẽ thoát ra được giếng sâu tăm tối, bằng cách này hay cách khác. 5/5. Vì mình cực kì thích Rừng Na-Uy.
Leave a Reply