REVIEW SÁCH “TÀN LỬA” – Shizukui Shusuke

REVIEW SÁCH “TÀN LỬA” – Shizukui Shusuke

Mình đọc xong quyển này lúc 22h34′ ngày 5/10, và viết review ngay sau đó.

Cũng khá lâu rồi mình mới đọc thể loại và loại trinh thám làm mình hồi hộp theo mạch truyện. (Đó là “Phía sau nghi can X” của bác Keigo). Lần này mình mua truyện này do một lần tình cờ lướt Tiki và thấy bìa sách này đẹp quá, với lại là truyện trinh thám nữa nên mình quyết định mua luôn. Mình mua từ tháng 5 mà bây giờ mới có thời gian đọc.

Thật sự mình bị cuốn ngay từ đầu mạch truyện. Tác giả phải nói là tài tình trong việc miêu tả diễn biến của từng nhân vật, đặc biệt là có phần bất ổn của nhân vật phản diện của truyện – Takeuchi. Đó là thứ làm mình bị cuốn. Các nhân vật dù chính hay phụ đều có phần đất diễn đáng kể và có sự liên kết với nhau: nhân vật phụ (vợ chồng Isao-Hiroe, Toshiro, bé Madoka, vợ chồng Ikemoto, …) tạo sự liên kết với nhân vật chính Yukimi và Takeuchi. Tác giả đã khéo léo mô tả tâm lý từ bình thường đến bất ổn của Yukimi và dẫn dắt độc giả đến với hành trình “gian nan” trong đời sống thường nhật của cô với giọt nước tràn ly là việc cô bị đuổi khỏi nhà chồng. Đó lại là kế hoạch đã được sắp đặt sẵn của Takeuchi – “kẻ xâm nhập” vào đời sống hạnh phúc trước đó của nhà Kajima (gia tộc bên chồng của Yukimi).

Nói thật là mình bị cuốn ngay từ đầu truyện nên cho dù quá nửa câu chuyện là việc mô tả tâm lý và diễn tiến của câu chuyện mà mọi thứ vẫn như bị bó buộc, chưa được giải quyết, nhưng mình vẫn không sao. Đơn giản là vì mình càng đọc, mình càng thấy được (theo mình thôi nhé) dụng ý của tác giả khi ông để người đọc đoán dần đoán mò rồi cuối cùng đưa ra một cái plot twist ở cuối truyện. Đến đó mọi thứ như được bùng nổ. Tác giả đã rất thành công trong việc này: làm cho người đọc phải đồng cảm với nhân vật nữ chính (Yukimi) và căm ghét nhân vật phản diện (Takeuchi) vì sự nham hiểm của “gã”.

À, ngoài ra, mình cũng từ từ nhận ra một ít dụng ý của tác giả khi ông mô tả tính cách của các nhân vật như đại diện cho nhiều người đây đó : tính gia trưởng ở những người chồng, sự lưỡng lự phải khi đưa ra một phán quyết ở những giây phút quyết định,… Mình ấn tượng ở đoạn này: “Isao có cảm giác ông ta (thẩm phán) là một con người ở thế giới lạ nào đó. Ông thậm chí còn thấy lạ lẫm khi nghĩ rằng mới đây thôi mình cũng từng ở thế giới bên ấy”. Đoạn này nói về việc Isao – một cựu thẩm phán, cũng đã từng đưa ra những phán quyết nhưng lại là những phán quyết được hình thành trong sự lưỡng lự, không chắc chắn ở ông. Chúng xuất phát từ phần lớn con tim của ông, chỉ có chút phần nhỏ bé là của lý trí. Vì thế, chỉ khi mọi sự mới vỡ lẽ, ông mới cảm nhận được sự tình của việc làm một thẩm phán “sốt sắng” so với một thẩm phán “hời hợt”. Chính tựa đề của truyện – “Tàn lửa” đã nói về điều đó: Ông đã mấy lần muốn dập tắt ngọn lửa nhen-nhúm-ban-đầu-nhưng-giờ-đang-chuẩn-bị-bùng-lên-thành-ngọn-lửa-hung-dữ đó đi nhưng lại vụt mất cơ hội ấy và để nó tạo ra những ngọn lửa dữ dội hơn, thản nhiên thiêu rụi mọi thứ trên đường đi của nó, để cuối cùng chỉ còn lại những tàn lửa mà mình chỉ biết đứng nhìn thôi. Đó cũng một phần là vì sự lưỡng lự của vị cựu thẩm phán trước những cơ hội ngàn vàng có thể tóm được hung thủ.

Ok, nói chung, mình thích quyển trinh thám này và chấm 8.5/10.

Review của độc giả Phương Đào – Nhã Nam reading club

Bạn có thể tìm mua sách tại:

TÊN SÁCH NHÃ NAM TIKI FAHASA
TÀN LỬA https://nhanam.vn/products/tan-lua shorturl.at/lqvxZ https://bit.ly/tanluaFHS

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *