9/10
Hồi bé, đọc “Đồi gió hú” lần đầu, mình từng mong sau này sẽ có người yêu mình như Heathcliff yêu Catherine. Sau này lớn lên đọc lại mới thấy hồi đó ngu dã man. Heathcliff nó bị điên đó, một thằng điên.
Đọc truyện này mình bị bức bối, vì các nhân vật quá ư là khó chịu. Nhân vật nào cũng có những điều cực kỳ đáng ghét, trừ mỗi bà giúp việc kể chuyện. Mình chưa đọc tiểu thuyết nào mà ai cũng đáng ghét như quyển này.
“Đồi gió hú” kể về hai gia đình Earnshaw và Linton. Họ sống trong 2 toà lâu đài gần nhau ở một vùng quê hẻo lánh của Anh. Mấy người này là nhà giàu không à, sống trong nhung lụa nghĩa đen đó. Hàng ngày có kẻ hầu người hạ, con cái trong nhà chỉ có việc đọc sách rồi cưỡi ngựa đi dạo quanh khu đồi mấy dặm toàn cỏ cây hoa lá đẹp tươi. Cuộc sống sẽ cứ thế mà tiếp diễn, người nhà giàu bên này sẽ yêu và lấy người nhà giàu bên kia, nếu như một ngày ông chủ Earnshaw không rủ lòng thương xót mang một thằng bé mồ côi về nuôi. Tới đây là hiểu rồi đó, thằng bé mồ côi Heathcliff lớn lên và làm xáo trộn tất cả.
Xét về hoàn cảnh ra đời của “Đồi gió hú” thì quyển này được khen nhiều là xứng đáng lắm. Không phải khen, mà “Đồi gió hú” đã trở thành một thứ kiểu như biểu tượng rồi, bất hủ luôn ý. Mình không thể tưởng tượng được một người phụ nữ 29 tuổi vào thế kỷ 18, lại có thể viết nên được một câu chuyện như thế này. Nó phá vỡ quá nhiều khuôn phép về tình yêu, phụ nữ thời đó ở Anh.
“Đồi gió hú” được viết cách đây gần 250 năm lận, nên không thể nhận xét nó tách rời với khoảng thời gian của nó được. 250 năm trước thì những ý niệm của Emily Brontë về tình yêu và ham muốn tự do là quá long trời lở đất luôn, không giống ai hết. “Đồi gió hú” không chỉ là một câu chuyện về tình yêu, nó là câu chuyện về tình yêu, tình cảm gia đình, lòng thù hận, sự báo thù, khác biệt giai cấp, định kiến xã hội và khao khát tự do. Quá nhiều thứ to tát trong một câu chuyện chỉ xoay quanh 2 gia đình.
Văn phong của những tiểu thuyết cổ như thế này sẽ hơi dài dòng. Các đoạn đối thoại của nhân vật cũng lòng vòng, hoa mỹ. Nhiều người ghét kiểu này nên đọc không thấy hay. Mình thấy cái kiểu hoa mỹ đó thú vị, vì nó đặc trưng, rất khác so với tiểu thuyết hiện đại.
Nhưng “Đồi gió hú” không hề lê thê ngán ngẩm tí nào. Mọi việc diễn ra ồ ạt khiến mình cứ phải lật hết trang này đến trang khác không dừng lại được, đúng là một quyển page-turner. Chẳng phải tiểu thuyết kinh dị giật gân gì đâu, mà nhiều đoạn mình đọc còn nín thở. Đêm nào mình cũng đọc đến khi mắt díp lại rồi mới buộc phải gập sách đi ngủ.
Nếu để tả về “Đồi gió hú” trong một từ, mình chỉ có thể nói là nó rất mãnh liệt. Nó là sản phẩm của một tâm hồn cực kỳ mãnh liệt. Đây là tác phẩm duy nhất của Emily Brontë. Khoảng 1 năm sau khi viết xong “Đồi gió hú”, Emily Brontë đã chết rồi. Lúc đó bà mới 30 tuổi. Mình có cảm giác “Đồi gió hú” đã giải toả được phần nào những cảm nhận mãnh liệt của Emily Brontë về cuộc sống, nên cái chết của bà đến cũng bình thản hơn. Hay ít nhất là mình hy vọng thế.
Bản dịch của Dương Tường là hay nhất rồi đó, đừng đọc những bản khác mà mất hay đi.
Review của độc giả Tram Bui – Nhã Nam reading club
Bạn có thể tìm mua sách tại:
TÊN SÁCH | NHÃ NAM | TIKI | FAHASA |
Đồi gió hú | http://bit.ly/doigiohuNhaNam | http://bit.ly/doigiohuTK | http://bit.ly/doigiohuFHS |
Leave a Reply