(Bài viết được trích từ tiểu luận cá nhân của mình, đã thay đổi và thêm bớt khá nhiều để phù hợp với một bài cảm nhận)
- Tuy là một tác phẩm gây ra vô số tranh cãi xuyên suốt từ lúc được ra mắt vì tính bạo lực và cực đoan của nó, song Thành phố và lũ chó luôn được xem là một tác phẩm gây tiếng vang lớn của Mario Vargas Llosa, nâng cao tiếng tăm của ông trên văn đàn quốc tế. Trong đó, M. V. Llosa thành công khắc hoạ nên một thế giới đầy rẫy những di sản của bạo lực, tinh thần sùng bái cái ác và kẻ mạnh, những thế hệ thanh niên là sản phẩm của một lối giáo dục bạo tàn, gây ảnh hưởng lâu dài cùng những tội ác không bao giờ phải bị trả giá.
Nếu bạn là một người thích Bắt trẻ đồng xanh của J. D. Salinger hay Bay trên tổ chim cúc cu của Ken Kesey thì mình nghĩ bạn cũng sẽ thích tác phẩm này. Ở nó cũng toát lên một thứ màu sắc trẻ trung, phản ứng một cách mãnh liệt với thế giới, dày đặc những dòng miêu tả giàu tính bạo lực, tất nhiên cũng mang đầy cực đoan và thách thức. Tuy vậy, nó không có một sự rung động nhạy cảm và khao khát được hiểu cùng yêu thương như Bắt trẻ đồng xanh, hay những trào tếu nghịch lý và hy vọng về một ánh sáng cuối đường hầm như Bay trên tổ chim cúc cu, Thành phố và lũ chó chỉ có bạo lực, và chấm hết ở đó.
Vấn đề khiến cho tác phẩm trở nên độc đáo nằm ở thủ pháp tự sự phức tạp, đa điểm nhìn và khó phân định, các nhân vật lần lượt sắm vai người kể chuyện và độc giả phải dựa vào nhiều dấu hiệu để biết rằng ai là người đang kể. Đồng thời còn có rất nhiều phân đoạn chồng lấn giữa các giọng kể, các sự kiện quá khứ và hiện tại đan vào nhau trong cùng một câu, có những đoạn dài đến vài trang với cách kể hỗn độn và rắc rối như có vô số giọng kể đang thay phiên nhau đối thoại. Và vì thế mà việc tiếp cận tác phẩm này không phải là một điều dễ dàng.
- Kẻ bắt nạt, kẻ bị bắt nạt và kẻ lưỡng nan
Trong khuôn khổ bài viết, mình sẽ chủ yếu nói về bộ ba nhân vật chi phối toàn bộ tác phẩm, bao gồm Báo Đen (nhân vật chỉ được nhắc đến bằng biệt danh chứ không có tên), Ricardo Arana biệt danh Nô Lệ, Alberto biệt danh Nhà Thơ, theo thứ tự đó họ cũng là kẻ bắt nạt, kẻ bị bắt nạt và kẻ lưỡng nan trong cuộc chơi bạo lực trong trường quân sự Leoncio Prado.
Báo Đen là kẻ đứng đầu trong Nhóm bạn, là nhân vật có tâm tính bạo lực xuất phát từ hoàn cảnh sống từ lúc nhỏ cho đến lớn, đặc biệt là khi ở trong môi trường quân sự thì nét tính cách đó lại ngày càng được phát triển hơn, dẫn đến tội ác cuối cùng mà cậu đã phạm phải.
Nô Lệ Ricardo luôn luôn là kẻ bị bắt nạt, bị trở thành trung tâm của những trò đùa giỡn hành hạ của tụi trai mới lớn khác xung quanh, tính cách cam chịu chấp nhận ấy cũng xuất phát từ những trải nghiệm trong quá khứ. Cậu trở thành người bị hại trong câu chuyện tàn nhẫn này, hoàn toàn thất bại trong cuộc chơi của trường quân sự, điển hình cho người nằm ở đáy của nấc thang độc tài bạo lực.
Nhà Thơ Alberto lại là nhân vật đặc biệt hơn cả, cậu lúc nào cũng phải đi trên dây giữa hai trạng thái trở nên độc ác hay trở nên lương thiện, liên tục bị dằn xé bởi hai quyết định: tố cáo hành vi phạm tội hay im lặng để cho mọi chuyện trôi qua, chọn trở thành kẻ bắt nạt hay kẻ chấm dứt tình trạng bắt nạt, chọn làm kẻ đạo đức hay kẻ vô nhân. Nhà Thơ vì nhiều lý do nên đã dành sự coi trọng trong tình bạn với Nô Lệ Ricardo, tính cách này cũng xuất phát từ môi trường sống giống hai nhân vật còn lại, và giữa những điều đúng và sai cậu đã chọn làm điều đúng đắn, dẫu cho quyết định ấy đã không dẫn đến thành công, không thể cứu giúp được ai hay thay đổi được hiện trạng đang xảy ra nhưng ít nhất đến cuối cùng Alberto cũng đã không chọn bị tha hoá.
Mối quan hệ tam giác này mang nhiều điểm giống nhau đến bất ngờ, và hành trình tâm lý của cả ba cũng có muôn vàng điều thú vị, dù là kẻ thủ ác hay người bị hại, dù làm người đúng hay kẻ sai thì ở họ cũng đã bộc lộ được những nét tính cách, những trạng thái bên trong một con người, cả ba người tượng trưng cho ba kiểu trạng thái của con người trong cuộc sống.
Cả ba chồng chéo, đan xen và trộn lẫn vào nhau trong mỗi môi trường tù đọng mà ngay từ ban đầu đã có đủ sự hỗn loạn, với những trò bạo lực đến không tưởng như tham gia vào vô số tệ nạn, viết và buôn bán truyện khiêu dâm, làm tình với động vật, làm tình tập thể, tình dục đồng tính để đổi lấy tiền và rượu, văng tục xuyên suốt, hành hạ “khai tâm” những “lũ chó con” mới vào trường, và đỉnh điểm là giết người. Ba cậu thiếu niên trẻ tuổi bị quăng quật trong đủ mọi hoàn cảnh khắc nghiệt của trường quân sự, chứng tỏ một điều khi được giáo dưỡng bằng bạo lực thì con người chỉ có thể càng trở nên bạo lực hơn mà thôi.
- Sự trượt dài của bạo lực và sự bất lực của tình yêu
Cả ba nhân vật này có nhiều điểm giống nhau hơn họ nghĩ, họ đều là những đứa trẻ bị quá khứ định hướng tính cách. Họ trượt dài trên tiến trình bạo lực trong trường quân sự, kẻ bắt nạt chỉ ngày càng giở thói bắt nạt và bày ra những trò lưu manh, trò sau đáng sợ hơn trò trước, đến mức đạt đến cảnh giới bạo lực cao nhất – giết người, còn kẻ bị bắt nạt chỉ ngày càng bị bắt nạt một cách nặng nề hơn, những trò hành hạ ngày càng khủng khiếp hơn và cuối cùng bị hạ sát, còn kẻ một chân chống hai thuyền thì rơi vào trạng thái không thể lựa chọn một cách dễ dàng khi tất cả những thế lực xung quanh đều bắt đầu nổi lên sự phản kháng và sụp đổ.
Song điểm đặc biệt nhất giữa họ lại là một điều bất ngờ khác hẳn: cả ba nhân vật đều cùng yêu một cô gái. Báo Đen đem lòng yêu Teresa, một cô bé gần nhà từ khi còn nhỏ. Nô Lệ có dịp gặp Teresa một vài lần và đem lòng tương tư không dứt, đến mức dường như cậu đã phát điên khi bị nhốt trong trường không được phép ra ngoài vào mỗi cuối tuần. Còn Nhà Thơ Alberto nhờ chuyển thư giúp Nô Lệ mà gặp gỡ Teresa rồi đem lòng yêu quý cô. Tình yêu của ba người dành cho cùng một cô gái vì thế cũng mang những đặc trưng khác nhau, Báo Đen thì sâu sắc, liều lĩnh, đến mức đánh người khác để dằn mặt không cho đi bên cạnh người mình yêu, Nô Lệ là một thứ tình yêu bi luỵ, bất lực, dẫu trong lòng mang nặng tương tư nhưng thực tế lại hoàn toàn vô vọng, không bao giờ chạm đến được người mình yêu, còn Nhà Thơ là một tình yêu cũng chân thành nhưng lại chỉ mang tính nhất thời, không bền vững, một tình yêu mang nhiều trăn trở về sự phản bội bạn bè vì lỡ yêu chính người mà mình được nhờ đưa thư tình đến.
Thật ra cả ba người họ đều bất lực trong tình yêu ấy. Dẫu đến cuối cùng người thành đôi với Teresa là Báo Đen, thế nhưng suốt quá trình dường như ánh sáng của tình yêu tuổi trẻ không phá được đám mây mù bạo lực đang bủa vây dày đặc cuộc sống ba năm trong trường quân sự Leoncio Prado của các nhân vật.
- Từ bi kịch gia đình đến hành vi tội lỗi
Thành phố và lũ chó là cuộc trượt dài của tội lỗi, là sự chiếm lĩnh của tâm lý độc tài bạo lực, là sự tố cáo tình trạng bạo hành trong các trường quân sự, vì thế nó cũng khắc hoạ rõ nét hành trình tâm lý bạo lực của các nhân vật. Từ bi kịch gia đình, các nhân vật đi đến bi kịch xã hội, phạm vào những luật lệ mang tính pháp lý và đạo đức.
Báo Đen có quá khứ là con một gia đình nghèo khổ đến mức người mẹ ngầm chấp nhận việc những đứa con của mình gia nhập băng đảng trộm cắp để mang tiền về cho bà, cậu có một người anh phải vào tù, rồi dần dần chính cậu cũng đi trên con đường tội ác đó để khi bước vào trường quân sự tính cách này càng được phát triển ngày một ghê gớm và không có điểm dừng, cậu phạm tội giết người rồi lại được trung uý Gamboa giúp đỡ che giấu. Nô Lệ cùng mẹ chuyển đến một nơi khác, chấp nhận người cha dượng bạo lực rồi để khi vào trường cậu vẫn mang tâm lý chấp nhận như thế, chịu đựng cho đến lúc chết. Còn Nhà Thơ thì có một người cha liên tục ngoại tình khiến cho mẹ vô cùng đau khổ, một đám bạn dễ thương và luôn bên cạnh cậu nên cậu trở thành một người rất trọng tình cảm, hành động khá cảm tính và đến cuối cùng cậu vẫn hành động theo lương tri mách bảo là tố giác Báo Đen cho dù màn tố giác đó đã đem đến thất bại thảm hại.
Từ đó ta thấy được tiến trình phát triển của hình tượng nhân vật khá cụ thể, những gì đã từng xuất hiện trong quá khứ lại một lần nữa trở lại bủa vây lấy nhân vật, những tồn đọng trong thời kỳ phát triển mãi mãi trở thành một phần trong con người họ và định hướng những hành vi việc làm của họ. Lại thêm có môi trường quân sự lúc nào cũng căng thẳng, bí bách, sống giữa vô số những bạo lực và tệ nạn, cả ba bị cuốn vào vòng xoáy triền miên những điều khủng khiếp, biến con người thành những loài thú đáng sợ, bản năng và chỉ biết phát tiết những hành vi bạo lực, độc tài, làm hại đến những người yếm thế, hành hạ người khác như một thú vui giải trí vô thưởng vô phạt.
- M. V. Llosa, trong tác phẩm của mình, đã chỉ mặt gọi tên từng biểu hiện khủng khiếp nhất trong một môi trường quân sự của một xã hội Perú còn đầy rẫy những di sản của bạo lực trong quá khứ, thẳng thắn lên án vô số tệ nạn xã hội, sự áp chế của quyền lực và tính độc tài của bạo lực. Tất cả những điều đó đặt vào trong ba thanh niên trẻ trung, trong những đứa nhỏ vẫn chưa hiểu hết được sự phức tạp của xã hội, nhưng đã hưởng trọn cái di sản ấy, như một sự nối dài đầy bất an của lịch sử, dường như không thể thoát khỏi được bóng ma của những chế độ quân phiệt vẫn còn đeo bám những dân tộc là nạn nhân của nó cho đến ngày hôm nay.
(Hết)
—
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Erich Fromm (2007), Trốn thoát tự do (người dịch: Bùi Thanh Châu), Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội.
Mario Vargas Llosa (2021), Thành phố và lũ chó (Lê Xuân Quỳnh dịch), Nxb. Văn học.
Paul Ricoeur (2021), Cái Ác – Một thách thức đối với Triết học và Thần học (Bùi Văn Nam Sơn dịch), Nxb. Hồng Đức.
Leave a Reply