Review Thợ xăm ở Auschwitz – Heather Morris

Review Thợ xăm ở Auschwitz – Heather Morris

Phải nói rõ đây không phải hay tự truyện, mà là tiểu thuyết dựa trên câu chuyện Lela do tác giả Heather Morris viết, sử dụng chất liệu là phỏng vấn nhân vật trong suốt 3 năm và nghiên cứu tư liệu. Theo đó, Lale Sokolov bị đưa đến Auschwitz và số phận run rủi cho ông được làm thợ xăm, phụ trách xăm số hiệu lên tay tất cả những người tù mới tới. Làm thợ xăm đồng nghĩa với làm việc cho kẻ thù, được tạm thoát cái chết và hưởng một số đặc quyền, trong khi mỗi ngày phải tận mắt chứng kiến đồng loại bị đưa vào chỗ chết. Nhưng Lale chấp nhận tất cả, chỉ để sống sót, thoát khỏi đó và kể lại tội ác này cho cả thế giới nghe.

Cũng vì tin rằng mình có thể sống sót mà Lale dám theo đuổi một tình yêu sét đánh – Gita, người ông đã yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên khi xăm mã số cho nàng. Thật khó tin khi trong trại tập trung mà người ta có thể gửi lời nhắn, gửi thư cho nhau, bí mật gặp nhau và cả gần gũi. Lale và Gita đã thực sự vượt qua được cảnh địa ngục trần gian và tìm thấy nhau khi mọi thứ đã qua đi, rồi sống hạnh phúc với nhau đến khi bà vĩnh biệt ông trước, biến cố khiến ông đồng ý kể lại chuyện của mình và để nó thành tiểu thuyết.

Nếu bạn thấy toàn bộ câu chuyện này khó tin, thì mình cũng thế. Đến mức sự hoài nghi đã lấn át suốt hành trình đọc quyển này, khiến mình không rung động được với tình yêu kỳ lại này. Hoặc cũng có thể do cách viết của tác giả, đơn điệu và thiếu cảm xúc. Cũng bởi lẽ ban đầu bà chỉ định viết kịch bản phim chứ không phải tiểu thuyết. Mình lại thấy những đoạn Lela dằn vặt vì mình giống như đang đứng về phe kẻ thù vẫn hay hơn những đoạn tình yêu.

“Anh cố gắng nhìn vào mắt họ, để họ biết anh cũng làm việc cho kẻ thù. Anh cũng chọn phương án được sống càng lâu càng tốt, bằng cách thực hiện hành vi làm ô uế những người cùng đức tin với anh”. “Anh đã được trao cho sự chọn lựa tham gia vào việc huỷ hoại dân tộc mình, và anh đã chọn làm thế để được tồn tại. Anh chỉ hi vọng sẽ không bị phán xét là thủ phạm hay đồng phạm”. “Anh thấy nhục vô cùng khi phải thể hiện sự thân thiết với kẻ thù, nhưng anh cần làm thế”

Tiếng Anh có câu truth is stranger than fiction, nghĩa là đời thật đôi khi còn kỳ lạ hơn những gì tiểu thuyết gia có thể sáng tác ra. Nếu đây không phải là câu chuyện có thật thì nó sẽ là một câu chuyện được sắp đặt tuỳ tiện và dễ dãi, những sự tình cờ may mắn cứ nối tiếp nhau.

Mình đã gần như ngay lập tức tìm đọc những bài fact-check (1 từ rất thời thượng) quanh quyển này, và quả tình có một số chi tiết gây tranh cãi. Nhưng tác giả quả quyết mình tin những gì Lale đã kể, và thuật lại câu chuyện đó theo lối đan xen hồi ức và . Nhưng dẫu gì thì những thứ then chốt nhất vẫn là thật: 2 người họ đều đã ở trại tập trung, và tình yêu thực sự giữ họ bên nhau đến trọn đời. 

Nếu các bạn muốn đọc mọi thứ về holocaust, cũng có thể đọc quyển này – ngoài những cảnh có thể bạn đã đọc ở những tác phẩm khác như đoàn tàu chở tù nhân, cảnh phân loại, cảnh lao động và phòng hơi ngạt, lò thiêu ta sẽ biết thêm một lát cắt về những người được quốc xã “trưng dụng” làm việc cho chúng, như dàn nhạc trong Cây vĩ cầm Ave Maria.

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *