Bạn có biết, khoảng cách lớn nhất của một mối tình, không phải chỉ đơn thuần là khoảng cách về không gian và thời gian, mà chính là những định kiến về văn hóa và dân tộc.
Chúng ta có thể thấy một anh chàng bụng bia biến thành mỹ nam sáu múi, một cô nàng siêu lười biếng nhờ phép lạ của tình yêu có thể trở thành đầu bếp gia đình hàng đầu, chúng ta có thể vì tình yêu để biến đổi bản thân trở nên hoàn hảo trong mắt người tình. Nhưng những định kiến về văn hóa, về địa lý và nguồn gốc gần như đã nằm ngoài tầm với của mỗi cá nhân, kể cả đối với những học viên IIMA (Học viện Quản lý Ấn Độ) tinh anh nhất.
Liệu một anh chàng Punjab Bắc Ấn có thể thoát được hôn sự với một cô nàng Punjab với món của hồi môn giàu sụ không?
Liệu một cô nàng Tamil Nam Ấn có thể thoát khỏi được sự sắp đặt với anh chàng tài ba đến từ thung lũng Silicon mà cha mẹ ưa thích hay không?
Liệu quyết tâm đi đến hôn nhân, nhưng không phải với sự chạy trốn, mà quyết tâm đạt được sự thừa nhận của hai bên gia đình liệu có là quá ngu ngốc?
Không còn là những màn nghịch ngợm, những sáng tạo và những đam mê và nhiệt huyết như trong Ba chàng ngốc, Chetan Bhagat đã viết lên một Ấn Độ khác với những người trẻ tuổi, một thứ cần hơn cả những nhiệt huyết bồng bột, đó là lòng dũng cảm và kiên trì trong một Ấn Độ khắc nghiệt với hôn nhân, với văn hóa và bức tường ngăn cách dân tộc.
Leave a Reply